Thành Thành Công – Biên Hoà (SBT): Dự phóng doanh thu niên độ tài chính 2022-2023 vượt 20.000 tỷ
Kinh doanh khởi sắc với cả doanh thu và lãi ròng đều tăng trưởng
Là doanh nghiệp đầu ngành với sản lượng mía đường chiếm hơn 46% thị trường trong nước, hoạt động của Công ty Cổ phần Thành Thành Công – Biên Hòa (SBT) có tác động rất lớn tới ngành mía đường.
Theo thống kê từ Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MAS), hiện nay SBT sở hữu vùng nguyên liệu rộng 68.000 ha, trải dài 3 nước Đông Dương với 10 nhà máy đường, cùng tổng công suất ép mía hơn 41.000 tấn mía/ngày, 4.690 tấn đường/ngày.
Theo báo cáo tài chính quý I niên độ 2022-2023 (quý tài chính từ 1/7/2022- 30/9/2022), doanh thu thuần và lãi ròng của SBT lần lượt đạt 5.309 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp tăng 34%, biên lợi nhuận gộp tăng từ 11,5% lên 12,5% so với cùng kỳ nhờ giá bán đường tăng (đường chiếm 90% tỷ trọng doanh thu của SBTs). Chi phí tài chính tăng 12% lên 339,5 tỷ đồng, do chi phí lãi vay tăng 18%. Doanh thu tài chính giảm 25% so với cùng kỳ xuống 259,5 tỷ đồng do lợi nhuận từ đầu tư hợp đồng tương lai giảm.
Nhờ tối ưu hoá chi phí giá thành sản phẩm và kiểm soát tốt chi phí tại các khâu, hiệu quả hoạt động kinh doanh của SBT ngày càng cải thiện theo chiều hướng tích cực với lãi ròng đạt 262 tỷ đồng, tăng 34%.
Triển vọng doanh thu vượt 20.000 tỷ trong niên độ tài chính 2022-2023
Theo Bộ nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) sản lượng đường toàn cầu niên vụ 2022-2023 dự kiến tăng 0,9% lên 183 triệu tấn do thời tiết thuận lợi ở cả Brazil và Thái Lan, và năng suất mía tăng cao. Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), giá đường thế giới từ tháng 1 đến tháng 10 trung bình đạt 18,5 cents/lb, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước, dự báo đến năm 2029 giá đường trung bình đạt 21,3 cents/lb.
Theo thống kê từ Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), niên vụ 2021-2022, toàn ngành mía đường đã ép được 7,5 triệu tấn mía, sản xuất được gần 741.700 tấn đường. So với niên vụ 2020-2022, sản xuất mía đường niên vụ vừa qua tăng hơn 11,6% về sản lượng mía ép và tăng 7,5% về sản lượng đường. Theo ước tính, mỗi năm nhu cầu nội địa của Việt Nam cần từ 2,1 - 2,3 triệu tấn đường, tức sản lượng đường trong nước mới chỉ đáp ứng được 33%-35% nhu cầu tiêu thụ. Điều này cho thấy sự thiếu hụt lớn về nguồn cung, trong khi nhu cầu tiêu thụ vẫn đang ở mức rất cao.
Thêm vào đó, kể từ tháng 8, Việt Nam đã chính thức áp dụng mức thuế chống bán phá giá 42,99% và thuế chống trợ cấp là 4,65% đối với các sản phẩm đường nhập khẩu từ Thái Lan và các nước có nguyên liệu đường xuất xứ từ Thái Lan. Dự báo giá đường trong nước sẽ ở mức cao 18.000 - 22.000 đồng (chưa bao gồm VAT) trung bình tăng 11% so với cùng kỳ vào cuối năm 2022 và tiếp tục duy trì ở mức cao trong dài hạn đến 15/06/2026 (kỳ hạn chính sách thuế với đường Thái Lan).
Cũng theo thống kê từ Mirae Asset, giai đoạn 2021-2025, SBT tập trung mở rộng vùng nguyên liệu tại Úc đến 20.000 ha. Tháng 8 năm nay, SBT đưa vào vận hành 1.244 ha, năng suất thu hoạch dự kiến trung bình 900 tấn mía/ngày. Cùng với đó, SBT đẩy nhanh tiến độ với mục tiêu 5.000 ha trong niên độ 2022-2023 (1/7/2022-30/6/2023).
Do đó, trong niên độ tài chính 2022-2023, các chuyên gia Mirae Asset dự phóng doanh thu và lãi ròng của SBT đạt 20.229 và 1.077 tỷ đồng, tăng 10% và 29% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp tăng từ 12,5% lên 13% nhờ giá đường tăng. Doanh thu mảng sản xuất đường tăng 12%, đạt 18.902 tỷ đồng. Đóng góp vào triển vọng kinh doanh tích cực này là nhu cầu từ Trung Quốc - thị trường nhập khẩu lớn của SBT. USDA dự báo Trung Quốc sẽ nhập khẩu 4,4 triệu tấn đường niên độ 2022-2023.
Mới đây, công ty chứng khoán FPTS cũng đánh giá tích cực với hoạt động kinh doanh và cổ phiếu của SBT. Theo đó, đơn vị này dự phóng sản lượng mía và sản lượng đường của doanh nghiệp đều tăng trưởng trong niên độ 2022-2023. Cụ thể sản lượng mía của SBT tăng 38%, sản lượng đường RE (đường tinh chế) từ mía tăng mạnh 60% so với cùng kỳ trong niên độ 2022-2023 giúp SBT giành lại thị phần từ đường RE Thái Lan.
FPTS dự phóng sản lượng đường tiêu thụ của SBT vào niên độ 2022-2023 tăng 7% so với cùng kỳ và tốc độ tăng trưởng sản lượng tiêu thụ trong giai đoạn 2021/2022 – 2026/2027 đạt 4,8%/năm. FPTS dự phóng doanh thu thuần niên độ 2022-2023 của SBT đạt 20.490 tỷ đồng, tăng hơn 13% và lợi nhuận trước thuế tăng gần 5% so với cùng kỳ.
Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) cũng nêu ra các triển vọng của ngành đường, sẽ hỗ trợ tích cực vào lợi nhuận của SBT trong niên độ 2022-2023. Với kế hoạch tham vọng của SBT cho niên độ 2024-2025, VCSC ước tính doanh thu thuần của SBT tăng trưởng kép (CAGR) khoảng 27% trong 3 năm tới, cao hơn nhiều so với CAGR giai đoạn 5 năm trước là khoảng 16%.
Trên thị trường chứng khoán, thời gian gần đây, nhiều thành viên hội đồng quản trị SBT đồng loạt đăng ký mua vào cổ phiếu trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động.
Ngày 23/11, bà Huỳnh Bích Ngọc – Chủ tịch HĐQT đã đăng ký mua vào 2 triệu cổ phiếu SBT theo phương thức khớp lệnh. Giao dịch dự kiến thực hiện từ 28/11 đến 27/12. Tính đến thời điểm hiện tại, bà Ngọc đang nắm giữ hơn 69,7 triệu cổ phiếu SBT, tương đương 10,71% vốn cổ phần. Nếu mua thành công số cổ phiếu đăng ký, bà Ngọc sẽ tăng sở hữu tại SBT lên 71,7 triệu cổ phiếu, tương ứng 11,02% vốn cổ phần.
Ông Hoàng Mạnh Tiến - Thành viên độc lập HĐQT cũng đồng thời đăng ký mua vào 800.000 cổ phiếu theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh. Giao dịch dự kiến thực hiện từ 28/11 đến 27/12. Nếu giao dịch thành công, ông Tiến sẽ tăng số cổ phiếu đang nắm giữ từ 1.575.000 cổ phiếu, tương ứng 0,24% vốn lên 2.375.000 cổ phiếu, tương ứng 0,36%.