Loạt doanh nghiệp thép 'chốt' năm 2022 với những con số bất ngờ
Thép Việt Nam lần đầu nhận lỗ kể từ 2014
Tổng Công ty Thép Việt Nam (Mã: TVN) tung báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022 ngay sau Tập đoàn Hòa Phát với mức lỗ khủng 822 tỷ đồng.
Cụ thể, quý IV/2022, doanh thu thuần TVN đạt 8.099 tỷ đồng, giảm 27,2%, lỗ 410 tỷ đồng, gần gấp đôi mức cùng kỳ quý IV/2021. Công ty vẫn có lãi gộp 309 tỷ đồng, tăng 70,7% so với cùng kỳ năm ngoái do ảnh hưởng trong giai đoạn dịch bệnh và khả quan hơn tình trạng lỗ gộp của quý III/2022. Biên lãi gộp đạt 3,8%.
Trong quý, chi phí tài chính đạt 145 tỷ đồng, chủ yếu là chi phí lãi vay. Cùng kỳ năm trước, chỉ tiêu này ghi nhận âm 32 tỷ đồng. Các chi phí quản lý doanh nghiệp cũng được tiết kiệm tối đa, giảm mạnh xấp xỉ 2 lần xuống 217 tỷ đồng.
Lũy kế cả năm, so với 2021, công ty ghi nhận doanh thu giảm 5,2% xuống 38.477 tỷ đồng và tiếp tục lỗ 822 tỷ đồng trong khi con số tương ứng là lãi 859 tỷ đồng. Đây là năm đầu tiên TVN có lợi nhuận âm kể từ năm 2014.
Như vậy, công ty đã đạt 102% doanh thu kế hoạch đặt ra cho 2022 nhưng lại hoàn toàn không đạt kế hoạch đối với lợi nhuận trước thuế.
Trong báo cáo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 của TVN, Phó Tổng giám đốc Lê Văn Thanh cho biết, thị trường thép năm nay biến động khó lường cùng với tín dụng thắt chặt, tỷ giá và lãi suất tăng mạnh khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty gặp nhiều khó khăn.
Theo TVN, “Diễn biến thị trường thép phát sinh những biến động bất ngờ thậm chí trái thông lệ. Giá các mặt hàng năng lượng (xăng dầu, khí đốt) và các mặt hàng nguyên vật liệu chính dùng cho sản xuất thép (than, quặng sắt, thép phế…) đột ngột tăng cao trong giai đoạn đầu năm”.
Bên cạnh đó, giá cả một số loại nguyên liệu sản xuất thép đã chạm các mốc cao kỷ lục nhưng sau đó bất ngờ giảm giá nhanh và mạnh, chạm mức đáy của hai năm liên tiếp, làm cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh các sản phẩm thép không xoay kịp.
Nhìn chung, năm 2023, đầu ra của ngành thép sẽ còn gặp nhiều khó khăn, TVN đưa ra mục tiêu thận trọng với sản lượng thép thành phẩm khoảng hơn 3,4 triệu tấn; tổng doanh thu hợp nhất khoảng 35.800 tỷ đồng và lợi nhuận hợp nhất trước thuế khoảng 50 tỷ đồng.
Nam Kim trải qua 2 quý liên tiếp lỗ nặng
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022, doanh thu thuần trong quý của CTCP Thép Nam Kim (HOSE: NKG) đạt 4.299 tỷ đồng, sụt giảm 2 lần so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế âm 356 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 452 tỷ đồng). Đây là quý thứ 2 công ty tiếp tục ghi nhận thua lỗ (quý III/2022 NKG lỗ 419 tỷ đồng).
Lũy kế năm 2022, doanh thu thuần đạt 23.071 tỷ đồng, giảm 18% so với năm ngoái. Đặc biệt, lợi nhuận sau thuế sụt giảm mạnh xuống âm 66,7 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 2.225 tỷ đồng.
Xét về cơ cấu doanh thu, trong 2022 NKG thu về 9.524 tỷ đồng từ thị trường trong nước, tăng nhẹ 5,8% so với 2021 và 13.603 tỷ đồng nhờ xuất khẩu, giảm 29,1% do nhu cầu ở Mỹ và châu Âu suy yếu.
Hết 31/12/2022, công ty nắm giữ 1.535 tỷ đồng tiền mặt, tăng mạnh 96,7% so với đầu năm và 7.351 tỷ đồng hàng tồn kho. Tuy có giảm so với con số đầu năm nhưng đây vẫn là mức hàng tồn kho khá cao.
Bên kia bảng cân đối, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn đạt 5.111 tỷ đồng, tăng 35,46% so với đầu năm.
HSG tăng trưởng âm
Trong báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2023 (từ 1/10 - 31/12/2022), CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HOSE: HSG) vừa báo lỗ trong kỳ 680 tỷ đồng, tương đương giảm 207% so với cùng kỳ, doanh thu thuần đạt 7.917 tỷ đồng, cũng giảm 53,2%.
Theo HSG, quý này, hàng tồn kho đã giảm hơn 1.400 tỷ đồng về mức 5.980 tỷ đồng, dư nợ vay ngân hàng đạt 2.337 tỷ đồng, giảm gần 1.300 tỷ đồng. Theo thuyết minh báo cáo, công ty đã ưu tiên tất toán toàn bộ các khoản nợ vay bằng USD và khoản nợ vay dài hạn.
Nhìn chung, trên thị trường, theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tổng tiêu thụ sản phẩm thép năm 2022 đạt 27,3 triệu tấn, giảm 7,2% so với năm 2021. Tổng xuất khẩu là 6,28 triệu tấn, giảm gần 20%.
Thép xây dựng là mặt hàng duy nhất ghi nhận sản lượng tăng nhẹ 3% so với cùng kỳ. Trong khi đó, tiêu thụ tôn mạ giảm 22% chủ yếu do thị trường xuất khẩu suy yếu tới 38%. Tình hình bán hàng các sản phẩm hạ nguồn như tôn mạ và ống thép đều ảm đạm khiến sản lượng thép cuộn cán nóng (HRC) cũng giảm hơn 13%.
VCA: Điểm sáng hiếm hoi của ngành thép
Theo báo cáo mới nhất của doanh nghiệp, dù doanh thu giảm 29% do tiêu thụ giảm, CTCP Thép Vicasa (Mã: VCA) vẫn có lãi ròng gần 7 tỷ đồng riêng quý IV/2022, trong khi cùng kỳ năm 2021 lỗ gần 6 tỷ đồng. Giải trình về kết quả kinh doanh trong quý, công ty cho biết đã thực hiện tiết giảm đáng kể các chi phí.
Cụ thể, so với quý IV/2021, chi phí tài chính đạt 3.681 tỷ đồng, tăng 75,6% do tiêu thụ chậm ảnh hưởng đến dòng tiền, tồn kho cao và lãi tiền vay tăng gần gấp đôi. Chi phí bán hàng đạt 3.643 tỷ đồng, giảm 12,96%. Chi phí quản lý doanh nghiệp đạt 6.896 tỷ đồng, giảm xấp xỉ 3 lần. Trong đó, chi phí nhân viên quản lý đạt 1,6 tỷ đồng, giảm 23%, chi phí khấu hao tài sản cố định quản lý đạt 135 triệu đồng, giảm 40,5%. Tuy nhiên, chi phí dịch vụ mua ngoài 1,1 tỷ đồng, gấp 16,5 lần.
Lũy kế cả năm, so với 2021, VCA ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.335 tỷ đồng, giảm xấp xỉ 11%, lợi nhuận sau thuế âm khoảng 6 tỷ đồng.
Triển vọng ngành thép toàn cầu
Hiệp hội Thép Thế giới (Worldsteel) đã công bố bản cập nhật Triển vọng Ngắn hạn (SRO) mới nhất tháng 10/2022 cho năm 2023. Worldsteel ước tính nhu cầu thép sẽ giảm 2,3% trong năm 2022 đạt 1.797 triệu tấn. Trong khi đó, nhu cầu thép năm 2023 được dự báo sẽ phục hồi 1% để đạt 1.815 triệu tấn. Dự báo hiện tại điều chỉnh giảm so với dự báo trước đó, phản ánh tác động của lạm phát cao liên tục và lãi suất tăng trên toàn cầu. Lạm phát cao, thắt chặt tiền tệ và suy thoái của Trung Quốc đã góp phần gây ra một năm 2022 khó khăn, nhưng nhu cầu cơ sở hạ tầng dự kiến sẽ nâng nhẹ nhu cầu thép năm 2023.