Lạm phát thế giới tác động ra sao tới Việt Nam? - Bài 2: Linh hoạt chính sách tài khóa, tiền tệ
Đây là thành công của nhà điều hành nhờ nhiều biện pháp đã được triển khai; trong đó chính sách tài khóa, tiền tệ đã được phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng và phát huy hiệu quả nhất định.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để bảo đảm kiểm soát tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm ở mức khoảng 4% theo mục tiêu Quốc hội đề ra thì Chính phủ và các bộ ngành cần tiếp tục có sự điều hành hài hòa, hiệu quả, hợp lý chính sách tài khóa, tiền tệ với các chính sách kinh tế vĩ mô chung.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà cho biết, trước bối cảnh lạm phát gia tăng tại nhiều nền kinh tế, về điều hành chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải giải bài toán tổng thể với nhiều yếu tố khác nhau như lãi suất, tỷ giá… với mục tiêu đặt ra là kiểm soát lạm phát, đồng thời đảm bảo an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và thanh khoản cho các thị trường tiền tệ, ngoại hối.
Năm 2022, tình hình thế giới phức tạp và khó lường chưa từng có tiền lệ; rủi ro của các nền kinh tế, hệ thống tài chính, ngân hàng là rất lớn. Trước tình thế tiềm ẩn nhiều rủi ro này, kìm hãm lạm phát là ưu tiên hàng đầu của nhiều nền kinh tế lớn.
Nhiều ngân hàng trung ương của nhiều nước trên thế giới đã chần chừ do đánh giá lạm phát là tạm thời do đứt gãy chuỗi cung ứng, tuy nhiện lạm phát kéo dài hơn dự kiến cho thấy vấn đề thực sự phức tạp hơn, các ngân hàng trung ương liên tục tăng lãi suất cao từ đầu năm và chưa có dấu hiệu sẽ dừng lại. Để ứng phó với thực trạng này, chính sách tiền tệ của Việt Nam gần đây phải điều chỉnh cả lãi suất điều hành và nới rộng biện độ tỷ giá.
Ngân hàng Nhà nước từ nửa cuối tháng 10 đã quyết định nới biên độ biên độ tỷ giá giữa USD/VND từ mức ±3% lên ±5%. Việc điều chỉnh tăng biên độ này sẽ giúp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ động thích ứng, có thêm dư địa điều hành trước diễn biến khó lường của thị trường quốc tế.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất cơ bản thêm 1%/năm. Đây là lần nâng lãi suất điều hành thứ hai trong vòng một tháng của cơ quan điều hành chính sách tiền tệ quốc gia.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, các động thái này của Ngân hàng Nhà nước cho thấy chính sách tiền tệ của Việt Nam đang phát huy sự chủ động, linh hoạt trong điều hành chính sách nhằm ổn định thị trường tiền tệ, giữ vững cân đối vĩ mô, ứng phó tốt hơn với vòng xoáy lạm phát trên thế giới.
Tuy nhiên, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho rằng, áp lực lạm phát còn lớn và kéo dài, còn nhiều áp lực trong việc kìm hãm lạm phát trong năm 2023 sắp tới, nên Ngân hàng Nhà nước hết sức quan tâm theo dõi tình hình.
Cùng với việc điều hành chính sách tiền tệ, theo chuyên gia kinh tế Định Trọng Thịnh cũng cần theo dõi sát diễn biến kinh tế thế giới, tình hình lạm phát chung, diễn biến giá cả các mặt hàng nhiên liệu và vật tư chiến lược để kịp thời ứng phó trong điều hành sản xuất trong nước. Cùng đó, các cơ quan quản lý có sự cân đối cung cầu và chính sách xuất nhập khẩu phù hợp, tạo điều kiện cho việc kiểm soát lạm phát trong nước xuyên suốt năm 2022.
Trước những tác động từ đại dịch COVID-19 và những biến động chính trị quốc tế đến kinh tế - xã hội trong nước, Bộ Tài chính đã chủ động điều hành chính sách tài khóa mở rộng, linh hoạt, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội và kiềm chế lạm phát.
Để kiểm soát lạm phát, Bộ Tài chính với vai trò Thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan chủ động tính toán và dự báo các yếu tố tác động đến lạm phát, xây dựng các kịch bản, giải pháp điều hành giá và đưa ra các giải pháp phù hợp để kiểm soát lạm phát. Việc quản lý điều hành giá được thực hiện thận trọng, giá các mặt hàng Nhà nước định giá cơ bản được giữ ổn định từ đầu năm đến nay như giá bán lẻ điện bình quân, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo lộ trình giá dịch vụ sự nghiệp công.
Nhờ vào việc ổn định giá nhiều loại thực phẩm, rau xanh; tác động từ chính sách hỗ trợ người dân; việc giữ ổn định giá nhiều mặt hàng trong diện nhà nước quản lý giá; các chính sách tiền tệ, tín dụng được triển khai linh hoạt giúp lạm phát cơ bản trong tầm kiểm soát. Theo Tổng cục Thống kê, CPI 10 tháng của năm 2022 tăng 2,89% so với cùng kỳ 2021; lạm phát cơ bản tăng 2,14% không quá 4% như mục tiêu đề ra, vẫn “còn dư địa tương đối lớn”.
Bộ Tài chính cho biết, thời gian tới cần tiếp tục thực hiện tốt các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá, đảm bảo yếu tố cung - cầu và xử lý ngay nếu có yếu tố biến động về giá; điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, kết hợp với chính sách tài khóa mở rộng có trọng tâm, trọng điểm. Bộ cũng chủ động đề xuất theo lộ trình, đánh giá kỹ tác động trong điều hành giá các hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá; sử dụng các công cụ về điều hành giá, như kê khai giá, niêm yết giá, tổ chức thanh kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về giá.
Cùng với kiểm soát tốt giá cả, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, Bộ Tài chính đã thực hiện nhiều giải pháp chính sách tài khóa như: thực hiện miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, đề xuất giảm thuế xăng dầu hỗ trợ sản xuất và người tiêu dùng.
Theo Bộ Tài chính, thực hiện các giải pháp nêu trên trong năm 2022 sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân với giá trị tiền thuế, tiền thuê đất, phí, lệ phí là khoảng 233 nghìn tỷ đồng. Đây là số tiền giãn, giảm thuế, phí, lệ phí “lớn nhất trong lịch sử ngành tài chính”, như Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã từng nói.
Thời gian tới, Bộ Tài chính cho biết đã chuẩn bị sẵn các kịch bản, không chỉ thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu mà đề xuất giảm thuế nhập khẩu ưu đãi, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, để ứng phó kịp thời, giữ giá các mặt hàng chiến lược.
Song, theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi thì sẽ còn nhiều thách thức, do đó không thể chủ quan, cần điều hành nhịp nhàng chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác để đạt được các mục tiêu về tăng trưởng kinh tế vĩ mô và lạm phát.
Bài cuối: Quốc tế đánh giá cao nỗ lực chống lạm phát của Việt Nam