Lạm phát dạo quanh đỉnh 4 thập kỷ, Mỹ loay hoay tìm cách bình ổn giá

Lê Thị Xuân Phương 12:37 | 12/05/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tổng thống Joe Biden cho biết ông có thể giảm một số mức thuế áp đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc để kiểm soát giá tiêu dùng đang tăng ở Mỹ, trong bối cảnh lạm phát vẫn ở mức hơn 8% trong tháng 4.

Hàng chục cuộc khảo sát đã chỉ ra rằng đa số người Mỹ hiện nhìn nhận lạm phát là vấn đề chính mà Mỹ đang đối mặt và là mối đe dọa đối với sự phục hồi kinh tế từ sau cuộc suy thoái COVID-19. 

Trong khi một số biện pháp kích thích kinh tế mà Chính phủ Mỹ đã tạo ra sự phục hồi đáng kể, giá xăng và hàng tiêu dùng cao hơn tiếp tục là gánh nặng đối với túi tiền của người dân, gây tâm lý lo ngại trên khắp nước Mỹ.

Các nhà kinh tế cho rằng sự kết hợp của đại dịch, đặc biệt là những biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt của Trung Quốc nhằm kiềm chế số ca bệnh gia tăng, và cuộc chiến ở Ukraine đều là nguyên nhân khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở Mỹ tăng 8,5% trong tháng 3 so với cùng kỳ, mức cao nhất trong vòng 20 năm. 

Bước sang tháng 4, tình hình lạm phát vẫn không cải thiện đáng kể. Cục Thống kê Lao động Mỹ đã báo cáo hôm 11/5, CPI tháng 4 của Mỹ đạt mức 8,3% so với cùng kỳ, cao so với con số 8,1% theo dự đoán của các nhà kinh tế mặc dù có giảm so với mức 8,5% được ghi nhận vào tháng 3.

Trước sức nóng của lạm phát, trong những tuần gần đây, Tổng thống Biden đã tìm cách xoa dịu lo lắng của người dân thông qua hàng loạt bài phát biểu thể hiện quyết tâm kiềm chế đà tăng giá và phục hồi kinh tế.

Tuần trước, ông Biden cho hay thâm hụt liên bang trong năm tài chính này đã giảm. Tuần này, vị Tổng thống của Đảng Dân chủ khẳng định đang xem xét biện pháp có tác động tích cực nhất để kiểm soát lạm phát, trong đó có việc loại bỏ thuế quan với hàng hóa Trung Quốc hiện đang được thảo luận.

Cụ thể, Nhà Trắng đang xem xét dỡ bỏ một số thuế quan áp lên hàng trăm tỷ USD hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc từ thời cựu Tổng thống Donald Trump trong cuộc chiến thương mại kéo dài với Bắc Kinh. Các nhà kinh tế vẫn tranh luận về mức độ tác động của việc loại bỏ thuế quan áp lên hàng hóa Trung Quốc đối với lạm phát. Nhiều góc nhìn cho rằng việc nới lỏng hoặc loại bỏ hoàn toàn thuế quan là một trong số ít các lựa chọn khi Nhà Trắng sẵn sàng làm bất kỳ điều gì để hạ nhiệt lạm phát.

"Tôi muốn mọi người Mỹ biết rằng tôi đang rất chú trọng xử lý vấn đề lạm phát", ông Biden nói. “Nguyên nhân đầu tiên của lạm phát là đại dịch thế kỷ xảy ra đóng cửa nền kinh tế toàn cầu gây gián đoạn chuỗi cung ứng và sau đó là căng thẳng Nga - Ukraine đã làm trầm trọng hơn nữa tình hình lạm phát vốn đã ở mức cao".

Chẳng hạn, hợp đồng tương lai dầu thô WTI tiêu chuẩn của Mỹ đã tăng lên mức cao hơn 130 USD/ thùng hồi tháng 3, cao hơn khoảng 30 USD so với đầu năm. Chiến sự cũng đã làm tăng giá các sản phẩm lương thực chính như lúa mì và ngô, lần lượt tăng 40% và 30% vào năm 2022 vì Nga và Ukraine là nhà cung cấp hơn 1/4 nguồn lúa mì cho thế giới.

Trước những nỗ lực của ông Biden, Đảng Cộng hòa đối lập cho rằng một phần lớn nguyên nhân thúc đẩy lạm phát căng thẳng là do hệ lụy từ các chính sách kinh tế đầy tham vọng của Đảng Dân chủ.

Những chỉ trích này đặt ra thách thức cho Đảng Dân chủ khi các nghị sĩ Đảng này phải đối mặt với một chiến dịch đầy khó khăn trước thềm cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ quan trọng vào tháng 11 tới đây.

Tổng thống của Đảng Dân chủ, ông Joe Biden đã phản bác Đảng Cộng hòa bằng cách nhấn mạnh những nỗ lực của chính quyền nhằm giảm chi phí thuốc kê đơn và chỉ tăng thuế đối với những người Mỹ giàu nhất.

“Kế hoạch của Đảng Cộng hòa là gì? Họ không muốn giải quyết lạm phát bằng cách giảm chi phí của bạn. Họ muốn giải quyết bằng cách tăng thuế và giảm thu nhập của bạn", ông Biden nói hôm 10/5. "Kế hoạch của họ thực sự sẽ khiến các gia đình lao động trở nên nghèo hơn."

Lạm phát tại Mỹ trong 7 thập kỷ qua. Ảnh: CNN 
 

Theo số liệu mới nhất, CPI tháng 4 của Mỹ tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 8/2021, lạm phát CPI của Mỹ ghi nhận mức tăng thấp hơn so với tháng liền trước (8,5%). Điều này phản ánh giá cả vẫn tăng, nhưng với tốc độ chậm hơn. 

Không tính nhóm sản phẩm dễ biến động như thực phẩm và năng lượng, chỉ số CPI cơ bản tăng ở mức 6,2% so với cùng kỳ, thấp hơn mức 6,5% được báo cáo vào tháng 3.

Nếu so sánh với tháng 3, CPI tháng 4 tăng 0,3%, thấp hơn mức tăng tăng tháng 1,2% được ghi nhận trong tháng 3. Tuy nhiên, lạm phát cơ bản tính theo tháng tăng 0,6%, nhiều hơn mức tăng 0,3% trong tháng 3.

Nhà ở, thực phẩm, vé máy bay và ô tô mới là những mặt hàng có mức tăng giá đáng kể nhất trong rổ hàng hóa tính CPI của Mỹ tháng 4. Trong đó, chi phí đi lại bằng đường hàng không tăng 33,3% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng lớn nhất kể từ tháng 12/1980. Giá thực phẩm tăng 0,9% so với tháng 3 và tăng 9,4% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng lớn nhất kể từ tháng 4/1981. Giá hàng tạp hóa tăng 10,8% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng lớn nhất kể từ tháng 11/1980. 

Tuy nhiên, giá năng lượng đã giảm trong tháng 4 do giá xăng dầu đi xuống so với mức đỉnh của tháng 3, dù vẫn tăng 30,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chi phí nhà ở tháng 4 đã tăng 0,5% so với tháng 3 và cũng là tháng tăng thứ ba liên tiếp. So với năm ngoái, chi phí nhà ở tăng 5,1%. Các nhà kinh tế đã lo ngại về sự gia tăng chi phí nhà ở, có thể sẽ tiếp tục kéo dài sau khi các đỉnh giá khác qua đi.