Nhiều 'gia tộc doanh nhân' bay hơi hàng nghìn tỷ vì chứng khoán giảm sâu

Trang Mai 15:29 | 14/11/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong bối cảnh xuống dốc của thị trường chứng khoán, hàng loạt cổ phiếu gắn liền với tên tuổi các gia đình doanh nhân giảm mạnh, khiến khối tài sản “bốc hơi” hàng nghìn tỷ đồng chỉ trong thời gian ngắn.

Cổ phiếu KBC và gia đình ông Đặng Thành Tâm

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu KBC của Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc do ông Đặng Thành Tâm làm Chủ tịch HĐQT lao dốc mạnh kể từ đầu tháng 9, đóng cửa phiên giao dịch ngày 11/11 ở mức 14.600 đồng/cp, giảm 68% từ đỉnh 47.100 đồng/cp đạt được vào đầu năm 2022. 

Trước đó, sau nhiều lần biến động mạnh, vào giữa tháng 5, KBC tụt xuống 29.000 đồng/cp, sau đó hồi phục trở lại vào tháng 9, và giảm mạnh từ đó đến nay. 

Cách đây ít ngày, ông Đặng Thành Tâm đã đăng ký mua 50 triệu cổ phiếu nhưng sau đó đã đăng ký mua lại với số lượng 25 triệu cổ. “Tôi tên là Đặng Thành Tâm. Trong buổi sáng 10/11/2022, tôi đã công bố thông tin về việc mua vào 50 triệu cp KBC. Tuy nhiên, sau khi xem xét lại, nếu thực hiện giao dịch này dẫn đến tổng số cổ phiếu do tôi và những người liên quan sở hữu bị vượt quá 25% số cổ phần đang lưu hành của KBC. Như vậy, tôi và những người liên quan sẽ phải tuân thủ quy định về chào mua công khai. Vì vậy, tôi xin công bố thông tin thay thế. Trong đó, số lượng cổ phiếu mua vào là 25 triệu cp. Sau khi kết thúc việc mua vào lần này, tôi/những người liên quan sẽ xem xét quy trình để tiếp tục nâng tỷ lệ sở hữu cổ phiếu KBC”, ông Tâm trình bày. 

Như vậy, tạm tính theo giá 14.600 đồng/cp ở phiên 11/11, ông Tâm sẽ phải chi ra 365 tỷ đồng để gia tăng sở hữu cổ phiếu KBC. Số lượng cổ phiếu ông Tâm sở hữu trước khi thực hiện giao dịch là 113,66 triệu cổ phiếu tương ứng tỷ lệ 14,8%. Nếu giao dịch hoàn tất, ông Tâm sẽ nâng tỷ lệ sở hữu lên 18,1% tương ứng với 138,7 triệu cổ phiếu KBC. Thời gian thực hiện giao dịch từ 15/11 đến 14/12.

Trong danh sách cổ đông liên quan đến người nội bộ của của KBC, ngoài ông Tâm, con gái ông Tâm - Đặng Nguyễn Quỳnh Anh, thành viên HĐQT sở hữu 13,3 triệu cổ phiếu, tương đương 1,737% vốn điều lệ. 

 Tài sản cha con ông Đặng Thành Tâm giảm gần 3.400 tỷ đồng. (Ảnh: KBC) 

Với việc giảm giá của cổ phiếu KBC từ mức đỉnh hồi đầu năm đến nay, tài sản của ông Đặng Thành Tâm giảm gần 3.400 tỷ đồng, tổng cộng tài sản của hai cha con ông Tâm bốc hơi hơn 4.200 tỷ đồng.

Ngược chiều giao dịch, trước khi Chủ tịch KBC thông báo gom thêm cổ phiếu, quỹ ngoại Dragon Capital liên tiếp thoái vốn khỏi KBC với tổng khối lượng bán ra gần 12 triệu cp, từ ngày 19/10-4/11. Qua đó, tỷ lệ sở hữu giảm từ 8,43% xuống còn 4,76%, chính thức không còn là cổ đông lớn tại đây từ ngày 8/11. 

Cha con bầu Đức

Năm 2022, cổ phiếu HAG của Công ty Hoàng Anh Gia Lai ghi nhận mức tăng mạnh nhất sau nhiều năm thị giá luôn nằm dưới mệnh giá. Không những vậy, cổ phiếu HAG trải qua những tháng đầu năm rất sôi động khi khối lượng giao dịch trong mỗi phiên luôn đạt trên 10 triệu đơn vị, gấp 3-4 lần so với các năm trước. Đầu tháng 1 năm nay, HAG đã lập đỉnh với 15.700 đồng/cp. 

Tuy nhiên, thời gian gần đây, hàng loạt tin đồn thất thiệt về bầu Đức khiến thị giá cổ phiếu HAG giảm giá mạnh và nhiều phiên nằm sàn, nhất là 3 tháng gần đây. Kết phiên 11/11, giá HAG ở mức 6.840 đồng, giảm 56% so với mức đỉnh.

 Biểu đồ cổ phiếu HAG từ 8/11 đến nay (Ảnh: Investing)

Trong danh sách cổ đông của HAG, ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức), Chủ tịch HĐQT đang năm giữ gần 320 triệu cổ phiếu, con gái ông là bà Đoàn Hoàng Anh nắm giữ 9 triệu cổ phiếu. So với thời điểm đầu năm đến nay, 2 cha con bầu Đức đã bay hơn gần 3.000 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán. 

Mới đây, bà Hoàng Anh đã vừa gửi thông báo lên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM về việc đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu HAG từ ngày 17/10 đến giữa tháng 11, khớp lệnh trực tiếp trên sàn, nhằm tăng tỷ lệ sở hữu.

Với thị giá cổ phiếu HAG khoảng 6.500 đồng (phiên sáng 14/11), ước tính bà Đoàn Hoàng Anh phải chi ra khoảng 6,5 tỷ đồng để hoàn tất thương vụ trên. Nếu giao dịch thành công, con gái bầu Đức sẽ nâng tổng số lượng cổ phiếu HAG sở hữu lên 10 triệu cổ phiếu, tương ứng 1,08% vốn tại Hoàng Anh Gia Lai.

Ngày 7/10, Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) ra Quyết định về việc cổ phiếu HAG được chuyển từ diện kiểm soát sang diện cảnh báo từ ngày 11/10.

Để khắc phục tình trạng cổ phiếu bị cảnh báo, phía HAG đã đưa ra kế hoạch khôi phục sản xuất, đầu tư các dự án. Công ty cũng đặt mục tiêu trong năm 2023 sẽ sản xuất được 1 triệu con heo mang thương hiệu Heo ăn chuối BAPI Hoàng Anh Gia Lai và tích cực tìm kiếm thêm đối tác tiềm năng để mở rộng sản xuất, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các dòng sản phẩm được chế biến từ thịt heo. Ngoài ra, Công ty đang tiến hành nuôi thí điểm 100.000 con gà trên diện tích 2 ha tại Huyện Mang Yang, Tỉnh Gia Lai, Việt Nam và dự kiến đưa sản phẩm ra thị trường vào tháng 11. 

Công ty kỳ vọng doanh thu từ các sản phẩm chuối, heo và gà sẽ mang lại dòng tiền lớn để Công ty trả nợ và mở rộng kinh doanh.

Cha con ông Nguyễn Thiện Tuấn, Chủ tịchTổng công ty Đầu tư Phát triển Xây dựng - DIC Corp (mã: DIG)

9 tháng đầu năm 2022, ngành bất động sản liên tiếp đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt liên quan đến dòng tiền. Trong bối cảnh chung của ngành không thuận lợi, các doanh nghiệp phát triển bất động sản dân dụng cũng chịu không ít ảnh hưởng, dẫn đến kết quả kinh doanh kém khả quan hơn so với cùng kỳ năm 2021 và giá cổ phiếu cũng liên tục “nằm sàn”.

DIG là cổ phiếu của Tổng công ty Đầu tư Phát triển Xây dựng - DIC Corp. Đã có thời điểm cổ phiếu này nằm trong danh sách “nóng” nhất trên sàn, được giới đầu tư săn đón. Trong vòng chưa đầy 1 tháng, từ mức giá 52.000 đồng/cp đầu tháng 12/2021 lên mức 98.265 đồng/cp (phiên 11/1).

Tuy nhiên ngay sau đó, cổ phiếu này cũng quay đầu giảm mạnh, xuống sát 50.000 đồng/cp cũng chỉ trong vòng một tháng. Kể từ đầu năm đến nay, cổ phiếu DIG liên tục biến động. Đến phiên chiều 14/11, DIG giao dịch quanh mức 10.850 đồng/cp. 

Trong danh sách người nội bộ, người liên quan của DIG, tính đến ngày 28/7, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thiện Tuấn đang nắm giữ hơn 50 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ sở hữu 10,09%; ông Nguyễn Hùng Cường, Phó Chủ tịch HĐQT (con trai ông Tuấn) nắm giữ hơn 51,2 triệu cổ phiếu, tương đương 10,25% và bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó Chủ tịch HĐQT (con gái ông Tuấn) nắm giữ hơn 18 triệu cổ phiếu, tương đương 3,61% vốn điều lệ.

Tính theo giá 10.850 đồng/cp trong phiên chiều 14/11, tài sản của Chủ tịch Nguyễn Thiện Tuấn giảm hơn 4.400 tỷ đồng. Tổng cộng, tài sản cả 3 cha con ông Tuấn "bốc hơi" hơn 10.000 tỷ đồng.

 Cha con ông Nguyễn Thiện Tuấn, Chủ tịch DIG.(Ảnh: DIG) 

Trong diễn biến mới nhất, ông Tuấn cùng người thân đã hoàn tất việc bán giải chấp trong tuần giao dịch 07-11/11. Cụ thể, Chủ tịch DIG đã bán khớp lệnh hơn 9,4 triệu cp trong khoảng thời gian từ 04-09/11. Qua đó, tỷ lệ sở hữu của ông tại Công ty giảm từ 9,59% xuống còn 8,04%, tương đương hơn 49 triệu cp. Chiếu theo giá đóng cửa bình quân, ước tính Chủ tịch DIG đã thu về gần 141 tỷ đồng sau khi bán số cổ phiếu kể trên.

Con trai ông Tuấn, Phó Chủ tịch HĐQT DIG, ông Nguyễn Hùng Cường đã bán khớp lệnh hơn 6,4 triệu cp trong 2 phiên 07/11 và 09/11, dẫn đến tỷ lệ sở hữu giảm từ 10,06% xuống còn 9%, xấp xỉ 55 triệu cp. Chiếu theo giá đóng cửa 2 phiên, ước tính ông Cường thu về gần 93 tỷ đồng.

Được biết, HOSE đã có công văn gửi DIG về việc giá cổ phiếu DIG giảm sàn 5 phiên liên tiếp từ ngày 4 đến ngày 10/11. Trả lời về việc cổ phiếu DIG liên tục giảm giá, DIG cho rằng việc cổ phiếu giảm trong những phiên gần đây đều do tác động tiêu cực của yếu tố vĩ mô và niềm tin nhà đầu tư suy giảm. Đồng thời, DIC Corp khẳng định tình hình sản xuất kinh doanh của công ty vẫn đang diễn ra bình thường, HĐQT và ban điều hành công ty vẫn đang nỗ lực để hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2022 được thông qua trước đó.