Làn sóng cấm xuất khẩu đe dọa an ninh lương thực toàn cầu
Nhiều quốc gia cấm xuất khẩu lương thực để đảm bảo nguồn cung trong nước
Ngày 15/5, Ấn Độ thông báo cấm xuất khẩu lúa mì. Lệnh cấm này làm dấy lên lo ngại về lạm phát giá thực phẩm trên thế giới. Tuy nhiên, Ấn Độ không phải là quốc gia duy nhất thực hiện động thái này. Các quốc gia như Indonesia, Ai Cập, Kazakhstan, Kosovo và Serbia... cũng ngừng xuất khẩu thực phẩm sau khi lạm phát lương thực toàn cầu tăng cao kỷ lục do xung đột.
Trước đó, quốc gia Đông Nam Á Indonesia cũng đã hạn chế xuất khẩu dầu cọ, một thành phần quan trọng trong chế biến thực phẩm. Indonesia chiếm một nửa nguồn cung dầu cọ của thế giới.
Ấn Độ, nước sản xuất lúa mì lớn thứ hai thế giới và nhiều quốc gia khác đã cấm xuất khẩu mặt hàng này cũng như các loại lương thực khác để đảm bảo nguồn cung trong nước. Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế (IFPRI) cho biết: “Khi căng thẳng vẫn tiếp tục và có khả năng ngày càng bế tắt, tình trạng thiếu hụt lương thực, đặc biệt là ngũ cốc và dầu thực vật, sẽ trở nên trầm trọng, khiến nhiều quốc gia hạn chế xuất khẩu”.
An ninh lương thực toàn cầu bị đe dọa
Xung đột tại Ukraine xảy đến trong thời điểm xấu của thị trường lương thực toàn cầu, cộng thêm những tác động của dịch Covid-19 khiến nguồn cung càng trở nên eo hẹp đã đẩy giá cả tăng vọt.
Tính từ đầu năm đến nay, giá lúa mì đã tăng hơn 60% và tăng khoảng 6% lên 12,47 USD mỗi giạ (tương đương khoảng 35,2 lít) vào ngày 16/5 sau lệnh cấm của Ấn Độ. Đây là mức cao nhất trong hai tháng.
Chỉ số giá tiêu dùng của Ấn Độ trong tháng 4 đã tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước, mức cao nhất kể từ năm 2014. Lo ngại về sự đi lên nhanh chóng của giá cả khiến Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ bất ngờ tăng lãi suất trong tháng này lần đầu tiên sau 4 năm.
Trước đó, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo nguồn cung toàn cầu sẽ giảm lần đầu tiên sau 4 năm, thế giới đang hướng tới một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu. Carlos Mera, nhà phân tích tại Rabobank nhận định: “12 tháng tới sẽ rất khó khăn."
Viện nghiên cứu kinh tế quốc tế Peterson có trụ sở tại Washington nói thêm rằng chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga với Ukraine đã gây ra tổn thất đáng kể cho khu vực. “Điều này góp phần vào cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, vì Nga chặn xuất khẩu nguồn phân bón quan trọng mà nông dân ở những nơi khác cần. Trong khi đó, vai trò của Ukraine như là bệ đỡ cho châu Phi và Trung Đông đã bị phá hủy.”
Theo Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế, Nga và Ukraine nằm trong danh sách 5 nhà xuất khẩu chính của thế giới, chiếm khoảng 30% sản lượng lúa mì, 32% lúa mạch, 17% ngô và 75% dầu hướng dương toàn cầu.
Bên cạnh lúa mì, nhiều quốc gia cũng đã thực hiện lệnh cấm xuất khẩu các loại thực phẩm khác. Giá nhiều loại thực phẩm, bao gồm dầu hướng dương, dầu cọ, phân bón và ngũ cốc đã tăng vọt, làm tăng lạm phát trên toàn thế giới.
Nguồn cung nhiều mặt hàng lương thực cũng trở nên bấp bênh. Ngoài việc không thể xuất khẩu các loại thực phẩm thiết yếu như ngũ cốc, phân bón, dầu thực vật, Ukraine còn chịu thiệt hại nặng nề khi xung đột phá hủy hầu hết cánh đồng và cản trở người nông dân tiến hành vụ mùa. Theo Reuters đưa tin, Chính phủ Ukraine cũng cáo buộc Nga đánh cắp của nước này vài trăm nghìn tấn ngũ cốc và mang đi bán lại. Bộ ngoại giao Nga không bình luận về vấn đề này.
Cuối tuần qua, Nhóm 7 quốc gia công nghiệp phát triển (G7) đã đưa ra cảnh báo về nguy cơ xảy ra khủng hoảng đói nghèo trên thế giới khi Nga phong tỏa ngũ cốc Ukraine khiến các tàu chở hàng đang bị mắc kẹt tại các cảng của Ukraine, theo Financial Times.
Ông Valdis Dombrovskis, Giám đốc thương mại của EU, trong cuộc chia sẻ với CNBC, nhận định động thái cấm xuất khẩu lúa mì của Ấn Độ thật sự đáng quan ngại. “EU và Mỹ nhất trí hợp tác các phương pháp khác nhau để cải thiện tình hình cung cấp lương thực trong bối cảnh giá cả tăng cao, nguồn cung gián đoạn gây lo ngại về an ninh lương thực, nhất là khi các nước khác đang bắt đầu cấm xuất khẩu làm trầm trọng thêm mối lo ngại".
Hội đồng công nghệ và thương mại Mỹ - Liên minh châu Âu (TTC) đã có cuộc đàm phán tại Pháp vào ngày 16/5 về nguồn cung lúa mì. Tại cuộc họp này, Mỹ và Liên minh châu Âu tìm cách cải thiện chuỗi cung ứng thực phẩm để ứng phó với các hạn chế xuất khẩu từ Ấn Độ và các quốc gia khác để tránh nguy cơ rủi ro an ninh lương thực toàn cầu.