Lợi nhuận doanh nghiệp cá tra lao dốc trong quý 3/2020

17:58 | 21/10/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng mạnh đến ngành thủy sản thế giới, khiến cho việc tiêu thụ giảm và xu hướng thay đổi, đơn đặt hàng giảm 35 – 50%.
Cá tra là mặt hàng thủy sản chịu ảnh hưởng năng nề nhất với kim ngạch xuất khẩu giảm hơn 31% trong nửa đầu năm. Với lượng đặt hàng mới yếu, lượng tồn kho cao và giá xuất khẩu thấp khiến lợi nhuận của các doanh nghiệp cũng lao dốc nhanh.
 

Vĩnh Hoàn giữ vững doanh số, lợi nhuận quí III giảm 31%

 

CTCP Vĩnh Hoàn (Mã: VHC) vừa công bố báo cáo tài chính quí III với doanh thu đạt 1.800 tỉ đồng, giảm nhẹ 4% so với cùng kì quí III/2019.
 
Trong quí III, doanh thu giảm nhưng chi phí giá vốn hàng bán tăng 4% lên 1.570 tỉ đồng khiến lợi nhuận gộp giảm 38%, tương ứng giảm 141 tỉ đồng so với cùng kì; biên lợi nhuận gộp theo đó giảm từ 19,7% năm ngoái xuống 12,7% quí III năm nay.
 
Lợi nhuận doanh nghiệp cá tra lao dốc trong quý 3/2020 - ảnh 1
 
Kết quả kinh doanh của CTCP Vĩnh Hoàn (Mã: VHC) quí III/2020 (Nguồn: BCTC quí III/2020 VHC)
 
Sau khi trừ đi các chi phí, VHC ghi nhận lãi sau thuế công ty mẹ chỉ đạt 175 tỉ đồng, giảm 31%. Lãnh đạo CTCP Vĩnh Hoàn cho biết, lợi nhuận công ty giảm so với cùng kì năm trước chủ yếu do giá bán giảm so với cùng kì.Lũy kế 9 tháng đầu năm, Vĩnh Hoàn ghi nhận doanh thu thuần đạt 5.093 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế 552 tỉ đồng, lần lượt giảm 11% và 44% so với cùng kì. Thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) 4 quí đạt 4.128 đồng.
 
Năm 2020, VHC đề ra kế hoạch doanh thu thuần đạt 8.600 tỉ đồng, lãi ròng đạt 1.063 tỉ đồng nếu ở mức cao và trường hợp mức thấp, VHC dự đạt doanh thu và lãi ròng lần lượt là 6.450 tỉ đồng và 800 tỉ đồng.Như vậy, qua 9 tháng, VHC đã hoàn thành 59% và 52% kế hoạch doanh thu và lãi ròng trường hợp mức cao; lần lượt đạt 79% và 69% kế hoạch doanh thu và lãi ròng trường hợp mức thấp.
 
Báo cáo cập nhật mới đây của Vĩnh Hoàn cũng cho biết, trong tháng 9/2020, tổng doanh thu tăng lên 3% so với cùng kì chủ yếu do sản phẩm phụ (tăng 222%) và hàng giá trị gia tăng từ cá tra và basa (tăng 39%). Riêng sản phẩm cá tra và dòng sản phẩm chăm sóc sức khỏe lần lượt giảm 13% và 26% so với cùng kì.
 
Việc trung tâm R&D Vĩnh Hoàn Collagen đi vào hoạt động từ tháng 10/2020, tập trung phát triển những sản phẩm Vinh Wellness dự kiến sẽ góp phần tăng lợi nhuận của công ty trong năm 2021.
Tính đến ngày 30/9/2020, tổng tài sản của VHC ghi nhận 7.007 tỉ đồng, tăng 395 tỉ đồng so với đầu năm. Trong đó các khoản phải thu ngắn hạn và hàng tồn kho chiếm 42% cơ cấu. Về nguồn vốn, vốn chủ sở hữu chiếm đến 77%, trong nợ phải trả, phần lớn là nợ ngắn hạn là 1.619 tỉ đồng.
 

CTCP Nam Việt báo lãi chỉ bằng 1/4 cùng kì

 

Kết thúc 9 tháng đầu năm 2020 mặc dù ANV đã hoàn thành được hơn 83% mục tiêu về doanh thu nhưng mới hoàn thành 58% mục tiêu về lợi nhuận. Công ty Cổ phần Nam Việt (mã CK: ANV) đã công bố BCTC quý 3/2020 với doanh thu và lợi nhuận giảm mạnh so với cùng kỳ.
 
Theo đó doanh thu thuần trong kỳ đạt hơn 808 tỷ đồng giảm 28,3% so với cùng kỳ, giá vốn hàng bán chiếm tới 87% trong doanh thu thuần nên lợi nhuận gộp đạt 107 tỷ đồng giảm tới hơn 1 nửa so với cùng kỳ. Biên lãi gộp tương ứng đạt 13%, trong khi quý 3/2019 đạt 21%. Doanh thu từ hoạt động tài chính giảm 38% xuống còn 8,5 tỷ đồng chủ yếu do giảm lãi tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn, trong khi đó chi phí tài chính lại chỉ giảm 16% so với cùng kỳ do giảm lỗ chênh lệch tỷ giá phát sinh.
 
Lợi nhuận doanh nghiệp cá tra lao dốc trong quý 3/2020 - ảnh 2
 
Kết quả kinh doanh của CTCP Nam Việt (Mã: ANV) quí III/2020 (Nguồn: BCTC quí III/2020 ANV).
 
Trong kỳ ANV ghi nhận khoản lãi khác 1,7 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 2,8 tỷ đồng. Sau khi giảm trừ các khoản chi phí thuế, ANV ghi nhận lãi sau thuế 40 tỷ đồng, giảm mạnh 74% so với cùng kỳ tương đương EPS đạt 315 đồng. Phía công ty cho biết do ảnh hưởng của dịch Covid 19 nên giá bán giảm cũng như doanh thu bán hàng giảm nên đã dẫn đến kết quả lợi nhuận giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.Lũy kế 9 tháng đầu năm 2020, ANV đạt 2.503,6 tỷ đồng doanh thu thuần, LNST đạt 115,5 tỷ đồng lần lượt giảm 19% và 77% so với 9 tháng đầu năm 2019, EPS cũng giảm mạnh từ 3.985 đồng xuống còn 909 đồng.
 
Trung Quốc trở thành thị trường số 1 của ngành cá tra trong nước. Tuy nhiên dịch Covid-19 bùng phát đã dẫn đến xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc giảm một nửa so với cùng kỳ. Năm 2020 ANV đặt mục tiêu doanh thu đạt 3.000 tỷ đồng và LNST đạt khoảng 200 tỷ đồng, theo đó kết thúc 9 tháng đầu năm 2020 mặc dù đã hoàn thành được hơn 83% mục tiêu về doanh thu nhưng mới hoàn thành 58% mục tiêu về lợi nhuận.
 

Thị trường xuất khẩu cá tra dần khởi sắc.

 

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), tính đến hết tháng 9, tổng giá trị xuất khẩu cá tra đạt 1 tỉ USD, giảm 28,6% so với cùng kì năm trước. Riêng tháng 9, giá trị xuất khẩu đạt 129 triệu USD, giảm 17,6% so với cùng kì năm 2019.9 tháng đầu năm nay, Trung Quốc - Hồng Kông và Mỹ vẫn là hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của doanh nghiệp cá tra Việt Nam, chiếm 50% tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang 133 thị trường.
 
Cho dù vẫn chiếm tỉ trọng cao, nhưng giá trị xuất khẩu sang thị trường Mỹ vẫn chưa hồi phục và ổn định trở lại sau Covid-19. Còn với thị trường Trung Quốc - Hồng Kông, kể từ cuối tháng 9 và đầu tháng 10, hoạt động xuất khẩu đã tấp nập trở lại. 
 
Theo thông tin từ một số doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn sang thị trường này, điều đặc biệt trong năm nay, kể cả dịp Lễ quốc khánh Trung Quốc (1/10), nhiều khách hàng vẫn còn đặt hàng. 
 
Tuy nhiên, sự khởi động lạc quan này được đánh giá mới chỉ là bước đầu, trong đó phần lớn nhu cầu tập trung ở nhóm sản phẩm cá tra size lớn từ 1,1 – 1,3 kg/con.Tính đến hết tháng 9, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường ASEAN – thị trường xuất khẩu lớn thứ 3, đạt 102,8 triệu USD, giảm 30,3%, trong đó, giá trị xuất khẩu sang ba thị trường lớn nhất khu vực là: Thái Lan, Singapore và Malaysia giảm lần lượt 27,4%; 1,4% và 25,8% so với cùng kì năm ngoái. 
 
Thị trường được đánh giá là tích cực hơn cả là Singapore trong tháng 9, giá trị xuất khẩu cũng giảm 15% so với cùng kì năm 2019. Cho tới nay, hậu COVID-19, tình hình xuất khẩu cá tra sang ASEAN vẫn chưa cân bằng trở lại. Tương tự như ASEAN, 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cá tra sang EU bấp bênh và nhiều tháng giảm sút.
 
Tổng giá trị xuất khẩu sang khu vực này đạt 98,4 triệu USD, giảm 33,8%. Trong đó, bốn thị trường nhập khẩu lớn nhất là Hà Lan và Bỉ đều giảm 27,7%; Đức giảm 35,4% và Tây Ban Nha giảm 17,2% so với cùng kì năm trước. Dự báo tới cuối năm, giá trị xuất khẩu cá tra EU tiếp tục giảm.
 
Theo Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam đang hi vọng sẽ có bước phục hồi sớm tại thị trường EU sau khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực.

 
Nguyễn Dung(t/h)