Loạt dự án trọng điểm đang được Tỉnh Long An kêu gọi đầu tư có gì đặc biệt?

Đông Bắc 10:32 | 26/07/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tỉnh Long An đang lên kế hoạch mời gọi các doanh nghiệp trong nước và quốc tế đến địa phương để đầu tư hàng loạt dự án có quy mô "khủng" cả về diện tích lẫn vốn đầu tư.

  

Ngày 25/7, tỉnh Long An đã tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch và xúc tiến đầu tư. Đây là địa phương thứ 10 trên cả nước và là tỉnh đầu tiên của khu vực phía Nam được phê duyệt quy hoạch, hướng tới mục tiêu đưa Long An sớm là trung tâm phát triển kinh tế năng động, hiệu quả, bền vững của khu vực phía nam.

Long An có vị trí tiếp giáp TP HCM, đồng thời cũng là cầu nối giữa trung tâm kinh tế của cả nước, các tỉnh Đông Nam Bộ với khu vực rộng lớn Đồng bằng sông Cửu Long.

Mặc dù hệ thống cơ sở hạ tầng vẫn đang là “điểm nghẽn” của Long An, song địa phương này đã và đang dần cải thiện với nhiều đại dự án như cao tốc Bến Lức – Long Thành, đường vành đai 3, các tuyến đường trục động lực… cùng với hệ thống cảng biển, Long An hứa hẹn sẽ trở thành một trung tâm logistic mới đầy năng động của khu vực.

 

 Long An có lợi thế phát triển nhờ vị trí tiếp giáp với TP HCM. Ảnh BLA.

Theo Quy hoạch, tỉnh tổ chức không gian phát triển theo mô hình "Một trung tâm – Hai hành lang – Ba vùng kinh tế xã hội – Sáu trục động lực". Trong đó, 1 trung tâm là thành phố Tân An; 2 hành lang gồm: Hành lang đường Vành đai 3, 4 và hành lang phát triển phía nam; 3 vùng KTXH gồm: Vùng đô thị và công nghiệp, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch và kinh tế cửa khẩu, vùng đệm sinh thái; 6 trục động lực gồm: Trục động lực vành đai 3, 4, trục động lực quốc lộ 50B, trục động lực song hành quốc lộ 61B, trục động lực Mỹ Quý Tây – Lương Hòa – Bình Chánh, trục động lực quốc lộ N1 và trục động lực Đức Hòa.

Về mục tiêu, phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Long An là trung tâm phát triển kinh tế năng động, hiệu quả, bền vững của khu vực phía nam; trở thành cửa ngõ trên tuyến hành lang kinh tế đô thị - công nghiệp của vùng ĐBSCL; kết nối chặt chẽ với TP HCM và vùng Đông Nam Bộ; đầu mối hợp tác, giao thương quan trọng với Campuchia. Hình thành các hành lang kinh tế, vùng, trung tâm phát triển và đô thị động lực….

Tại Hội nghị, Long An giới thiệu 13 dự án ưu đãi đầu tư gồm: Khu kinh tế cửa khẩu Long An tại Thị xã Kiến Tường có quy mô 13.080 ha; khu công nghiệp Phú An Thạnh tại huyện Bến Lức có diện tích 1.000 ha; khu công nghiệp Việt Phát tại huyện Thủ Thừa có diện tích 918 ha; khu công nghiệp Prodezi tại huyện Bến Lức có diện tích 400 ha;

Khu phức hợp giải trí Khang Thông tại huyện Bến Lức có diện tích 262 ha; khu đô thị Nam Long VCD tại Bến Lức có diện tích 360 ha; trung tâm công nghệ sinh học vùng Đồng Tháp Mười tại Long An có diện tích 83 ha; khu vực tiếp nhận kho vận, logistics - cảng Long An có diện tích 147 ha; xây dựng trung tâm kho vận lương thực tại vùng Đồng Tháp Mười tỉnh Long An có diện tích ; trung tâm kho vận và dịch vụ logistics; phát triển chăn nuôi bò thịt có diện tích 70 ha; đầu tư sản xuất và xây dựng các nhà máy chế biến khoai mỡ có diện tích 3.000 ha; nhà máy chế biến thanh long diện tích 10 ha.

Bên cạnh danh sách 13 dự án trên, trong thời gian gần đây tỉnh Long An cũng mời gọi nhiều doanh nghiệp đầu tư về đầu tư hàng loạt dự án khu đô thị lớn trên địa bàn. Với lợi thế nằm cạnh TP HCM, thị trường bất động sản Long An trong nhiều năm qua đã được nhiều ông lớn bất động sản quan tâm.

Long An sẽ thành lập mới thêm 17 khu công nghiệp

Theo UBND tỉnh Long An, từ nay đến năm 2030, Long An sẽ có 17 khu công nghiệp thành lập mới với diện tích tăng thêm gần 3.200 ha, nâng tổng số khu công nghiệp của toàn tỉnh lên 51 khu với diện tích gần 12.500 ha.

Với số lượng trên, Long An sẽ là địa phương đứng thứ 2 (sau Bình Dương) cả nước về diện tích các khu công nghiệp, tạo điều kiện và cơ hội lớn để thu hút đầu tư.

Bên cạnh đó, Long An cũng quy hoạch mới 28 cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn 1.800 ha, nâng tổng số các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh lên 72 cụm với tổng diện tích gần 4.000 ha.

 Long An là một trong 5 địa phương có nhiều khu công nghiệp nhất cả nước. Ảnh BLA.

Đặc biệt, Long An sẽ tập trung phát triển ngành công nghiệp theo hướng đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên; phấn đấu chỉ số sản xuất công nghiệp tăng bình quân khoảng 13%/năm trong giai đoạn 2021 – 2030.

Tỉnh ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo và năng lượng tái tạo; tập trung phát triển một số ngành công nghiệp chủ yếu như: sản xuất kim loại và sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, cơ khí chế tạo, chế biến thực phẩm, sản phẩm điện tử, hoá chất và sản phẩm hóa chất, năng lượng…

Theo báo cáo của UBND tỉnh Long An, hiện nay, toàn tỉnh có 24 khu công nghiệp đủ điều kiện tiếp nhận đầu tư với diện tích đất công nghiệp gần 4.300 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 65,2%; trong đó, có 878 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư gần 6,2 tỷ USD và 930 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn hơn 133.000 tỷ đồng. Đối với cụm công nghiệp, toàn tỉnh hiện có 23 cụm công nghiệp đang hoạt động, thu hút 688 dự án với tổng diện tích đất đã cho thuê hơn 800 ha; tỷ lệ lấp đầy của các cụm công nghiệp hoạt động đạt 87,5%.