Lạm phát tại Mỹ đã lên cao nhất 30 năm nhưng kịch bản ác mộng vẫn còn ở phía trước
Lạm phát tại Mỹ cao nhất trong hơn 30 năm trở lại đây
Tháng 10 vừa qua, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng 6,24% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng cao nhất trong hơn 30 năm trở lại đây. Lạm phát đang trở thành nỗi lo lớn của nhiều nước, đặc biệt là Mỹ.
Có nhiều nguyên nhân gây ra lạm phát. Giá dầu tăng kéo theo giá xăng đi lên. Tình trạng thiếu chip dẫn tới sản xuất ô tô bị đình trệ, cảng biển quá tải khiến cho các tàu chở ô tô bị dồn ứ, giá xe mới lên cao. Một nguyên nhân gây lạm phát nữa là các gói kích thích tài khóa, tiền tệ khổng lồ.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) từng cho rằng lạm phát chỉ là "tạm thời" do những đứt gãy của chuỗi cung ứng gây ra. Tuy nhiên trong phiên điều trần trước Thượng viện hôm 30/11, Chủ tịch Fed Jerome Powell không còn dùng từ "tạm thời" khi nói về lạm phát, đồng thời đề cập đến khả năng cắt giảm chương trình bơm tiền sớm hơn trước để kiềm chế giá cả.
"Vào thời điểm này, nền kinh tế đang rất vững mạnh trong khi áp lực lạm phát đã cao hơn trước. Vì vậy tôi nghĩ Fed nên xem xét kết thúc chương trình mua trái phiếu sớm hơn vài tháng. Chúng tôi sẽ bàn bạc về vấn đề này trong cuộc họp sắp tới", Chủ tịch Jerome Powell nói.
Khi thông tin về biến chủng Omicron xuất hiện vào cuối tuần trước, nhà đầu tư đã kỳ vọng Fed sẽ lùi kế hoạch giảm bơm tiền và không vội tăng lãi suất nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Việc ông Powell ngỏ ý đẩy nhanh quá trình giảm bơm tiền cho thấy Fed coi lạm phát là mối đe dọa lớn hơn COVID.
Cung tiền tăng mạnh trong đại dịch
Từ đầu năm 2020 đến tháng 10/2021, Fed mua trái phiếu (và bơm ra nền kinh tế) khoảng 120 tỷ USD mỗi tháng. Nếu mỗi tháng giảm mua 15 tỷ USD như kế hoạch hiện nay thì sau 8 tháng, tức là vào tháng 6/2022, Fed sẽ dừng hoàn toàn chiến dịch bơm tiền. Ông Powell đang tính đến khả năng kết thúc bơm tiền trước tháng 6 năm sau.
Tuy vậy, mạnh tay giảm bơm tiền tức là Fed vẫn sẽ bơm tiền chứ chưa rút tiền về. Cung tiền của Mỹ trong thời gian tới vẫn sẽ tăng lên.
Fed đã tung ra hàng loạt gói kích thích tiền tệ khi dịch COVID-19 xuất hiện tại Mỹ, đẩy cung tiền M2 tăng vọt 2.300 tỷ USD, tương đương 14,5%, trong chưa đầy ba tháng.
Lãi suất điều hành cũng được Fed giảm sốc từ khoảng 1-1,25% xuống còn 0-0,25%, điều chưa từng có tiền lệ trước đó.
Fed hy vọng rằng khi cung tiền dồi dào và lãi suất cực thấp, các ngân hàng thương mại sẽ không còn muốn gửi tiền mặt ở ngân hàng trung ương mà có động lực để cho vay, giúp nền kinh tế tăng trưởng, hay ít nhất tránh suy thoái.
Máy in tiền của Fed chạy hết công suất, làm cho bảng cân đối kế toán của ngân hàng trung ương Mỹ phình to.
Chính phủ và Quốc hội Mỹ cũng tung ra ba dự luật cứu trợ tổng trị giá gần 5.000 tỷ USD. Doanh nghiệp có tiền để trả lương cho lao động, hàng triệu người dân hai lần được phát các tấm séc trị giá 1.400 USD và 600 USD.
Hiệu quả của các chính sách kích thích tiền tệ và tài khóa này là tương đối hạn chế vì COVID-19 là một cuộc khủng hoảng mang bản chất y tế. Nền kinh tế suy thoái vì quy định phong tỏa, người tiêu dùng không thể ra ngoài mua sắm, nhà máy phải đóng cửa theo quy định phòng dịch. Bơm thêm tiền cũng khó giúp cỗ máy kinh tế vận hành trở lại.
Hệ quả là đa phần số tiền bơm thêm phải nằm im trong két sắt hoặc trong tài khoản ngân hàng chứ không được dùng cho hoạt động kinh doanh.
Khi cung tiền tăng sốc vào tháng 3/2020 rồi đều đặn đi lên các tháng sau đó, tổng dư nợ của các ngân hàng thương mại Mỹ chỉ tăng một lần rồi nhìn chung đi ngang.
Tiền nằm trong hệ thống tài chính rất dễ biến động, có thể nhanh chóng chạy ra chạy vào, khiến ngân hàng trung ương khó kiểm soát kinh tế vĩ mô nói chung và lạm phát nói riêng.
Khi cung tiền tăng cao,tốc độ lưu thông tiền tệ (velocity of money) rớt xuống đáy lịch sử.
Khái niệm tốc độ lưu thông của tiền tệ khác với số nhân tiền (money multiplier). Số nhân tiền đo lường khả năng của hệ thống ngân hàng dự trữ một phần trong việc tạo ra cung tiền mở rộng từ tiền cơ sở. Trong khi đó, tốc độ lưu thông tiền tệ đo lường số lần trung bình một đồng tiền được dùng để thanh toán trong một khoảng thời gian, thường là một quý.
Thực tế tại Mỹ, tốc độ lưu thông tiền M2 trong giai đoạn 1960 – 2005 thường dao động ở khoảng 1,8 – 2,2 lần một quý. Những năm gần đây, tốc độ lưu thông này dần dần đi xuống mức 1,4 lần. Và khi đại dịch ập đến, tốc độ lưu thông tiền M2 của Mỹ rớt còn 1,1.
Cung tiền (mẫu số) tăng mạnh trong khi tổng giá trị giao dịch (tử số) sa sút vì dịch bệnh, vì vậy việc tốc độ lưu thông tiền tụt dốc là điều dễ hiểu.
Tốc độ lưu thông tiền tệ của Mỹ rơi xuống còn 1,12 lần trong quý II/2021, mức thấp nhất kể từ khi có số liệu vào năm 1959 đến nay.
Nếu như trong tương lai, tốc độ lưu thông tiền tăng 50% để quay về mốc bình thường trước dịch là 1,55 lần thì chuyện gì sẽ xảy ra? Giả sử GDP thực tế và cung tiền đều đứng im thì theo công thức (3) nói trên, mẫu số (1+ tỷ lệ lạm phát) cũng sẽ tăng khoảng 50%.
Đây chính là kịch bản ác mộng về lạm phát. Lượng tiền khổng lồ đang nằm im trong tài khoản ngân hàng giống như những thùng thuốc nổ, chỉ cần một mồi lửa sẽ làm lạm phát bùng lên dữ dội.
Trong thực tế, lạm phát đáng sợ đến đâu sẽ phục thuộc vào sự thay đổi của các biến số khác cũng như khung thời gian.
Nếu tốc độ lưu thông tiền và lạm phát tăng 50% trong một quý hoặc một năm thì đó thực sự là ác mộng, không khác gì thảm cảnh của Venezuela hiện nay. Nếu mức tăng kéo dài trong 10 năm thì mọi chuyện lại rất bình thường.
GDP thực cũng ít khi đứng yên mà có thể tăng khoảng 4-5% mỗi năm trong giai đoạn phục hồi sau dịch. Nếu cung tiền M2 giảm khoảng 30% thì tỷ lệ lạm phát vẫn có thể giữ nguyên (vì 1,05 = 70% x 1,5).
Vấn đề mấu chốt là Fed có điều tiết cung tiền kịp thời trước khi lạm phát vượt tầm kiểm soát hay không. Bước đầu, Fed đã sai lầm khi cho rằng lạm phát chỉ là "tạm thời", hy vọng các nước đi sắp tới của ngân hàng trung ương Mỹ sẽ đúng đắn hơn.