Phó Thủ tướng yêu cầu thanh tra, kiểm tra, làm rõ chi phí giá thịt lợn

07:00 | 23/10/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Giá heo hơi trong nước giảm nhiệt từ đầu tháng 8 trở lại đây. Tuy nhiên, báo chí phản ánh rằng giá thịt lợn tại các cửa hàng, siêu thị, chợ truyền thống vẫn cao, chỉ giảm nhẹ trong ít ngày gần đây.

Thanh kiểm tra làm rõ chênh lệch giá bán

Chiều 22-10, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã chủ trì cuộc họp nhằm đánh giá thực trạng chăn nuôi, tiêu thụ thịt lợn và giải pháp tăng cường quản lý, bình ổn thị trường nhằm bảo đảm quyền lợi của người chăn nuôi, người tiêu dùng, ổn định sản xuất.

Tại cuộc họp, đại diện các bộ, ngành đã thông tin từ đầu năm đến nay, giá lợn hơi liên tục giảm, đặc biệt từ tháng 9 đến nay, giá lợn hơi giảm mạnh (tháng 3, 4 giá 70.000-75.000 đồng/kg; tháng 8, 9-2021 giá còn 42.000-50.000 đồng; đến thời điểm hiện tại, dao động 35.000-45.000 đồng/kg, đặc biệt có một số địa phương giá xuống dưới 35.000 đồng/kg, 2-3 ngày vừa qua giá có tăng 2-3.000 đồng/kg).

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp. Ảnh: VGP/Đức Tuân

Trong khi đó giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, gây khó khăn cho người chăn nuôi, nhất là các hộ nông dân chăn nuôi nhỏ lẻ. Giá sản phẩm chăn nuôi nói chung và giá lợn hơi nói riêng vẫn đang ở mức thấp, người chăn nuôi vẫn thua lỗ, nguy cơ ảnh hưởng đến sản xuất, nguồn cung trong những tháng tới, đặc biệt là dịp Tết nguyên đán tới đây nếu không có giải pháp phù hợp, hữu hiệu.

Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng, mức chênh lệch giữa giá xuất chuồng và giá thành phẩm đến tay người tiêu dùng là bất hợp lý, "việc tìm ra nguyên nhân và tập trung chỉ đạo để giải quyết vấn đề này là rất cần thiết" bởi ảnh hưởng đến hàng chục triệu người dân. Vận hành theo cơ chế thị trường, tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, cần có giải pháp điều hành từ các cơ quan Nhà nước.

Phó Thủ tướng cho biết Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương sẽ khẩn trương có các giải pháp hỗ trợ tiêu thụ, dần bình ổn giá, đảm bảo lợi ích hài hoà của các bên gồm người chăn nuôi, các khâu trung gian, người tiêu dùng.

Đáng chú ý, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu phải tổ chức thanh, kiểm tra, làm rõ chi phí của từng khâu trong chuỗi giá trị, thanh kiểm tra sự chênh lệch giá bán (giữa giá thịt lợn hơi và giá bán tại chợ, siêu thị); rà soát lại việc xuất - nhập khẩu thịt lợn; kịp thời xử lý những vi phạm nếu có.

Cụ thể, theo Thương hiệu và Công luận trong sáng ngày 22/10 thì tỉnh Bắc Giang giá heo hơi giảm mạnh xuống mức 38.000 đồng/kg. Các địa phương như Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Ninh Bình, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Hưng Yên, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định giá heo hơi đồng loạt giảm 2.000 đồng/kg xuống 33.000 – 35.000 đồng/kg. Như vậy, giá lợn hơi hôm nay tại miền Bắc đang dao động trong khoảng từ 32.000 - 38.000 đồng/kg.

Giá heo hơi tại miền Trung, Tây Nguyên dao động trong khoảng 33.000 - 38.000 đồng/kg. Giá heo hơi tại miền Nam dao động trong khoảng 36.000 - 38.000 đồng/kg.

Điều này làm các chủ trang trại chăn nuôi như "ngồi trên đống lửa" bởi giá thức ăn chăn nuôi tăng cao khiến họ đối mặt với tình trạng thua lỗ. 

Trong khi đó dù giá heo đầu vào giảm nhưng tại các siêu thị Hà Nội giá thịt vẫn không thay đổi nhiều.

Cụ thể tại các chợ dân sinh ở Hà Nội, thịt ba chỉ ngon có giá 120.000 đồng/kg, thịt mông, chân giò 100.000 đồng/kg, xương cổ 40.000 - 45.000 đồng/kg. Tại siêu thị, thịt nạc vai có giá 130.000 đồng/kg, thịt đùi là 125.000 đồng/kg, sườn non là 180.000 - 190.000 đồng/kg.

Chị Bích - Tiểu thương chợ Quang (Thanh Trì- Hà Nội) cho biết: “Hiện tại giá thị trường vẫn như thời gian qua, chưa có gì thay đổi nhiều, sườn non vẫn 140.000 – 150.000 đồng/kg, thịt nạc 100.000 đồng/kg. Mọi người đi chợ vẫn chưa có ý kiến gì nhiều về giá cả thịt lợn. Tôi nghĩ thời gian tới có thể có biến động hơn”.

Ảnh minh họa

Tại phía Nam, theo VnExpress thì giá thịt heo tại các cửa hàng thực phẩm như Hà Hiền, Vissan... hạ 10-20% so với tuần trước. Giá các loại thịt heo tại cửa hàng Hà Hiền dao động 45.000-140.000 đồng một kg. Trong đó, ba rọi và sườn non có giá bán lần lượt là 110.000 đồng và 140.000 đồng một kg.

Còn tại Vissan, ba rọi rút sườn, sườn non từ 240.000 đồng nay giảm xuống 202.000 đồng một kg. Các sản phẩm khác đồng loạt hạ 20% đến hết tháng 10.

Theo Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai là những mức giá như trên vẫn cao so với giá bán tại chợ cũng như không tương xứng đà đi xuống của heo hơi. đa phần siêu thị đều lấy thịt từ các chuỗi, đơn vị chăn nuôi lớn mà ở đây "không có can thiệp trực tiếp của ngành công thương về việc phân phối, lưu thông sao cho hợp lý" nên mới xảy ra tình trạng giá thịt liên tục bị thổi cao trong những ngày gần đây. 

Giải thích về nguyên nhân giá thịt vẫn cao trong khi giá heo giảm thì một số tiểu thương cho biết: thịt lợn phải qua ít nhất 6 khâu trung gian, từ người nuôi, thương lái, người vận chuyển, lò mổ, tiểu thương nhập hàng mới đến tay người mua. Đặc biệt là thời điểm dịch bệnh, vận chuyển, tìm người lao động rất khó khăn nên giá bị đẩy lên.

Có dấu hiệu thương lái ép giá, ăn chênh lệch?

Nhiều ý kiến lý giải rằng  các thương lái phải qua nhiều bước trung gian hơn và tốn nhiều chi phí hơn so với trước. Công thêm chi phí phát sinh, thương lái buộc phải cộng thêm những khoản tiền này vào giá bán cho người tiêu dùng. Điều này khiến giá thịt vẫn "neo" ở mức cao dù giá heo hơi đã giảm sâu. 

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cũng đưa ra nhận định về người dân vẫn đang phải mua thịt heo ở mức giá cao so với đà giảm của giá heo hơi xuất pháp từ việc có quá nhiều khâu trung gian, phân phối trước khi đến tay người tiêu dùng. Tuy nhiên, ông cho rằng thịt heo ngoài chợ giảm giá có độ trễ so với biên độ giảm giá của heo hơi. 

Có thể hiểu là khâu bán lẻ đã cố giữ giá thịt heo ở mức cao thêm vài ngày khi mà giá heo hơi đã giảm để ăn chênh lệch. “Trong khoảng 1 tuần trở lại đây, giá heo ngoài chợ giảm mạnh và đây là sự giảm giá “không tự giác". Nguồn cung dồi dào mà nhu cầu không tăng, lúc này áp lực thị trường mới buộc các khâu bán lẻ mà cụ thể là tiểu thương phải giảm giá để bán được hàng", ông Phú nhận định. 

Một chuyên gia khác là Nguyễn Văn Trọng - Phó cục trưởng Cục chăn nuôi trả lời với báo chí rằng đã có dấu hiệu thương lái ép giá thịt heo công thêm việc hiện nay nhu cầu tiêu dùng của người dân giảm mạnh do giãn cách xã hội kéo dài ở 2 thành phố lớn nhất cả nước. Từ đó kéo theo heo ở chuồng cũng không tiêu thụ được nên bị tồn đọng số lượng lớn. Đặc biệt ở giai đoạn quá lứa, heo sẽ tích mỡ khiến giá thành đành phải xuống theo. 

Giờ đây, hai đối tượng chịu thiệt nhất chính là hộ chăn nuôi và người tiêu dùng. Trong khi người chăn nuôi than trời vì bị thương lái ép giá mà vẫn ế hàng thì người tiêu dùng lại đang phải trả một số tiền đắt gấp nhiều lần giá thu mua từ tay nông dân, chỉ có đối tượng đứng giữa là thương lái nhận được lợi ích. 

Do đó, theo các chuyên gia cho rằng nhà nước cần sớm kiểm soát các khâu trung gian từ thức ăn chăn nuôi do thịt lợn không phải mặt hàng bình ổn giá. Đồng thời tăng cường các đoàn kiểm tra thị trường tại các thành phố lớn, điểm bán lẻ để quản lý, từ đó đưa giá thịt lợn trở dần về mức ổn định, đặc biệt ở hệ thống siêu thị. Về lâu dài, các cơ quan quản lý ngành chăn nuôi cần tổ chức các chuỗi liên kết chân nuôi giết mổ phân phối; giảm bớt trung gian, xây dựng các chuỗi cung ứng ngắn mà các nước đã thực hiện; thiết lập các chợ đầu mối và sàn đấu giá lợn công khai minh bạch... nhằm đem lại sự trong sạch cho thị trường, hài hòa lợi ích giữa người nông và người tiêu dùng.