Loạt ngân hàng thương mại tăng lãi suất huy động
Sau một thời gian điều chỉnh lãi suất theo xu hướng giảm vì ảnh hưởng của COVID-19, mới đây, hàng loạt ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) bất ngờ điều chỉnh tăng, thậm chí tăng mạnh lãi suất thêm đến 0,9%/năm.
Trong khi nhiều ngân hàng giảm lãi suất huy động thì một số ngân hàng tư nhân lại tăng mạnh lãi suất tiết kiệm.
Mặt bằng lãi suất của nhiều ngân hàng đều có sự điều chỉnh, trong đó phần lớn các ngân hàng nhỏ có mức lãi suất hấp dẫn ở các kỳ hạn dài từ 18 - 36 tháng với mức trên 7%/năm.
Đối với kỳ hạn 6 tháng, nhiều ngân hàng đều áp dụng mức lãi suất trên 6%/năm. Riêng với nhóm ngân hàng lớn như Techcombank, Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank, mức trả lãi xoay quanh khoảng 2,8 - 4%/năm.
Cụ thể tại Sacombank, từ ngày 12/3, nhà băng này thực hiện tăng lãi suất tiết kiệm từ 0,1-0,2 điểm % với tất cả kỳ hạn. Hiện lãi suất huy động với kỳ hạn 3-5 tháng tại đây ở mức 3,3-3,4%/năm; kỳ hạn 6-8 tháng ở mức 4,6%/năm; 9-11 tháng ở mức 4,8-4,9%/năm; kỳ hạn 12 tháng là 5,6%/năm; kỳ hạn 36 tháng là 6,3%/năm.
Tại Techcombank, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng đối với khách hàng thường tăng từ 2,75%/năm lên 3,1%/năm; với khách hàng thường trên 50 tuổi tăng từ 2,95%/năm lên 3,2%/năm. Tương tự, lãi suất áp dụng cho khách hàng ưu tiên cũng tăng từ 2,9 - 3,1%/năm lên 3,2 - 3,4%/năm.
Với kỳ hạn 6 tháng, lãi suất tiết kiệm đối với khách hàng thường được ngân hàng này tăng mạnh tới 0,6%, lên 4,4 - 4,7%/năm. Lãi suất áp dụng cho khách hàng ưu tiên cũng tăng từ 4,1 - 4,3%/năm, lên 4,5 - 4,8%/năm. Với kỳ hạn 12 tháng, Techcombank tăng thêm khoảng 0,5%/năm, lên 5,1 - 5,4%/năm đối với khách hàng thường và 5,2 - 5,5%/năm đối với khách ưu tiên.
Đầu tháng 3, VPBank cũng điều chỉnh tăng lãi suất đầu vào ở nhiều kỳ hạn. Cụ thể, ở kỳ hạn 3 tháng, lãi suất áp dụng cho khách hàng gửi tiết kiệm tại quầy với số tiền dưới 300 triệu đồng là 3,5%/năm, tăng 0,2% so với tháng trước. Còn với khoản tiền gửi từ 3 tỷ đồng trở lên, khách hàng sẽ được hưởng lãi suất 3,7%/năm, tức tăng 0,05 - 0,1% so với trước. Với kỳ hạn 5 tháng, lãi suất tiền gửi của VPBank hiện là 3,5 - 3,7%/năm, tăng 0,05 - 0,2% so với trước đó.
MBBank hạ lãi suất huy động với mức giảm 0,2 điểm % so với tháng trước tại tất cả kỳ hạn, áp dụng với khách hàng cá nhân. Theo đó, nhà băng này áp dụng lãi suất tiền gửi với kỳ hạn 1-5 tháng từ 3,3-3,75%/năm; lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6-9 tháng giảm từ 5,1%/năm, về 4,9%/năm; kỳ hạn 10-12 tháng có lãi suất huy động từ 5,1-5,3%/năm; các kỳ hạn trên 1 năm được áp dụng mức lãi suất từ 5,4-6,4%/năm.
OCB cũng thực hiện giảm sâu lãi suất huy động ở nhiều kỳ hạn. Cụ thể, tại nhà băng này, lãi suất tiền gửi với kỳ hạn 6 tháng hiện ở mức 5,5%/năm, thấp hơn 0,3 điểm % so với tháng trước; kỳ hạn 12 tháng giảm còn 6%/năm; kỳ hạn 15 tháng giảm về 6,1%/năm; các kỳ hạn từ 36 tháng trở lên có mức lãi suất tiền gửi là 6,4%/năm, thấp hơn 0,3 điểm % so với tháng trước.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế - tài chính, mặc dù lãi suất huy động có tăng nhẹ, nhưng nhóm 10 ngân hàng thương mại có quy mô tiền gửi tiết kiệm cao nhất hệ thống ít có sự thay đổi biểu lãi suất huy động.Tuy nhiên, dự báo quý II/2021, lãi suất sẽ thiết lập mặt bằng mới.
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực nhận định, nguyên nhân lãi suất tăng là do áp lực lạm phát sẽ tăng. Có thể thấy, ngoài xăng dầu tăng giá thì việc kiểm soát tốt dịch COVID-19 khiến nhu cầu ở nhóm dịch vụ ăn uống, giải trí và đi lại tăng lên.
Bên cạnh đó, yếu tố từ ngoài nước cũng đang gây áp lực lên lạm phát. Hiện nhiều ngân hàng Trung ương trên thế giới tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ, đưa ra thông điệp sẵn sàng chấp nhận lạm phát có thể tăng. Điển hình là gói cứu trợ 1.900 tỷ USD của Mỹ có thể làm nền kinh tế thế giới bị "quá nhiệt" và làm tăng lạm phát.
Mặc dù lãi suất huy động đang có chiều hướng tăng tại một số ngân hàng nhưng mức lãi suất này chỉ bằng mặt bằng thấp của năm 2020, cho thấy thanh khoản hệ thống ngân hàng hiện vẫn đang ở trạng thái dồi dào trong bối cảnh các dự án mới của doanh nghiệp chưa được triển khai.
Theo khảo sát thị trường của Công ty Cổ phần chứng khoán Bảo Việt (BVSC), dịch COVID-19 tại Việt Nam đang được kiểm soát, việc tiêm chủng vắc-xin đang được triển khai, những điều này có thể kích thích hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi trở lại. Do đó, các ngân hàng đã đón đầu cơ hội bằng việc tăng lãi suất huy động để thu hút dòng vốn nhàn rỗi trên thị trường, chuẩn bị cho cuộc đua sắp tới. Tuy nhiên, các ngân hàng nhận định, mức lãi suất sẽ khó tăng cao như thời điểm năm 2019 do room tín dụng với bất động sản, chứng khoán đã được Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt.
Xem thêm: Lãi suất ngân hàng sẽ tăng từ tháng 6?
Nguyễn Dung