Lạm phát Trung Quốc tăng trở lại chỉ là hiện tượng nhất thời?
Cần được củng cố
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 của Trung Quốc đi lên 0,7% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu đợt tăng đầu tiên kể từ tháng 8 năm ngoái. Giá cả phục hồi là nhờ dịp Tết nguyên đán năm 2024 diễn ra muộn hơn năm 2023, đồng thời chi tiêu và du lịch tăng mạnh hơn mức trước đại dịch.
Năm ngoái, Trung Quốc phải trải qua giai đoạn giảm phát kéo dài vì nhu cầu nội địa vẫn yếu dù nền kinh tế đã mở cửa trở lại và hoạt động sản xuất được đẩy mạnh. Giảm phát dẫn đến cuộc chiến giá trong nhiều ngành, từ ô tô tới đồ ăn nhanh, đồng thời làm tăng thêm lo ngại về tâm lý bi quan của người tiêu dùng.
Các nhà kinh tế dự đoán áp lực giảm phát sẽ tiếp tục đeo bám nền kinh tế số hai thế giới cho đến khi thu nhập hộ gia đình được cải thiện và thị trường bất động sản phục hồi.
Trong lưu ý ngày 10/3, các nhà kinh tế của Citigroup nhận định: “Nhìn chung, lạm phát giá tiêu dùng đi lên chỉ là diễn biến nhất thời chứ không bền vững. Để thúc đẩy và củng cố đà tăng của giá cả, các nhà hoạch định chính sách cần có thêm động thái hỗ trợ”.
Gần đây, chính phủ Trung Quốc đã công bố các biện pháp kích thích tài khóa lớn hơn một chút so với năm ngoái.
Bắc Kinh cũng được cho là sẽ tiếp tục giảm lãi suất và hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc để bơm thêm thanh khoản vào hệ thống tài chính và thúc đẩy nhu cầu.
Tuy nhiên, hầu hết các nhà kinh tế nhận định những biện pháp nói trên vẫn chưa đủ để giúp Trung Quốc đạt được mục tiêu tăng trưởng chính thức năm 2024 là khoảng 5%.
Một số nhà quan sát thị trường dự đoán lạm phát của Trung Quốc sẽ suy yếu trong tháng 3 và về gần với mức 0. Huatai Securites dự kiến CPI sẽ giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Nomura Holdings dự đoán lạm phát sẽ giảm xuống còn 0,4%.
Pantheon Macroeconomics cho rằng áp lực giảm phát nhiều khả năng sẽ tiếp diễn trong nửa đầu năm, sau đó lạm phát mới có thể tăng nhẹ trở lại.
Theo khảo sát của Bloomberg, các nhà kinh tế dự đoán lạm phát năm 2024 của Trung Quốc sẽ vào khoảng 0,8%, thấp hơn nhiều mục tiêu 3% của chính phủ.
Các yếu tố hỗ trợ
Các yếu tố mùa vụ đã giúp ích cho CPI. Năm ngoái, kỳ nghỉ Tết nguyên đán diễn ra vào tháng 1. Năm nay, kỳ nghỉ bắt đầu vào tháng 2, tạo ra mức nền so sánh thấp. Trung Quốc cũng cho người lao động 8 ngày nghỉ Tết, nhiều hơn một ngày so với năm ngoái.
Ping An Securities ước tính chi phí du lịch đã tăng đột biến 23% trong tháng 2, góp phần giúp chỉ số CPI đi lên gần 0,9 điểm %. Người Trung Quốc lên đường đi du lịch nhiều hơn vì đây là dịp Tết Nguyên đán đầu tiên kể từ năm 2019 mà họ không phải lo ngại về dịch COVID-19.
Nhưng sau dịp nghỉ lễ, giá vé máy bay và phòng khách sạn lại đi xuống, báo hiệu nhiều khả năng tác động từ hoạt động du lịch sẽ yếu đi trong tháng 3.
Yếu tố quan trọng khác là giá thực phẩm. Trong tháng 2, giá thực phẩm ở Trung Quốc tiếp tục giảm nhưng với tốc độ thấp hơn trước do nhu cầu tiêu thụ rau củ và thịt heo tăng lên trong ngày lễ. Mưa tuyết và băng giá ở nhiều nơi cũng kéo chi phí thực phẩm đi lên.
Song, kể từ Tết Nguyên đán, giá thịt heo đã đi xuống, cho thấy rõ áp lực từ nguồn cung dồi dào và nhu cầu tương đối yếu.
Giá thuê nhà tiếp tục đi ngang trong tháng 2 trong bối cảnh thị trường bất động sản vẫn khủng hoảng. Giá sản xuất đi xuống tháng thứ 17 liên tiếp, nối tiếp chuỗi giảm dài nhất kể từ năm 2016.