Lời khai các bị cáo không trùng khớp, tòa trả hồ sơ vụ xăng giả Trịnh Sướng
Chiều 20/4, TAND tỉnh Đắk Nông quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ án Trịnh Sướng và đồng phạm sản xuất xăng giả. Theo thẩm phán, chủ tọa phiên tòa Lương Đức Dương, tòa trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung các vấn đề gồm: khối lượng xăng giả mà các bị cáo khác phải chịu trách nhiệm hình sự và số tiền thu lợi bất chính mà các bị cáo kiếm được.
Theo cáo trạng, Trịnh Sướng bị cáo buộc cầm đầu đường dây sản xuất hơn 137 triệu lít xăng giả, tương đương với số lượng hàng thật trị giá hơn 2.400 tỷ đồng.
Cáo trạng nêu rõ, từ năm 2017 đến ngày 30/5/2019, Trịnh Sướng (Giám đốc Cty TNHH Mỹ Hưng, chuyên nghề kinh doanh chính mua bán xăng dầu) đã thông qua Mai Trung Hậu (Nhà phân phối Thành Long), Hồ Xuân Cường (Cty TNHH Tấn Phúc - Chi nhánh Vĩnh Long) và Nguyễn Thị Hồng Thủy (Cửa hàng sơn Gia Hưng Phát) để mua dung môi của Cty cổ phần dầu khí Bình Minh (do Lưu Văn Nguyện - Chủ tịch Hội đồng quản trị).
Sau đó, Trịnh Sướng tổ chức pha chế, sản xuất ra hơn 137 triệu lít xăng giả, đã bán ra thị trường hơn 133 triệu lít xăng giả, thu lợi bất chính với tổng số tiền hơn 102 tỉ đồng. Tại phần tranh luận, số tiền bị cáo buộc thu lợi bất chính của Trịnh Sướng là hơn 106 tỷ đồng.
Các bị cáo nghe HĐXX công bố quyết định trả hồ sơ vụ án
Tại phần bào chữa, luật sư của Trịnh Sướng cho rằng cáo trạng quy buộc bị cáo Sướng thể hiện là 42.847 lít xăng có chất lượng không phù hợp quy định đối với xăng E5 RON 92 nhưng không nhắc đến việc số lượng này phù hợp quy định đối với xăng không chì RON 95 mức 4. Do đó, 42.847 lít xăng này không phải là hàng giả. Từ đó, luật sư đề nghị rút truy tố với Trịnh Sướng về số lượng xăng này.
Luật sư phân tích, số lượng xăng giả mà VKS cáo buộc đối với Trịnh Sướng hơn 137 triệu lít là không chính xác. Theo luật sư, tổng lượng dung môi Trịnh Sướng mua vào là hơn 134 triệu lít.
Tổng số lượng xăng giả mà Trịnh Sướng phải chịu trách nhiệm chính là số dung môi cộng với số xăng thật đã pha vào dung môi (hơn 134 triệu lít dung môi và 889.550 lít xăng thật được pha trộn làm xăng giả), tức chỉ hơn 135 triệu lít xăng giả, chứ không phải hơn 137 triệu lít như VKS đã cáo buộc.
Tại phần xét hỏi thêm chiều 20/4, Trịnh Sướng khai, số lượng 137 triệu lít bao gồm xăng nền (xăng thật), các loại dung môi và hóa chất để sản xuất 2 loại xăng A95 và E5 RON 92; tỉ lệ pha chế xăng giả chủ yếu là 50/50 (tức 50% xăng nền, 50% các loại dung môi, hóa chất).
Lời khai này khác với phiên tòa ngày 9/4, Sướng khai tỉ lệ 40% xăng nền và 60% là dung môi, hóa chất và khẳng định chất lượng xăng đạt 90%. Những người làm thuê cho Sướng cũng thay đổi lời khai về tỉ lệ pha trộn xăng so với thời điểm làm việc với cơ quan điều tra.
Một vấn đề không trùng khớp khác đó là số tiền thu lợi bất chính của đường dây làm xăng giả. Luật sư phân tích, cáo trạng truy tố mức thu lợi bất chính của Trịnh Sướng là 800 đồng/lít xăng giả. Tuy nhiên, Trịnh Sướng khai mức lợi nhuận 800 đồng/lít là xăng A95, 300 đồng/lít là xăng A92 và E5 nên mức thu lợi trung bình là 520 đồng/lít xăng giả.
Xét thấy lời khai của các bị cáo có sự khác nhau, HĐXX đã tạm dừng phiên tòa, sau đó quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung làm rõ các vấn đề gồm: khối lượng xăng giả mà các bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự, số tiền thu lợi bất chính của các bị cáo trong vụ án.
Xem thêm: Đinh Chí Dũng khóc xin nhận hết tội, ông 'trùm' xăng giả Trịnh Sướng bị đề nghị 12-13 năm tù
Hà Ly