Lâm Đồng cho phép 2 huyện chuyển mục đích sử dụng đất trở lại

Đông Bắc 09:25 | 31/07/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Sau một thời gian ngắn tạm dừng, 2 địa phương của tỉnh Lâm Đồng là huyện Đơn Dương và huyện Đam Rông vừa cho phép tiếp tục tiếp nhận, giải quyết hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất trên địa bàn.

 

Theo đó, UBND huyện Đam Rông phát đi Công văn 1616/UBND-ĐC về việc tiếp tục tiếp nhận, giải quyết hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất trên địa bàn huyện.

Trước đó, ngày 18/7/2023 địa phương này đã ban hành văn bản số 1522/UBND-ĐC về việc tạm dừng tiếp nhận và giải quyết hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất trên địa bàn huyện.

Qua rà soát kế hoạch sử dụng đất năm 2022 thì hiện nay vẫn còn chỉ tiêu chuyển mục đích sử dụng đất trên địa bàn. Do đó, UBND huyện Đam Rông thống nhất tiếp tục tiếp nhận, giải quyết hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất trên địa bàn huyện.

UBND huyện Đam Rông giao Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện và UBND các xã thông báo cho hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn huyện biết và tổ chức tiếp nhận hồ sơ để giải quyết theo quy định.

 Hai huyện ở Lâm Đồng cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trở lại. Ảnh BLĐ.

Tương tự, ngày 24/7 vừa qua, UBND huyện Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng) cũng đã có Công văn số 1368/UBND-TNMT về việc thu hồi văn bản số 1326/UBND-TNMT ngày 17/7/2023 của UBND huyện.

Theo đó, ngày 17/7/2023, UBND huyện Đơn Dương ban hành văn bản số 1326/UBND-TNMT về việc tạm dừng thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển vị trí đất ở trên địa bàn huyện.

Sau khi rà soát UBND huyện Đơn Dương nhận thấy việc ban hành Văn bản 1326/UBND-TNMT ngày 17/7/2023 là chưa phù hợp với quy định của pháp luật.

Từ thực tiễn nói trên, UBND huyện Đơn Dương thu hồi văn bản số 1326/UBND-TNMT ngày 17/7/2023 của UBND huyện về việc tạm dừng thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển vị trí đất ở trên địa bàn huyện.

UBND huyện Đơn Dương đề nghị Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính huyện thông báo cho các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn huyện tiếp tục giải quyết các thủ tục nêu trên khi các hộ gia đình, cá nhân liên hệ thực hiện thủ tục và tiếp nhận hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển vị trí đất ở để giải quyết theo quy định.

Chuyển đổi gần 3.000m2 đất rừng để xây khu nghỉ dưỡng

Liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại Lâm Đồng, mới đây, UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ký văn bản về việc chấp thuận chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án Khu nghỉ dưỡng khách sạn - resort Lạc Hồng tại Khu du lịch Quốc gia hồ Tuyền Lâm, thành phố Đà Lạt.

Cụ thể, 2.860 m2 đất rừng trồng thông ba lá tại tiểu khu 162A, phường 4, TP Đà Lạt được chuyển đổi sang mục đích khác để triển khai dự án Khu nghỉ dưỡng khách sạn - resort Lạc Hồng do Công ty cổ phần du lịch sinh thái Lạc Nam làm chủ đầu tư tại Khu du lịch Quốc gia hồ Tuyền Lâm.

 

  Khu du lịch Quốc gia hồ Tuyền Lâm, thành phố Đà Lạt. Ảnh BLĐ.

UBND tỉnh Lâm Đồng giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn chủ đầu tư lập hồ sơ, thủ tục tận dụng lâm sản, giải phóng mặt bằng tiếp tục xây dựng dự án. Đồng thời chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan kiểm tra, giám sát chặt chẽ trong quá trình thực hiện tận dụng lâm sản; tham mưu, đề xuất UBND tỉnh việc trồng rừng thay thế diện tích chuyển đổi mục đích sử dụng rừng.

Giao Sở Tài Chính, sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định giá trị lâm sản bồi thường để yêu cầu chủ đầu tư nộp tiền bồi thường giá trị lâm sản vào ngân sách nhà nước.

Theo Quyết định điều chỉnh đầu tư ngày 12/12/2018 của UBND tỉnh Lâm Đồng, dự án Khu nghỉ dưỡng khách sạn - resort Lạc Hồng có diện tích quy hoạch 11,31ha, gồm 1.315 m2 xây dựng nhà hội thảo - khách sạn; 18 villa các loại; 898 m2 xây dựng công trình dịch vụ công cộng. Còn lại là 11.168 m2 công trình không có mái che và lên tới 96.839 m2 cây xanh, tương đương mật độ xây dựng đối với công trình có mái che chỉ ở 4,5%.

Trong khi đó, Khu du lịch Hồ Tuyền Lâm được Thủ tướng công nhận là khu du lịch quốc gia đầu tiên của cả nước vào năm 2017. Khu du lịch có tổng diện tích quy hoạch hơn 29.000 ha, nằm trên địa bàn phường 3 và 4, TP Đà Lạt và một phần huyện Đức Trọng. Hơn 10 doanh nghiệp đã đầu tư với các loại hình tham quan dã ngoại, nghỉ dưỡng cao cấp, sân golf, thể thao mạo hiểm, du lịch tâm linh...