Lấy người nông dân là trung tâm để nông nghiệp thoát 3 “lời nguyền”
Hôm qua (19/5), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã làm việc với lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) về tình hình thực hiện nhiệm vụ của ngành, một số nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trong thời gian tới và giải quyết các kiến nghị, đề xuất của ngành với vai trò bệ đỡ của nền kinh tế.
Chuyển đổi mạnh mẽ mô hình tăng trưởng
Bày tỏ một trong những điểm trăn trở nhất, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chỉ ra thách thức lâu nay, là điểm nghẽn, mà ông ví von là 3 “lời nguyền”, đó là sự manh mún, tự phát, nhỏ lẻ trong nền sản xuất nông nghiệp.
“Nếu không giải quyết được lời nguyền này thì sự phát triển của nông nghiệp sẽ luôn đụng trần, cả về năng suất, sản lượng, giá trị gia tăng, sức cạnh tranh hàng hóa…”. Do đó, việc phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã là câu chuyện sống còn, là nền tảng để vượt qua lời nguyền nêu trên.
Với mục tiêu đặt ra đến năm 2025 đạt tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành từ 2,5 đến 3%, kim ngạch xuất khẩu 48 đến 50 tỷ USD, thời gian tới, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu rõ, ngành xác định tạo những bước chuyển mạnh mẽ.
Đó là chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tiếp tục cơ cấu lại nông nghiệp trong bối cảnh mới. Chuyển từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang tư duy “kinh tế nông nghiệp”; coi nông nghiệp là ngành kinh tế, mục tiêu cốt lõi là hiệu quả.
Chuyển từ “Chuỗi liên kết cung ứng nông sản” sang “Chuỗi liên kết giá trị ngành hàng”.
Chuyển từ “nền nông nghiệp sản lượng cao” sang “nền nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái, trách nhiệm, bền vững”.
Chuyển từ “phát triển đơn ngành” sang “tích hợp đa ngành”, từ “đơn giá trị” sang “tích hợp đa giá trị ”.
Chuyển từ “hỗ trợ đầu vào” sang “vừa hỗ trợ đầu vào, vừa chú trọng hỗ trợ, kết nối đầu ra”. Ngoài quan tâm phát triển thị trường xuất khẩu, chú trọng phát triển thị trường nội địa với sức tiêu thụ của khoảng 100 triệu dân.
Chuyển từ mục tiêu “hỗ trợ kinh tế hộ” sang “hỗ trợ kinh tế tập thể”, tập trung nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của HTX nông nghiệp và các hình thức hợp tác khác; từng bước chuyên nghiệp hoá hoạt động của các chủ thể. Ngoài việc quan tâm thu hút doanh nghiệp lớn, cần có chính sách mạnh để “cân bằng, hỗ trợ doanh nghiệp lớn với doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, kinh tế hộ”.
Lấy người nông dân là trung tâm
Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Nguyễn Minh Chính nhấn mạnh một số nội dung. Đó là việc chuyển đổi tư duy, phong cách, lề lối làm việc, tổ chức công việc, nguồn nhân lực chất lượng cao chưa tương xứng với tình hình và yêu cầu đề ra. Hạ tầng nông nghiệp còn manh mún, chia cắt, chưa có kết nối tổng thể, đồng bộ, liên thông. Bộ máy còn cồng kềnh, chồng chéo. Thủ tướng cho rằng, số lượng viện nghiên cứu của Bộ (11 viện) là quá nhiều, chia cắt, chưa có mối liên kết, cần nghiên cứu sắp xếp lại, xứng tầm.
“Nghĩ phải thật, nói phải thật, làm phải thật, hiệu quả thật, người nông dân được hưởng thụ thật” - Thủ tướng nói.
Phải xác định trụ cột chính của ngành là nông nghiệp, nông thôn và nông dân, các trụ cột này sẽ góp phần tiếp tục ổn định chính trị và thúc đẩy phát triển công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.
Về mối quan hệ giữa các trụ cột, Thủ tướng nói rõ thêm, nông dân phải là trung tâm, nông thôn là nền tảng và nông nghiệp là động lực.
“Người nông dân phải là chủ thể, là trung tâm. Mọi hoạt động của các đồng chí phải xoay quanh người nông dân, phải nâng cao đời sống tinh thần vật chất cho họ”, Thủ tướng nêu rõ. Ông nhấn mạnh đây là điều quan trọng nhất.
Lấy nguồn lực bên trong là cơ bản, là chiến lược, là lâu dài, là quyết định, nguồn lực bên ngoài là quan trọng và đột phá. Nguồn lực bên trong bao gồm tài nguyên con người, truyền thống lịch sử văn hóa, tài nguyên đất đai, nước, không khí. “Yếu tố con người quyết định tất cả. Do đó, người nông dân đóng vai trò trung tâm là như thế” - Thủ tướng nói.
Tập trung nguồn lực cho 3 đột phá chiến lược
Thủ tướng nhấn mạnh định hướng huy động nguồn lực bằng hình thức hợp tác công tư trên nguyên tắc cân bằng lợi ích và chia sẻ rủi ro giữa 3 chủ thể để phát triển nông nghiêp. Ba chủ thể đó là người dân, Nhà nước, doanh nghiệp. Và vhỉ ra một số mô hình mà Bộ NNPTNT nghiên cứu áp dụng như lãnh đạo công, quản trị tư; đầu tư công, quản lý tư; đầu tư tư, sử dụng công.
Người đứng đầu Chính phủ cũng đồng thời cũng gợi mở việc trích lập quỹ phát triển hạ tầng thủy sản, đây cũng là một mô hình hợp tác công tư, tập hợp nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm hơn.
Bộ NNPTNT cần tập trung nguồn lực cho 3 đột phá chiến lược, “đừng làm manh mún” - thủ tướng lưu ý. Phải khai thác hiệu quả trên đất, nâng cao giá trị gia tăng, chứ không chỉ nghĩ đến trồng lúa, ngô, khoai, sắn. Cần sử dụng hiệu quả đất nông nghiệp và tổ chức mô hình HTX nông nghiệp phù hợp với tình hình mới.
Về nhiệm vụ trọng tâm, Thủ tướng cho rằng, cần phát triển mạnh mẽ, hợp lý hệ thống hợp tác xã gắn với tái cơ cấu ngành NNPTNT, nhất trí cho rằng cần xây dựng một nghị quyết của Chính phủ về vấn đề này.
Tán thành đề xuất của Bộ NNPTNT về Chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm) quốc gia 2021 – 2025, Thủ tướng cho rằng, Chương trình góp phần thúc đẩy sản xuất quy mô lớn. Chương trình cần xác định 5 điểm quan trọng: xác định thương hiệu sản phẩm; quy hoạch vùng nguyên liệu; có doanh nghiệp để có đầu vào, đầu ra; phải có sự tham gia của ngân hàng; áp dụng khoa học công nghệ.
Cần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa khu vực thành thị và nông thôn. Phải đẩy mạnh hội nhập quốc tế. Tập trung phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp. Tổng kết các mô hình hay, cách làm mới trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Ngành cần coi trọng công tác thi đua, khen thưởng, bên cạnh siết chặt kỷ luật, kỷ cương; cần tạo điều kiện cho đổi mới sáng tạo, bảo vệ người dám nghĩ, dám làm.
Về tổ chức thực hiện, Thủ tướng nhấn mạnh nguyên tắc là có lộ trình thực hiện cụ thể, rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ tiến độ, “phải chọn mục tiêu, từ đó chọn việc, việc đó thì phải làm thế nào và tiếp đến chọn người, việc đó ai làm”.
Trọng Trí
Xem thêm
Thủ tướng Phạm Minh Chính giải quyết những vấn đề trọng tâm, cấp bách của TP.HCM