Lợi nhuận của nhóm Big4 đã vượt 1 tỷ USD
Lợi nhuận 4 ngân hàng lớn (big4) trong năm 2024 được nhiều người quan tâm. Mới đây nhất, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank - mã: CTG) vừa tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động kinh doanh năm 2024 và triển khai nhiệm vụ 2025.
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Trần Mạnh Trung, Thành viên Hội đồng Quản trị (HĐQT) kiêm Tổng Giám đốc VietinBank cho biết ngân hàng đã đạt và vượt kế hoạch lợi nhuận trong năm 2024. Tuy nhiên, con số lợi nhuận chưa được tiết lộ.
Đầu tháng 10/2024, VietinBank cũng đã chốt các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2024 với mục tiêu lợi nhuận trước thuế ngân hàng mẹ là 26.300 tỷ đồng, tăng 8,7% so với năm 2023. Theo đó, ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng tổng tài sản từ 8% - 10%, tín dụng theo hạn mức được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt theo từng thời kỳ, tỷ lệ nợ xấu dưới 1,8%.
Lãnh đạo ngân hàng cho biết năm 2024 quy mô tổng tài sản của VietinBank tăng trưởng 17%; doanh thu tăng trưởng tích cực. Trong đó, khoản thu ngoài lãi đóng góp gần 27% tổng thu nhập hoạt động với động lực chính từ các nghiệp vụ lõi bao gồm thu phí bảo lãnh, thanh toán... với tốc độ tăng trưởng phí bảo lãnh dẫn đầu toàn thị trường (đạt 35%).
Trước đó, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2025, Chủ tịch HĐQT VietinBank ông Trần Minh Bình, cho biết tính đến hết tháng 11/2024, tổng tài sản của ngân hàng ước đạt hơn 2,3 triệu tỷ đồng, tăng 14,7% so với năm 2023, tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 1%.
Đến cuối năm 2024, dư nợ tín dụng của VietinBank tăng trưởng 16,88% so với năm 2023. Mức tăng trưởng tín dụng của VietinBank trong năm nay cao hơn hai đại diện còn lại trong nhóm Big4.
Bên cạnh đó, tổng nguồn vốn huy động đạt 1,8 triệu tỷ đồng, tăng 15% so với cuối năm 2023. Quy mô CASA tăng trưởng đột phá 30% so với bình quân năm 2023. Tỷ trọng CASA đạt 24,1% vào cuối năm 2024.
Trong năm qua, VietinBank đã nộp 8.600 tỷ đồng cho Ngân sách Nhà nước, tăng 33% so với năm 2023 và luôn nằm trong Top 10 Doanh nghiệp nộp Ngân sách Nhà nước cao nhất.
Sáng 10/1, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - mã: VCB) đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác Đảng và hoạt động kinh doanh năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch HĐQT, cho biết trong năm 2024 ngân hàng đã hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và đại hội đồng cổ đông giao.
Cụ thể, tính đến hết năm 2024, Vietcombank đạt tăng trưởng tín dụng 13,7%, tổng tài sản tăng 12,9% và lần đầu tiên vượt ngưỡng 2 triệu tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấy ngân hàng duy trì ở mức thấp 0,97%; tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức cao 223%.
Đặc biệt, lợi nhuận ngân hàng đã tiếp tục ghi nhận mức kỷ lục mới. Với mức kế hoạch được tiết lộ tại đại hội đồng cổ đông thường niên vào tháng 4 là 42.000 tỷ đồng, tăng 4,8% so với năm 2023, con số lợi nhuận của Vietcombank được nhận định sẽ tiếp tục dẫn đầu toàn ngành.
Cũng trong năm qua, Vietcombank đã nộp ngân sách nhà nước gần 11.600 tỷ đồng và đạt mức vốn hoá trên 21 tỷ USD.
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - Mã: BID) cũng đã công bố kết quả kinh doanh mới nhất, cho thấy các chỉ tiêu quan trọng đều đạt và vượt kế hoạch mà Ngân hàng Nhà nước và Đại hội đồng cổ đông đã giao.
Đáng chú ý, lợi nhuận trước thuế riêng ngân hàng năm 2024 ghi nhận mức 30.006 tỷ đồng (tương đương hơn 1,1 tỷ USD), tăng trưởng 12,4% so với năm trước đó. Các chỉ số sinh lời và an toàn tài chính được duy trì ổn định, với ROA đạt 1,02%, ROE đạt 19,09% và hệ số an toàn vốn (CAR) đạt 8,6%.
Bên cạnh đó, các công ty con, liên doanh và liên kết của BIDV cũng duy trì hiệu quả kinh doanh ổn định. Lợi nhuận trước thuế từ khối công ty con đạt 1.253 tỷ đồng, trong khi khối liên doanh và liên kết đóng góp 1.362 tỷ đồng. Như vậy, tổng lợi nhuận hợp nhất của BIDV trong năm 2024 được ước tính vượt 31.000 tỷ đồng.
Tổng tài sản của khối ngân hàng thương mại tính đến cuối năm 2024 đạt gần 2,7 triệu tỷ đồng (tương đương hơn 100 tỷ USD), tăng trưởng 19,4%, duy trì vị thế là ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô tài sản lớn nhất tại Việt Nam.
Tổng nguồn vốn huy động đạt 2,14 triệu tỷ đồng, tăng 13,1%, trong khi dư nợ tín dụng đạt hơn 2,01 triệu tỷ đồng, tăng 15,3%, chiếm 13,1% thị phần tín dụng, dẫn đầu thị trường.
Chất lượng tín dụng được quản lý chặt chẽ với tỷ lệ nợ xấu kiểm soát ở mức 1,3%, đáp ứng mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 133%, phản ánh khả năng kiểm soát rủi ro hiệu quả của ngân hàng.
Vốn chủ sở hữu của BIDV đạt 136.320 tỷ đồng, tăng 18,4% so với năm trước. Giá trị vốn hóa thị trường của ngân hàng đạt 259.000 tỷ đồng, tăng trưởng 4,6%, tiếp tục nằm trong top 3 doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Năm 2024, BIDV hoàn tất tăng vốn điều lệ lên mức 68.975 tỷ đồng, đồng thời nộp ngân sách nhà nước 9.412 tỷ đồng, thuộc nhóm doanh nghiệp dẫn đầu về nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.
Trước đó, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) cũng đã công bố kết quả kinh doanh sơ bộ cho năm 2024. Trong đó, lợi nhuận trước thuế năm 2024 tăng hơn 8% so với năm trước đó, ước đạt 27.927 tỷ đồng.
Tính đến ngày 31/12/2024, tổng tài sản của Agribank đạt hơn 2,2 triệu tỷ đồng, tăng thêm 200.000 tỷ đồng, tương ứng mức tăng trưởng 10% so với năm trước. Dư nợ tín dụng cũng ghi nhận mức tăng đáng kể, vượt 1,72 triệu tỷ đồng, tăng thêm hơn 170.000 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 11%. Song song đó, huy động vốn của ngân hàng vượt mốc 2 triệu tỷ đồng, tăng hơn 140.000 tỷ đồng, tương ứng mức tăng trưởng 7,5%.
Tỷ lệ nợ xấu nội bảng giảm còn 1,56%, đảm bảo theo định hướng kiểm soát rủi ro của ngân hàng. Ngân hàng cũng đã xử lý gần 138.000 tỷ đồng nợ xấu trong giai đoạn từ 2021 đến 2024 và đặt mục tiêu giảm tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống dưới 1% vào năm 2025. Trong năm qua, Agribank đã nhận được khoản bổ sung 17.100 tỷ đồng vốn điều lệ từ ngân sách nhà nước, nâng tổng vốn điều lệ lên 51.600 tỷ đồng.