MAS khuyến nghị loạt cơ hội đầu tư từ 7 nhóm ngành tiềm năng trong nửa cuối năm
Theo đó, MAS dự báo VN-Index có khả năng duy trì xu hướng tăng, nhắm đến phạm vi 1.320 – 1.340 điểm, tương ứng với tỷ lệ P/E trung bình 10 năm; dù động lực thúc đẩy tăng trưởng dự kiến sẽ kém mạnh mẽ hơn, với hành động giá có khả năng sẽ dao động trong biên độ lớn, dẫn đến một chu kỳ đi ngang và tích lũy.
Tuy nhiên, thị trường sẽ cần có những câu chuyện mới để hiện thực hóa vùng giá mục tiêu này.
Trong danh mục khuyến nghị cho nửa cuối năm, MAS điểm qua 7 nhóm ngành tiềm năng.
Ngân hàng: Chọn lọc cơ hội đầu tư
Mặc dù nhận định triển vọng ngành ngân hàng vẫn còn nhiều ẩn số, các chuyên gia MAS cho rằng vẫn có nhiều cơ hội đầu tư đối với nhóm ngành này.
Những thay đổi mới trong Luật đất đai cho thấy rào cản tham gia thị trường BĐS đối với các doanh nghiệp mới dần trở nên khó khăn hơn. Do đó, các ngân hàng có quan hệ đối tác chặt chẽ với các nhà phát triển BĐS có lợi thế hơn trong tăng trưởng tín dụng đối với mảng khách hàng cá nhân (cho vay mua nhà) cả ngắn hạn và trung hạn như TCB, HDB, MBB và VPB.
Ngoài ra, khả năng tăng lãi suất dự kiến dẫn đến chi phí tín dụng cao hơn trong các quý tới, trong khi các ngân hàng vốn đã làm quen với chi phí tín dụng cao trong giai đoạn từ năm 2020, được kỳ vọng sẽ không có quá nhiều biến động như VPB và VIB. Hai ngân hàng này còn có thêm lợi thế từ nền lợi nhuận thấp và định giá tương đối hấp dẫn, cũng là một cơ hội đầu tư đáng xem xét.
Bất động sản dân cư: Giao dịch ổn định và có khả năng mở rộng
Trong quý I/2024, nguồn cung trên thị trường sơ cấp ở phân khúc căn hộ và đất nền có diễn biến trái ngược. Nguồn cung căn hộ chung cư có xu hướng sụt giảm chung, trong khi nguồn cung đất nền gia tăng.
Tổng số lượng giao dịch khá ổn định và mở rộng trong 4 quý gần nhất. Tính riêng quý I/2024, phân khúc căn hộ và nhà riêng ghi nhận lượng giao dịch tăng 30% so với quý IV/2023 dù giảm 8% so với cùng kỳ, trong khi phân khúc đất nền ghi nhận lượng giao dịch tăng 20% so với quý IV/2023 và tăng 45% so với cùng kỳ. Hàng tồn kho tăng 41% theo quý.
Nguồn cung căn hộ TP.HCM giảm mạnh trong quý I/2024, trong khi Hà Nội chứng kiến xu hướng trái chiều và giá tăng khả quan.
Bất động sản thương mại: Kỳ vọng từ thu nhập cho thuê và giá trị BĐS tiếp tục tăng trưởng
Tiếp tục xu hướng cải thiện từ những tháng cuối 2023, doanh số bán lẻ tại Việt Nam ghi nhận mức tăng 9,5% cùng kỳ trong tháng 5/2024, đi kèm với chính sách giảm thuế VAT 2%.
Theo JLL, tại Hà Nội, tỷ lệ trống trong quý I/2024 tại các trung tâm thương mại ở khu vực nội thành (CBD) đã giảm đáng kể xuống còn 1,7% (giảm 3,1 điểm % svck). Đối với các TTTM ngoài trung tâm, tỷ lệ trống giảm nhẹ về mức 11%. TP.HCM thể hiện sự ổn định với tỷ lệ trống là 4,7% ở khu vực trung tâm, trong khi các khu vực ngoài trung tâm có tỷ lệ trống gần 10%.
Trong bối cảnh Việt Nam có mức diện tích bán lẻ bình quân đầu người thấp hơn so với các quốc gia trong khu vực, MAS kỳ vọng thu nhập cho thuê và giá trị bất động sản sẽ tiếp tục tăng trưởng. Trong quý I/2024, Vingroup đã công bố việc thoái vốn khỏi Vincom Retail, với giá trị giao dịch đạt mức ấn tượng 39.100 tỷ đồng.
Dầu khí: Viễn cảnh sáng cho nhóm thượng nguồn
PVN dự kiến vốn đầu tư cho hoạt động E&P là 1,1 tỷ USD trong 2024, tăng gấp đôi so với cùng kỳ và vốn dự kiến sẽ tăng mạnh hơn nữa khi các dự án tiến triển. Nhiều dự án mới gần đây có chuyển biến đáng kể như Lạc Đà Vàng, Lô B, mở rộng mỏ Bạch Hổ. Sự phát triển này là tín hiệu tích cực cho các nhà cung cấp dịch vụ thượng nguồn, bao gồm các nhà thầu EPCI, giàn khoan và các đơn vị dịch vụ khác.
Bên cạnh đó, việc phát triển năng lượng LNG và điện gió ngoài khơi cũng đang thể hiện bức tranh tươi sáng cho các nhà cung cấp dịch vụ thượng nguồn tham gia xây dựng.
Về trung nguồn, PVGAS là công ty chiếm ưu thế trong mảng LNG với vốn đầu tư dự kiến cho trung tâm LNG là 50 nghìn tỷ đồng đến 2030.
Thép: Triển vọng phân hóa theo nội tại doanh nghiệp
Nhóm phân tích MAS nhận định con đường phía trước sẽ không quá suôn sẻ đối với tất cả doanh nghiệp vì vẫn còn những thách thức về nhu cầu trong nước, sự thay đổi bối cảnh cạnh tranh (thị phần) và những bất ổn về nhu cầu toàn cầu (tình trạng dư cung của Trung Quốc). Giá cổ phiếu thép gần như đã đạt mức đỉnh của năm 2023, được xúc tác bởi kỳ vọng phục hồi của ngành.
Trong khi sản lượng sản xuất của HSG, NKG và HPG đã được cải thiện nhiều so với đáy năm 2023, riêng HPG có khả năng tăng trưởng công suất cao thông qua Khu liên hợp Dung Quất 2 đang phát triển.
Khi ngành hướng đến giai đoạn hiện thực hóa lợi nhuận kỳ vọng, nhóm phân tích đánh giá rằng diễn biến giá cổ phiếu trong ngắn hạn sẽ phụ thuộc nhiều vào khả năng cải thiện lợi nhuận của riêng mỗi công ty.
Về dài hạn, HPG có thể được tái định giá để phản ánh tiềm năng từ việc mở rộng Dung Quất 2. So với các công ty trên thế giới, cổ phiếu thép Việt Nam đang giao dịch ở mức hợp lý.
Năng lượng điện: Vào mùa cao điểm
Với mức gia tăng tiêu thụ điện, theo Quyết định số 924/QĐ-BCT ban hành ngày 19/4/2024, Bộ Công Thương đã điều chỉnh tổng sản lượng điện năm 2024 lên 310,6 tỷ kWh (+10,6% so với cùng kỳ), trong đó mùa khô là 150,9 tỷ kWh và mùa mưa là 159,6 tỷ kWh.
5 tháng đầu năm 2024, sản lượng điện sản xuất lũy kế toàn hệ thống đạt 124,25 tỷ kWh, tăng 12,2% so với cùng kỳ. Số liệu 5 tháng phản ánh những thay đổi đáng kể trong cơ cấu năng lượng, chịu ảnh hưởng chủ yếu từ yếu tố thời tiết: thủy điện (-24,4% so với cùng kỳ), điện khí (-12,1%), điện than (+38,7%) và năng lượng tái tạo (+7,4%).
Theo Tổng cục Khí tượng và Thủy văn Việt Nam, hiệu ứng El Nino sẽ tiếp tục diễn ra, nhưng suy yếu dần và chuyển sang trạng thái trung tính từ tháng 6/2024, với xác suất 70-85%. Từ tháng 7/2024, La Nina được dự báo sẽ xảy ra với xác suất 60-85%.
Do vậy, các chuyên gia MAS kỳ vọng nhiệt điện than sẽ tận dụng điều kiện thời tiết thuận lợi trong 6 tháng đầu năm 2024, trong khi hoạt động thủy điện dự kiến bắt đầu cải thiện từ quý III/2024.
Viễn thông: Tìm động lực tăng trưởng mới
Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông (MIC) cho thấy doanh thu từ dịch vụ viễn thông đang chậm lại và đạt điểm bão hòa. Năm 2023, tổng doanh thu dịch vụ viễn thông ước đạt 139,26 nghìn tỷ đồng, chỉ tăng 0,41% so với năm 2022.
Việc tìm kiếm các động lực tăng trưởng mới cho các nhà khai thác viễn thông là một ưu tiên quan trọng trong những năm tới. Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, các nhà mạng viễn thông truyền thống có thể chuyển từ hạ tầng viễn thông truyền thống sang hạ tầng kỹ thuật số. Cơ hội cho các nhà khai thác viễn thông có thể được tìm thấy trong việc thúc đẩy các dịch vụ và sản phẩm mới trong cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, 5G, AI, chip bán dẫn và dịch vụ chuyển đổi số, an ninh mạng.