Lạm phát tại Mỹ lập đỉnh 41 năm, ông Biden nói do ông Putin
Bộ Lao động Mỹ hôm 12/4 (giờ địa phương) cho hay chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Mỹ trong tháng 3 đã tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái, mức cao nhất kể từ năm 1981 đến nay.
CPI lõi (loại trừ giá các mặt hàng dễ biến động như thực phẩm, năng lượng) tăng 6,5% trong tháng 3, từ mức 6,4% hồi tháng 2.
Theo Bộ Lao động Mỹ, chiến sự ở Ukraine đã trực tiếp ảnh hưởng đến mức tăng nóng của CPI trong tháng 3 khi hộ gia đình Mỹ phải gánh chịu chi phí năng lượng tăng vọt và các vấn đề gián đoạn chuỗi cung ứng.
Chỉ số giá xăng dầu ở Mỹ trong tháng 3 đã tăng 18,3% so với tháng trước đó, góp phần đưa CPI chung tăng mạnh. Chỉ số giá lương thực cũng tăng 1% so với tháng 2, trong đó giá rau quả đóng hộp tăng 3,8%, giá gạo tăng 3,2%, khoai tây tăng 3,2% và thịt bò xay tăng 2,1%. So với cùng kỳ năm ngoái, chỉ số giá lương thực tăng tới 8,8%.
“Việc tăng giá trên diện rộng, từ giá xăng dầu, thực phẩm cho đến giá thuê nhà, đã gây khó khăn lớn cho những người Mỹ có thu nhập thấp và trở thành thách thức lớn với Chính quyền Tổng thống Biden - vốn dĩ đã phải chịu áp lực duy trì quyền kiểm soát Quốc hội trong đợt bầu cử tháng 11 tới đây”, tờ The Guardian nhận định.
Tổng thống Mỹ Joe Biden trong một bài phát biểu hôm 12/4 tại Des Moines, bang Iowa khẳng định đang làm hết sức có thể trong quyền hành pháp của người đứng đầu Nhà Trắng để hạn chế tác động tăng giá mà nguyên nhân bắt nguồn từ Tổng thống Nga Putin và chiến sự Nga - Ukraine.
Trước đó, Nhà Trắng đã cảnh báo các chỉ số đo lường lạm phát của Mỹ có thể tăng mạnh trong tháng 3. Hôm 11/4, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho hay: “Chúng tôi dự báo lạm phát CPI toàn phần tháng 3 sẽ tăng cao bất thường”, đổ lỗi cho cuộc xung đột Nga - Ukraine làm tăng giá cả trên toàn cầu.
Theo bà Psaki, dự báo CPI lõi và CPI toàn phần sẽ có sự chênh lệch lớn do giá xăng dầu tăng là động lực chính đẩy lạm phát tiêu dùng tại Mỹ tăng nóng trong tháng 3. Thống kê của AAA cho thấy bình quân giá mỗi gallon gas tại Mỹ hiện là 4,11 USD, tăng mạnh từ mức 2,86 USD/ gallon cùng kỳ năm ngoái.
Ở góc nhìn lạc quan hơn, một số nhà nghiên cứu, ông Andrew Hunter, nhà kinh tế cấp cao của Mỹ tại Capital Economics cho rằng lạm phát tại Mỹ có thể đã lên đến đỉnh trong tháng 3 và sẽ giảm dần trong những tháng tiếp theo, do giá xăng dầu thế giới nói chung và ở Mỹ nói riêng đang dần hạ nhiệt.
Tuy nhiên, ông Hunter cảnh báo các số liệu CPI tháng 3 tăng nóng có khả năng sẽ củng cố quyết tâm của Cục Dự trữ Liên bang (FED) trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh mẽ hơn. “Với những dấu hiệu cho thấy các quan chức FED đang “hung hăng” hơn ở thời điểm hiện tại, dữ liệu CPI tháng 3 sẽ không làm thay đổi kế hoạch tăng lãi suất 0,5% trong cuộc họp chính sách tiền tệ sắp tới của FED”.
Trong diễn biến thị trường, chứng khoán Mỹ vừa có phiên đảo chiều giảm điểm sau tin tức lạm phát CPI tháng 3 tăng nóng. Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones chốt phiên 87,72 điểm, tương đương 0,26%, xuống 34.220,36 điểm. S&P 500 giảm 0,34% xuống 4.397,45 điểm, xóa sạch mức tăng 1,3% vào đầu phiên. Nasdaq Composite giảm 0,30% xuống 13.371,57 điểm.
Như vậy, cả S&P 500 và Nasdaq đã ghi nhận phiên giảm thứ 3 liên tiếp.