Luật Đặc khu đã đạt chất lượng để thu hút đầu tư

08:24 | 16/05/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Hội thảo “Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2018 đến năm 2020” diễn ra vào sáng ngày 15/5.

Tại hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã giải đáp các câu hỏi của cộng đồng doanh nghiệp về triển vọng phát triển kinh tế và môi trường đầu tư của Việt Nam hiện nay.

Trả lời câu hỏi xây dựng dự thảo Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết sẽ thành lập 3 đặc khu (Vân Đồn, Phú Quốc, Bắc Vân Phong) vào cuối năm nay và kỳ họp thứ năm, thứ sáu dự kiến Quốc hội sẽ thông qua Nghị quyết.

Luật Đặc khu đã đạt chất lượng để thu hút đầu tư - ảnh 1
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Bộ trưởng khẳng định việc thành lập 3 đặc khu là quyết tâm của Đảng, Quốc hội và Chính phủ trong việc thay đổi tư duy. Đó là sự thống nhất trong chỉ đạo chung, tạo dựng sân chơi mới, luật chơi mới, thể chế mới vượt trội, cạnh tranh so với các nước trong khu vực. Qua đó, thúc đẩy sự tăng trưởng, tạo một môi trường thu hút đầu tư trong và ngoài nước, và mang tính lan tỏa các khu vực xung quanh và toàn nền kinh tế. Đây là chủ trương có cách tiếp cận mới và có tính chủ động của Đảng, Nhà nước.

Bộ trưởng nhấn mạnh: "Chính sách tại đặc khu sẽ nhất quán, ổn định, lâu dài và có tính vượt trội nhằm giúp các nhà đầu tư yên tâm với sự cam kết của Chính phủ. Thể chế xây dựng đặc khu được xác định không trái với Hiến pháp, không ảnh hưởng đến vấn đề quốc phòng an ninh, chủ quyền quốc gia, môi trường và sức khỏe người dân".

Luật Đặc khu đã đạt chất lượng để thu hút đầu tư - ảnh 2
Việt Nam sẽ xây dựng 3 đặc khu hành chính - kinh tế (Vân Đồn, Vân Phong và Phú Quốc)

"Chúng tôi tin, với sự tham gia ý kiến của nhiều chuyên gia khoa học và nhà nghiên cứu trong nước, đến nay bộ luật này đảm bảo đạt chất lượng, thu hút được nhà đầu tư và đạt tính khả thi của các đặc khu này sau khi được Quốc hội ban hành", Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng cho biết, mục tiêu cơ bản của việc xây dựng 3 đặc khu là hình thành khu vực tăng trưởng cao, tạo môi trường sống ổn định, hiện đại, môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, đóng góp cho ngân sách nhà nước, tạo sự lan tỏa. 

 Về cách tiếp cận, xác định lợi thế so sánh trong khu vực quốc tế; đánh giá tác động trong ngắn hạn và dài hạn; tầm nhìn mang tính chiến lược và mục tiêu của các đặc khu này.

Cũng tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật Đặc khu hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc hiện đã khá hoàn thiện sau nhiều lần góp ý và chỉnh sửa.

Theo ông Phúc, dự thảo đưa ra quy định về tổ chức chính quyền đặc khu theo hai cấp Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân như các tổ chức chính quyền cấp huyện khác nhưng thẩm quyền sẽ vượt trội, đặc biệt hơn nhiều.

Một số vấn đề giải quyết đầu tư trước đây thuộc thẩm quyền của Chính phủ, cấp tỉnh thì từ nay sẽ được phân quyền cho chính quyền đặc khu.

"Nhà đầu tư sẽ không mất thời gian, lặn lội "ra Hà Nội, lên tỉnh" để xin giấy phép đầu tư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân có thẩm quyền giải quyết ngay tại chỗ, theo cơ chế một cửa", ông Phúc chia sẻ.

Ngày 14/5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã có chỉ đạo về việc xây dựng các đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt theo hướng chính quyền tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phân định rõ thẩm quyền và nhiệm vụ của các cơ quan Trung ương, cấp tỉnh và đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt, đẩy mạnh phân cấp, mạnh dạn giao quyền cho Chủ tịch UBND đặc khu, có cơ chế, chính sách để thu hút người có năng lực tới làm việc tại các cơ quan chính quyền đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt.