Loạt doanh nghiệp hàng không, du lịch kiến nghị mở cửa du lịch ngay tháng 2

Nguyễn Minh Quyết 07:00 | 28/01/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Nhiều doanh nghiệp hàng không, du lịch đã gửi thư kiến nghị đến Thủ tướng về việc mở lại du lịch trong đầu tháng 2, thay vì mốc mở cửa thực tế có thể là 31/3 hay 30/4.

Mới đây, đại diện Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) cùng các doanh nghiệp hàng không, du lịch gồm Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo, Pacific Airlines, Hải Âu Aviation, Vietravel, Saigontourist, TMG, Sun Group, BIM đã gửi thư kiến nghị đến Thủ tướng về mở lại du lịch, theo Zing.

Trong thư kiến nghị, đại diện Ban IV và các doanh nghiệp hàng không, du lịch cho rằng cần công bố ngay trong đầu tháng 2 thời điểm mở cửa hoàn toàn cho du lịch quốc tế tới Việt Nam để tạo “lực đẩy mạnh”, mặc dù mốc mở cửa thực tế có thể là 31/3 hay 30/4.

Bởi lẽ, sau hai tháng thí điểm đón khách quốc tế với các điều kiện, quy trình còn rất chặt chẽ cho du khách cũng như doanh nghiệp, đến nay Việt Nam mới đón được 8.500 du khách.

Do đó, việc công bố sớm sẽ giúp các địa phương và doanh nghiệp vận tải, cư trú, lữ hành chủ động chuẩn bị năng lực, lập kế hoạch, tái cấu trúc quy trình nội bộ, đẩy mạnh xúc tiến quảng bá nhằm tạo sức hút lớn hơn với khách du lịch quốc tế.

Loạt doanh nghiệp hàng không, du lịch gửi thư kiến nghị mở cửa du lịch ngay tháng 2. (Ảnh minh họa: Thanh niên).  

Báo cáo riêng của Ban IV gửi Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc Việt Nam đưa ra thông điệp mở cửa ngay thời điểm này sẽ là cơ hội lớn không chỉ để phục hồi mà còn tạo bứt phá cho du lịch Việt Nam so với các nước trong khu vực, đồng thời góp phần đáng kể khơi thông dòng chảy đầu tư, thương mại giữa Việt Nam và các nước.

Mặt khác, các doanh nghiệp trong hai năm qua đã hứng chịu những tổn thất chưa từng có trong lịch sử, đến nay các nguồn lực đã hoàn toàn cạn kiệt. 

Thư kiến nghị cũng nêu rõ: "Quyết định mở cửa du lịch quốc tế của Chính phủ chính là cơ hội duy nhất để cứu sống các doanh nghiệp, cứu sống 2,5 triệu lao động trực tiếp trong ngành và hàng triệu lao động gián tiếp khác".

Cũng trong thư, Ban IV và các doanh nghiệp đề xuất Thủ tướng xem xét giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp các bộ, ngành khẩn trương hoàn thiện và ban hành quy trình đảm bảo an toàn dịch bệnh đối với khách du lịch quốc tế, trong đó thống nhất quy trình xử lý với khách dương tính, theo hướng giảm thiểu tối đa các quy định hiện hành không cần thiết.

Theo đó, với hành khách đã tiêm đủ hai mũi vắc xin và có xét nghiệm âm tính trong vòng 72h, các doanh nghiệp kiến nghị gỡ bỏ yêu cầu xét nghiệm nhanh tại sân bay, cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà/nơi cư trú.

Ngoài việc khôi phục toàn bộ chương trình miễn thị thực đơn phương, song phương và thị thực điện tử cho du khách, Chính phủ cân nhắc mở rộng chương trình miễn thị thực cho khách quốc tế từ các thị trường chiến lược, trọng điểm như châu Âu, châu Úc và Bắc Mỹ. 

Bên cạnh đó, Chính phủ xem xét tăng thời gian miễn thị thực từ 14-30 ngày theo xu hướng đi dài ngày hơn.

Ban IV cũng đề xuất đẩy nhanh việc cấp phép cho các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân tham gia chăm sóc điều trị bệnh nhân COVID-19 được thu phí trong trường hợp người bệnh tự nguyện, nhằm nâng cao năng lực y tế trong nước để sẵn sàng ứng phó trong các bài toán phát sinh khác nhau với du khách quốc tế.