Bất động sản là lĩnh vực chiếm gần 50% vốn FDI đổ vào Bình Dương

Đông Bắc 17:28 | 25/07/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Là một trong 5 địa phương có nhiều khu công nghiệp nhất cả nước, Bình Dương thu hút được số vốn FDI đổ vào rất lớn. Đặc biệt, lĩnh vực bất động sản chiếm gần một nửa số vốn ngoại vào tỉnh này trong 6 tháng đầu năm 2023.

  

Mặc dù chịu nhiều tác động ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu, trong 6 tháng đầu năm, Bình Dương vẫn là điểm sáng về thu hút FDI với hơn 967 triệu USD. Dòng vốn FDI gần đây không chỉ tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, mà còn đổ vào bất động sản, thương mại, dịch vụ.

Theo đó, nửa đầu năm bất động sản là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với một dự án cấp mới, một dự án tăng vốn và 5 lượt dự án đăng ký góp vốn, mua cổ phần, tương đương tổng số vốn đầu tư gần 477 triệu USD chiếm trên 49% tổng vốn FDI vào Bình Dương. Địa phương cũng tăng cường hợp tác với các tập đoàn lớn toàn cầu như Warburg Pincus, Sembcorp, Tokyu, CapitaLand Development, Aeon...

Đáng chú ý, Tập đoàn CapitaLand cũng ký kết hợp tác dự án phát triển thành phố thông minh có vốn đầu tư hơn 500 triệu USD triển khai tại thành phố mới Bình Dương. Dự án thành phố thông minh cung cấp khoảng 3.700 căn hộ cho khoảng 13.000 cư dân.

 

 Lĩnh vực bất động sản chiếm gần 50% tổng vốn FDI vào Bình Dương sau hai quý đầu năm 2023. Ảnh BĐS.

Mặc dù thị trường bất động sản đang trầm lắng nhưng Bình Dương có nhiều dư địa và lợi thế để thị trường sôi động trở lại. Địa phương này đang triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch đầu tư phục vụ phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, nhiều công trình hạ tầng quan trọng khi hoàn thiện sẽ tạo điều kiện phát triển bất động sản. Để tạo động lực cho sự phát triển liên vùng, Bình Dương đang dồn lực triển khai các dự án như Vành đai 3, Vành đai 4 TP HCM, cao tốc TP HCM - Chơn Thành, cầu Bạch Đằng 2 nối Bình Dương và Đồng Nai, mở rộng Quốc lộ 13, hoàn thiện trục đại lộ Mỹ Phước - Tân Vạn - Bến Cát - Bàu Bàng...

Ngoài bất động sản thương mại, Bình Dương cũng đang thu hút các nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào lĩnh vực bất động sản công nghiệp và sản xuất. Dự kiến thời gian tới, tỉnh sẽ có thêm các khu công nghiệp theo hướng không phát thải, thân thiện với môi trường, tiêu biểu là khu công nghiệp VSIP III.

Lũy kế đến nay, tỉnh Bình Dương thu hút được 4.121 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký trên 40 tỷ USD. Trong đó, đầu tư lĩnh vực bất động sản có 82 dự án, với tổng vốn gần 7,4 tỷ USD, chiếm 18,4% tổng vốn FDI. Bình Dương hiện đứng thứ ba cả nước về đầu tư FDI vào lĩnh vực bất động sản sau TP HCM và Hà Nội.

So với năm 2022, vốn FDI vào tỉnh Bình Dương có sự thay đổi rõ rệt. Năm trước, địa phương này thu hút 3,13 tỷ USD vốn từ nước nước ngoài. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo được nhà đầu tư "rót" vốn nhiều nhất với 1,98 tỷ USD, chiếm 63,3%.

 

   Vốn FDI đổ vào Việt Nam qua các năm. BĐ Đông Bắc TH. 

Top 5 tỉnh thành có nhiều khu công nghiệp nhất Việt Nam

Theo số liệu mới nhất của Bộ Kế hoạch Đầu tư, cả nước hiện có khoảng 563 khu công nghiệp nằm trong quy hoạch tại 61/63 tỉnh thành. Trong đó, 397 khu công nghiệp được thành lập; 292 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng hơn 87.100 ha, diện tích đất công nghiệp khoảng hơn 58.700 ha; 106 khu công nghiệp đang trong quá trình xây dựng với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 35.700 ha, diện tích đất công nghiệp khoảng 23.800 ha. Theo đó, 5 tỉnh thành có nhiều khu công nghiệp đang hoạt động nhất là:

Đồng Nai: Phát triển công nghiệp từ những năm 60 của thế kỷ trước, hiện tỉnh Đồng Nai đang đứng đầu cả nước về số lượng khu công nghiệp khi được phê duyệt quy hoạch 39 khu công nghiệp với gần 190 km2, trong đó 31 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy gần 86%.

Bình Dương: Danh sách khu công nghiệp đã đi vào hoạt động Bình Dương đã lên đến 30 khu công nghiệp với tổng diện tích lên đến 12.670,5 ha và tỷ lệ lấp đầy bình quân 87,4%. Bình Dương cũng là tỉnh có diện tích khu công nghiệp lớn nhất Việt Nam. Các khu công nghiệp tại Bình Dương chiếm đến 1/4 diện tích Khu công nghiệp miền Nam.

TP HCM: Từ những năm 90 của thế kỷ trước đến nay, các khu công nghiệp tại TP HCM đã phát triển và thu hút đầu tư mạnh mẽ. TP HCM hiện đang có 19 khu công nghiệp đang hoạt động.

Long An: Thị trường khu công nghiệp Long An cũng đã phát triển rất mạnh thời gian qua, nhờ vị trí liền kề với TP HCM. Ngoài ra, các khu công nghiệp ở Long An được hưởng lợi rất lớn khi đóng vai trò cầu nối với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và các trung tâm phân phối, logistics tại khu vực miền Nam. Long An hiện có 18 khu công nghiệp đang hoạt động.

Bắc Ninh: Tuy là tỉnh có diện tích nhỏ nhất Việt Nam, nhưng Bắc Ninh lại là tỉnh có số khu công nghiệp đang hoạt động nhiều nhất miền Bắc với 15 khu công nghiệp.