Lạm phát thế giới có thể thấp hơn năm ngoái, Việt Nam sẽ bình ổn ở mức 3% năm 2022?
Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán BIDV (BSC) nêu nhận định về xu hướng lạm phát thế giới tác động ra sao đến kinh tế Việt Nam năm 2022.
CPI thế giới sẽ trở lại mức bình thường vào năm 2023
Báo cáo cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thế giới năm 2022 được dự đoán sẽ tăng thấp hơn năm 2021 và trở lại mức bình thường trong năm 2023 chủ yếu do các yếu tố tác động đến đà tăng của lạm phát đã có dấu hiệu bình ổn hoặc đảo chiều.
Nhìn lại diễn biến lạm phát thế giới, chỉ số CPI thế giới năm 2021 đạt 4,3%, vượt xa mức trung bình của giai đoạn 2014-2020 là 3,16%. Tính đến cuối năm 2021, chỉ số BCOM-Index, thước đo đại diện cho giá cả hàng hóa thế giới, đạt mức 99,2 (tăng 27,1% so với cùng kỳ). Tuy có giảm xuống so với vùng đỉnh của năm là 103,4 nhưng vẫn là mức cuối năm cao nhất kể từ năm 2015.
Đồng thời, tính đến ngày 30/11, chỉ số CTS, thước đo trung bình giá container toàn cầu, cũng đạt mức cao nhất 150,73 (tăng 99% so với cùng kỳ) kể từ năm 2011.
BSC cho rằng sự gia tăng khá mạnh của lạm phát đến từ hai nguyên nhân chủ yếu. Thứ nhất là giá cả hàng hóa gia tăng đột biến do chuỗi cung ứng bị gián đoạn tại Trung Quốc. Thứ hai là chính sách tiền tệ nới lỏng trên và nhu cầu kinh tế toàn cầu hồi phục làm gia tăng giá cả các loại hàng hóa.
Hai yếu tố chính tác động lạm phát thế giới 2022
Phân tích rõ hơn về các yếu tố tác động lạm phát trong năm 2022, báo cáo cho biết nguyên nhân chủ yếu của hiện tượng giá cả hàng hóa gia tăng do chuỗi cung ứng bị gián đoạn tại Trung Quốc là do tình trạng khủng hoảng năng lượng tại Trung Quốc và chính sách môi trường mới của nước này.
Hiện tại, tuy chỉ số giá container vẫn đạt mức đỉnh nhưng dấu hiệu chững lại của đà tăng đã bắt đầu xuất hiện trên vận chuyển các container từ khu vực Châu Á sang Châu Âu và Bắc Mỹ. Sau một chuỗi thời gian tăng điểm liên tục, hiện tượng đà tăng đảo chiều đang là tín hiệu cho thấy xu hướng nguồn cung hồi phục trở lại khi tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng tại Trung Quốc dần được cải thiện.
Trong báo cáo PMI tháng 12 của Trung Quốc, chỉ số PMI tăng trở lại mức 50,9, tuy chỉ tăng nhẹ 1 điểm so với tháng 11 nhưng là mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 6/2021. Mặc dù thời gian để các mặt hàng được giao cho các nhà sản xuất tăng trở lại trong tháng 12, nhưng đã có dấu hiệu cho thấy các chuỗi cung ứng đang tiến gần hơn đến việc ổn định. Yếu tố này cùng với chi phí đầu vào trung bình tăng chậm nhất trong 19 tháng đang cho thấy tình trạng cải thiện của chuỗi sản xuất cung ứng tại Trung Quốc.
Yếu tố thứ hai có thể ảnh hưởng đến lạm phát thế giới năm nay là nhu cầu tiêu dùng toàn cầu phục hồi và các quốc gia có thể sẽ thay đổi chính sách tiền tệ.
Với tỷ lệ tiêm chủng toàn cầu tăng nhanh, ảnh hưởng tiêu cực từ COVID-19 sẽ tiếp tục suy yếu khi biến chủng Omicron cho thấy mức độ nguy hại yếu hơn các chủng khác.
Thành quả này sẽ giúp duy trì xu hướng hồi phục hiện tại của nền kinh tế toàn cầu cũng như nhu cầu tiêu dùng trên toàn thế giới và từ đó, có thể khiến các quốc gia bắt đầu giai đoạn thắt chặt lại chính sách nới lỏng tiền tệ vào năm 2022 trong bối cảnh lạm phát thế giới ở mức cao.
Hiện tại, chính sách thắt chặt tiền tệ đã bắt đầu ở một số ngân hàng trung ương như Anh, Brazil, Peru và Hàn Quốc. Bên cạnh đó, các nền kinh tế chủ chốt cũng đã phát tín hiệu về quan điểm chinh sách của mình. Đáng chú ý nhất là Fed phát tín hiệu nâng lãi suất ba lần từ mức 0% - 0,25% lên 0,75% - 1%, kết thúc chương trình thu mua trái phiếu vào tháng 3/2022.
Lạm phát thế giới sẽ tác động ra sao tới Việt Nam?
BSC nhận định lạm phát năm 2022 nhiều khả năng sẽ tăng thấp hơn năm 2021 khi tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng tại Trung Quốc đã có dấu hiệu cải thiện và các NHTW trên thế giới nhiều khả năng sẽ chuyển sang chính sách thắt chặt tiền tệ.
Hiện tượng này sẽ giúp lạm phát Việt Nam duy trì ở mức bình ổn tại mức 3%, trong kịch bản áp lực từ lạm phát thế giới suy giảm vào cuối năm 2022. Bên cạnh đó, mặc dù làn sóng thắt chặt chính sách tiền tệ toàn cầu sẽ gây áp lực lên chính sách nới lỏng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhưng với mức lạm phát bình ổn và các yếu tố kinh tế vĩ mô năm 2022 dự kiến sẽ tích cực, NHNN vẫn có nhiều dư địa để đảm bảo chính sách nới lỏng của mình trong năm 2022.