Lạm phát kỷ lục và dai dẳng, ECB xác nhận tăng lãi suất lần đầu sau 11 năm
Tại họp chính sách tiền tệ mới nhất ở thành phố Amsterdam (Hà Lan), Hội đồng điều hành ECB thông báo họ dự định nâng lãi suất cơ bản thêm 0,25% trong cuộc họp tiếp theo vào tháng 7.
ECB cũng dự kiến sẽ có một đợt tăng lãi suất khác vào cuộc họp tháng 9, nhưng cho biết mức tăng sẽ phụ thuộc vào diễn biến của lạm phát trong trung hạn.
Trong tháng 5 vừa qua, lạm phát giá tiêu dùng trên toàn khu vực đồng tiền chung euro đạt mức cao kỷ lục mới là 8,1%. Các nhà hoạch định chính sách phải đối mặt với thách thức kiềm chế lạm phát mà không gây hệ lụy suy giảm kinh tế.
Ngoài ra, tại cuộc họp, ECB cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế và lạm phát của khối trong năm nay. Cụ thể, lạm phát của khu vực được dự báo ở mức 6,8% vào năm 2022, sau đó giảm xuống 3,5% vào năm 2023 và 2,1% vào năm 2024. Dự phóng này tăng đáng kể so với những con số mà ECB đưa ra hồi tháng 3 là 5,1% vào năm 2022, 2,1% vào năm 2023 và 1,9% vào năm 2024.
Bên cạnh đó, ngân hàng trung ương châu Âu cũng hạ dự báo tăng trưởng của khu vực xuống còn 2,8% vào năm 2022 và 2,1% vào năm 2023. Vào tháng 3, con số dự báo mà ECB đưa ra là 3,7% vào năm 2022 và 2,8% vào năm 2023.
Hội đồng Thống đốc của ECB cũng cho biết họ sẵn sàng điều chỉnh tất cả các công cụ chính sách để đảm bảo kiểm soát lạm phát ổn định, hướng đến mục tiêu lạm phát 2% trong trung hạn. Trong bối cảnh nhiều thách thức như hiện nay, cơ quan này coi trọng tính linh hoạt trong việc điều chỉnh chính sách tiền tệ nhằm giảm thiểu rủi ro đe dọa sự ổn định giá cả.
Ông Randall Kroszner, giáo sư kinh tế tại Đại học Chicago, cựu Thống đốc Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nói với CNBC trước thềm cuộc họp của ECB rằng việc ngân hàng Trung ương châu Âu điều chỉnh chính sách tiền tệ có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
ECB dường như đã chậm hơn các ngân hàng trung ương của Anh và Mỹ trong việc đảo ngược chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát. Tại Mỹ, ngay từ tháng 3, FED đã bắt đầu đợt tăng lãi suất đầu tiên trước khi tiếp tục tăng lãi suất 0,5% vào tháng 5, mức tăng lớn nhất trong 22 năm. Các quan chức FED đồng thời cũng cảnh báo khả năng có những đợt lãi suất tăng mạnh hơn nữa ở phía trước.
Còn tại Anh, Ngân hàng Trung ương Anh đã tăng lãi suất trong 4 cuộc họp chính sách tiền tệ liên tiếp để đưa lãi suất cơ bản lên mức cao nhất trong 13 năm.
Cựu Thống đốc FED Kroszner cho rằng ECB cần phải tích cực hơn nữa trong việc thực hiện động thái tăng lãi suất khi đứng trước nguy cơ lạm phát đình trệ nằm ngoài kiểm soát.
Tuy nhiên, ông Kroszner cũng nhắc đến những khó khăn mà Hội đồng điều hành ECB đang đối mặt khi châu Âu là khu vực chịu những ảnh hưởng trực tiếp từ xung đột Nga - Ukraine, các lệnh trừng phạt lẫn nhau giữa EU và Nga. Khu vực này cũng phụ thuộc đáng kể vào Nga về nguồn cung năng lượng, dẫn đến nền kinh tế không tránh khỏi những rủi ro.
Trong khi đó, bà Anna Stupnytska, nhà kinh tế tại Fidelity International, dự báo lạm phát châu Âu có thể tiếp tục tăng và dai dẳng trong thời gian tới buộc ECB hành động. Cùng với đó, động thái thắt chặt chính sách tiền tệ quyết liệt của FED cũng đang tạo áp lực lớn lên ECB đi theo con đường tương tự.