Loạt tỷ phú nổi tiếng thế giới kiếm tiền như thế nào trong năm 2020?
Jeff Bezos có hơn 200 tỷ USD, Stephane Bancel kiếm thêm hàng tỷ USD nhờ vaccine COVID-19, trong khi Jack Ma gặp rắc rối với giới chức Trung Quốc.
1. Elon Musk (Mỹ)
2020 là năm rất đáng nhớ của Elon Musk, khi các công ty ông điều hành đều có thành tích lớn và bản thân Musk cũng chứng kiến tài sản cá nhân tăng vọt. Năm nay, SpaceX đã phóng thành công chuyến bay thương mại đầu tiên vào vũ trụ. Nhà máy tại Thượng Hải của Tesla cũng bắt đầu giao xe cho khách Trung Quốc, đánh dấu bước tiến quan trọng của Musk trong việc chiếm lĩnh thị trường xe điện toàn cầu.
Elon Musk hiện sở hữu tài sản trăm tỷ USD. Ảnh: Reuters
Việc nhà đầu tư kỳ vọng vào tương lai xe điện đã giúp cổ phiếu Tesla liên tục tăng, vượt qua nhiều tên tuổi để trở thành hãng xe giá trị nhất thế giới. Tesla năm nay còn lập nhiều kỷ lục về số xe bán ra và lợi nhuận quý, đồng thời được đưa vào chỉ số S&P 500.
Nhờ cổ phiếu Tesla, tài sản cá nhân của Elon Musk tăng gần 130 tỷ USD. Hiện tại, ông là người giàu nhì thế giới với 157 tỷ USD.
2. Jeff Bezos (Mỹ)
Đại dịch khiến người dân phải ở nhà và dựa vào mua sắm online, khiến Amazon năm nay liên tiếp lập các kỷ lục mới. Cổ phiếu Amazon tăng gần gấp đôi năm nay, giúp tài sản của Bezos có thời điểm vượt 200 tỷ USD - cao nhất lịch sử thế giới hiện đại.
Jeff Bezos giờ chỉ sở hữu 188 tỷ USD, nhưng vẫn là người giàu nhất hành tinh. Ông hiện nắm 11,1% cổ phần trong Amazon - công ty có vốn hóa hơn 1.500 tỷ USD.
Bezos năm nay cũng rất tích cực làm từ thiện. Hồi tháng 2, ông cam kết chi 10 tỷ USD cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Ông cũng quyên góp gần 800 triệu USD cho các tổ chức môi trường hồi tháng 11.
3. Jack Ma (Trung Quốc)
Đồng sáng lập Alibaba năm nay được giới truyền thông nhắc tên khá nhiều. Jack Ma trước nay vẫn là biểu tượng thành công của Trung Quốc, khi từ một giáo viên tiếng Anh thành doanh nhân khởi nghiệp và người giàu nhất nước.
Jack Ma phát biểu tại sư kiện ở Thượng Hải hôm 24/10. Ảnh: Reuters
Năm nay lẽ ra cũng sẽ là một năm thành công nữa của Jack Ma. Ông giành lại ngôi giàu nhất thế giới hồi tháng 3. Sau đó, ông lại giúp Trung Quốc gỡ gạc hình ảnh sau đại dịch, khi tích cực đóng góp vật tư y tế cho hơn 100 quốc gia. Nhiều mảng kinh doanh phất lên trong đại dịch giúp vốn hóa Alibaba có thời điểm vượt Facebook. Đình đám nhất là kế hoạch IPO của hãng thanh toán Ant Group, có thể lớn nhất thế giới và giúp Jack Ma có thêm hơn 25 tỷ USD tài sản.
Tuy nhiên, mọi chuyện sau đó đột ngột chuyển hướng. Chỉ vài ngày trước giờ G, IPO của Ant đột ngột bị hoãn. Giới chức Trung Quốc muốn siết kiểm soát các đại gia công nghệ khi quy mô và quyền lực của các hãng này ngày càng lớn. Những lời chỉ trích của Jack Ma hồi tháng 10 về chính sách kiểm soát rủi ro tài chính đã làm Bắc Kinh càng tức giận. Jack Ma từng đề nghị cho Bắc Kinh một phần Ant Group, nhưng không thành công. Hôm 24/12, giới chức còn mở cuộc điều tra cáo buộc độc quyền với Alibaba.
4. Eric Yuan (Mỹ)
Eric Yuan năm nay 50 tuổi. Ông sinh ra tại Trung Quốc, chuyển đến Thung lũng Silicon năm 1997 sau 8 lần trượt visa.
CEO Zoom - Eric Yuan. Ảnh: Bloomberg
Sang Mỹ, ông làm việc cho Cisco Systems và WebEx, trước khi trở thành nhà sáng lập kiêm CEO Zoom - công cụ họp trực tuyến nổi lên trong đại dịch. Hãng này làm IPO năm ngoái, khi đó được định giá khoảng 9 tỷ USD. Hiện tại, vốn hóa Zoom đã lên 110 tỷ USD. Yuan hiện có tài sản 16,7 tỷ USD, theo Forbes.
Forbes mô tả Yuan là người rất bận rộn, hiếm khi đi du lịch, nhưng luôn dành thời gian cho vợ và 3 con. Ông cũng có lối sống tiết kiệm và được nhân viên yêu mến.
5. Mukesh Ambani (Ấn Độ)
Giữa năm 2020, tài sản của tỷ phú Ấn Độ Mukesh Ambani liên tiếp vượt qua các tài phiệt hàng đầu thế giới, từ CEO Tesla Elon Musk, hai đồng sáng lập Google Larry Page và Sergey Brin, ông chủ LVMH Bernard Arnault đến tỷ phú đầu tư Warren Buffett. Có thời điểm, ông trở thành người giàu thứ 4 thế giới với 80,6 tỷ USD.
Dù đế chế của Ambani cũng chịu tác động mạnh khi nhu cầu dầu thô lao dốc trong đại dịch, cổ phiếu hãng này vẫn tăng mạnh. Nguyên nhân là mảng dịch vụ kỹ thuật số của công ty nhận tiền đầu tư từ hàng loạt đại gia như Facebook và Google.
Đế chế năng lượng của Ambani đang dần chuyển sang thương mại điện tử. Các đại gia công nghệ toàn cầu đều muốn hưởng lợi từ lĩnh vực đang tăng trưởng rất nhanh này tại Ấn Độ. Gần đây, quốc gia đông dân thứ nhì thế giới được nhà đầu tư ngoại quan tâm, đặc biệt là từ Thung lũng Silicon. Google cũng cho biết sẽ chi 10 tỷ USD trong vài năm tới để giúp tăng tốc số hóa nền kinh tế này.
6. Ugur Sahin (Đức)
Ngoài các tỷ phú công nghệ, 2020 còn là năm bùng nổ của các tỷ phú vaccine. Ugur Sahin - đồng sáng lập hãng dược phẩm BioNTech - công ty phát triển vaccine Covid-19 với Pfizer hiện có tài sản 4,2 tỷ USD, theo Forbes, chủ yếu nhờ 18% cổ phần trong BioNTech. Cổ phiếu BioNTech đã tăng hơn 250% năm nay.
CEO kiêm đồng sáng lập hãng dược phẩm BioNTech Ugur Sahin. Ảnh: Bloomberg
Sahin sinh ra tại Thổ Nhĩ Kỳ, lớn lên ở Đức. Ông sáng lập BioNTech cùng vợ ông - Ozlem Tureci. Ban đầu, công ty Đức này chỉ tập trung sản xuất thuốc chữa ung thư. Tháng 1 năm nay, họ chuyển hướng sang Covid-19 sau khi đọc được thông tin về sự lây lan của dịch này tại Vũ Hán (Trung Quốc). Loại vaccine của hãng đạt hiệu quả 95% trong quá trình thử nghiệm, đã được phê duyệt sử dụng tại Anh, Mỹ, Singapore, EU, Canada.
7. Stephane Bancel (Pháp)
Stephane Bancel năm nay 47 tuổi. Ông là kỹ sư lão luyện từng làm lãnh đạo tại hãng dược phẩm Eli Lilly và bioMerieux. Hiện tại, ông là CEO hãng dược phẩm Moderna Therapeutics - công ty đầu tiên thử nghiệm vaccine Covid-19 trên người vào tháng 3 năm nay.
Bancel hiện sở hữu 9% cổ phiếu công ty này, tương đương trị giá 4,1 tỷ USD, theo Bloomberg. Moderna điều chế các loại thuốc và vaccine trên công nghệ mRNA. "Nếu Moderna sử dụng các công nghệ phát triển vaccine truyền thống, hiện tại có lẽ công ty vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, thậm chí không thể bắt đầu sản xuất như những gì đang đạt được", Bancel cho biết Business Insider.
Bancel tạo dựng cho công ty văn hóa nghiêm túc và khắc nghiệt. Ông luôn đưa ra những nhận xét phê bình nghiêm khắc và sắc bén dành cho cấp dưới. Các nhân viên hoặc là làm tốt lên hoặc là phải rời công ty dưới quyền điều hành của Bancel.
Xem thêm: Vợ cũ tỷ phú Amazon lọt top 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới 2020 nhờ động thái đáng nể hậu ly hôn
Theo VnExpress