Lợi nhuận DN phục hồi sẽ hỗ trợ đà tăng VN-Index nửa cuối năm, cơ hội tập trung vào nhóm vốn hóa lớn?

Diên Vỹ 16:35 | 15/08/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Ở kịch bản tích cực, mức tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp theo dự phóng BSC có thể đạt khoảng 6,0% trong năm nay. Tuy nhiên nếu loại trừ ngành hàng không, tăng trưởng lợi nhuận dự kiến chỉ khoảng 2,6%.

 

Tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường có thể đạt 6% trong kịch bản tích cực

Trong báo cáo triển vọng ngành quý III/2023 vừa cập nhật gần đây, Chứng khoán BSC lần nữa khẳng định quan điểm VN-Index đã tạo đáy và đang dần bước vào chu kỳ hồi phục, thể hiện qua hàng loạt con số: thanh khoản giao dịch bình quân VN-Index tăng lên mức khoảng 17-18 nghìn tỷ đồng/phiên, so với mức 10-12 nghìn tỷ/ phiên giai đoạn quý I. Số lượng tài khoản mở mới trong tháng 7 đã hồi phục mạnh so với quý I/2023, lên mức cao nhất trong vòng 11 tháng gần nhất, thể hiện sự quan tâm trở lại của khối nhà đầu tư cá nhân. 

Về phía khối ngoại, sau khi giá trị giao dịch ròng khối này chững lại trong quý II, đà bán ròng đã có phần chậm lại trong tháng 7 khi thị trường phục hồi đáng kể so với thời điểm đáy hồi quý III năm ngoái. Mặc dù các nhà đầu tư ngoại cho thấy động thái trung tính trong giao dịch mua/bán, nhóm phân tích vẫn cho rằng sân chơi hiện nay đã được nhường lại cho các nhà đầu tư trong nước và đây cũng là nhóm dẫn dắt xu hướng tăng điểm trong quý II vừa qua.

Cùng đó, dù tăng trưởng lợi nhuận quý II toàn thị trường tiếp tục ghi nhận đà sụt giảm -16,9% so với cùng kỳ, tuy nhiên đà giảm đã có dấu hiệu chậm lại so với quý I (-19,6%). Tổng lợi nhuận các doanh nghiệp VN-Index trong quý II/2023 đạt khoảng 77.401 tỷ đồng tỷ đồng (-16,9% so với cùng kỳ). 

 Tăng trưởng lợi nhuận quý II/2023 toàn thị trường tiếp tục ghi nhận đà sụt giảm -16,9% so với cùng kỳ, tuy nhiên đà giảm đã có dấu hiệu chậm lại so với quý I/2023 (-19,6%) và quý IV/2022 (-31,7%). Nguồn: BSC Research.

Nhìn sâu vào bức tranh, có thể thấy rõ sự phân hóa về mặt hiệu suất lợi nhuận ở một số nhóm ngành nghề. 

Chẳng hạn, một số ngành đóng góp tỷ trọng lớn vào mức sụt giảm của toàn thị trường bao gồm Điện nước, xăng dầu khí đốt (chiếm 7,4% và giảm 39,1% svck), thực phẩm đồ uống (chiếm 4,4%, giảm 49%), hóa chất (chiếm 3%, giảm 65%), dịch vụ tài chính (chiếm 1,7%, giảm 62,1%), bán lẻ (chiếm 0,2%, giảm 8,5%), hàng cá nhân – gia dụng (chiếm 1,3%, giảm 24,7%). Nguyên nhân sụt giảm đến từ các yếu tố như mức nền lợi nhuận cao của cùng kỳ năm ngoái, giá hàng hóa sụt giảm và sức mua tiêu dùng yếu hơn trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chậm lại. 

Ngược lại, một số ngành ghi nhận điểm sáng tích cực với tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng như Dịch vụ tài chính (chiếm 1,7%, tăng 638,4%, chủ yếu do nhóm chứng khoán), Bất động sản (chiếm 17,5%, tăng 156,8%, chủ yếu do VHM, VRE và VIC ghi nhận lợi nhuận tốt), Hàng không (chiếm 2,8%, tăng 40,4%), Bảo hiểm (chiếm 0,9%, tăng 72,4%).

Về xu hướng thị trường trong nửa cuối năm, Chứng khoán BSC nhận định với dư địa hạ lãi suất thêm 1 lần nữa trong nửa cuối năm đi kèm với việc kỳ vọng lợi nhuận 2024 sẽ ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể do mức nền 2023 thấp, thị trường sẽ có động lực tiếp tục đi lên trong nửa cuối năm 2023 và 2024 về mặt điểm số và thanh khoản. Theo đó, nhóm phân tích cho rằng xu hướng dịch chuyển kênh đầu tư sẽ tiếp tục diễn ra trong môi trường lãi suất thấp và kỳ vọng việc kinh tế dần phục hồi.

Cùng đó, BSC cho rằng lợi nhuận đã tạo đáy trong nửa đầu năm 2023, kỳ vọng phục hồi trong nửa cuối năm 2023 do mức nền lợi thấp trong quý III và quý IV năm ngoái. “Chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận nửa cuối năm sẽ khả quan hơn nửa đầu năm trong bối cảnh (1) Xu hướng hạ lãi suất, (2) Các chính sách hỗ trợ tháo gỡ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, báo cáo nêu rõ.

Theo đó, ở kịch bản tích cực, mức tăng trưởng lợi nhuận năm 2023 của các doanh nghiệp trong danh mục theo dõi theo dự phóng BSC có thể đạt khoảng 6,0%. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này chủ yếu đến từ việc phục hồi lợi nhuận của nhóm ngành hàng không. Theo đó, nếu loại trừ ngành hàng không, tăng trưởng lợi nhuận dự kiến chỉ tăng khoảng 2,6%. "Chúng tôi lưu ý tăng trưởng lợi nhuận 2 quý cuối năm 2023 sẽ khả quan hơn do mức nền thấp năm 2022”, báo cáo nhận định.

Tăng trưởng lợi nhuận 2024 dự kiến kỳ vọng ghi nhận mức tăng tích cực 21% so với mức nền thấp 2023 (20,5% nếu loại trừ ngành hàng không). 

 Ở kịch bản tích cực, mức tăng trưởng lợi nhuận theo ngành của các doanh nghiệp trong danh mục theo dõi của BSC có thể đạt khoảng 6,0% trong 2023 và 21% trong 2024. Nguồn: BSC Research.

 

Cơ hội mở ra trong trung hạn, nhóm cổ phiếu nào được khuyến nghị?

Cũng theo nhận định của Chứng khoán BSC, sự suy giảm tăng trưởng lợi nhuận trong quý II vừa qua đã khiến cho định giá thị trường ít hấp dẫn hơn. 

Tính đến 31/7/2022, sau mùa báo cáo KQKD quý II, VN-Index đang giao dịch ở mức P/E trailing khoảng 15,1 lần, tiệm cận mức bình quân 5 năm (15,3 lần). Điều này khiến cho định giá thị trường trong ngắn hạn trở nên ít hấp dẫn hơn. 

Mặc dù vậy, như đã đề cập, trong trung hạn với việc kỳ vọng lợi nhuận dự kiến dần phục hồi trong các quý còn lại của năm, nhóm phân tích dự báo định giá thị trường sẽ dần được điều chỉnh lại ở mức hấp dẫn hơn là 13,8 lần (với giả định điểm số thị trường cố định ở mức giá ngày 31/07/2022).

Định giá nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ không còn rẻ, đặc biệt sau kết quả kinh doanh quý I. Trong bối cảnh dòng tiền quý II tương đối co hẹp lại, nhóm vốn hóa vừa và nhỏ duy trì hiệu suất tương đối tích cực khi phù hợp với khẩu vị của nhiều nhà đầu tư. Tuy nhiên, theo BSC, dòng tiền có vẻ đang bắt đầu luân chuyển sang các cổ phiếu lớn khi định giá của nhóm ngành này vẫn còn ở vùng hấp dẫn, đặc biệt diễn ra trong tháng 6 và tháng 7. 

“Chúng tôi cho rằng, trong giai đoạn cuối năm 2023, với việc nhiều nhóm ngành đã có mức tăng đáng kể, thị trường sẽ có tính phân hóa sâu sắc và việc lựa chọn cổ phiếu sẽ đặt lên ưu tiên. Chúng tôi tiếp tục duy trì ưa thích đối với nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn với các ưu thế (1) Đứng đầu ngành, (2) Tài chính ổn định và (3) Khả năng giành thêm thị phần nhờ ưu thế về quy mô đi kèm với mức định giá đã được chiết khấu tương đối so với thị trường. Ngoài ra, cơ hội cũng sẽ đến với những nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ có câu chuyện tăng trưởng riêng”, báo cáo nhấn mạnh.

 

 Nguồn: BSC Research

 

Cụ thể hơn, nhóm phân tích chỉ ra rằng tính đến 31/7/2023, một số ngành hiện tại vẫn duy trì định giá hấp dẫn trong năm 2024FW hơn so với quá khứ bao gồm Ngân hàng, Bất động sản, Dầu khí , Tiện ích, Công nghiệp, F&B. Một số nhóm ngành có định giá cao hơn quá khứ chủ yếu là nhóm cổ phiếu bị ảnh hưởng mạnh về triển vọng lợi nhuận 2023 như dệt may, nguyên vật liệu, xây dựng, cảng biển và dịch vụ hàng không. BSC nhấn mạnh, triển vọng của nhóm trên có được cải thiện hay không sẽ phụ thuộc nhiều vào tốc độ phục hồi kinh tế trong nửa cuối năm 2023 và năm 2024.