Thiệt hại nặng nề bởi bão Yagi, kinh tế Quảng Ninh tăng trưởng ra sao trong 9 tháng đầu năm?
Đầu tháng 9 vừa qua, cơn bão số 3 Yagi đã đổ bộ và tác động trực tiếp vào tỉnh Quảng Ninh, gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản, các hạ tầng kinh tế - xã hội và hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Theo thống kê sơ bộ của Cục Thống kê tỉnh Quảng Ninh, ước tính tổng thiệt hại trên địa bàn tỉnh là gần 25.000 tỷ đồng. Trong đó, thiệt hại về nhà ở, công trình kiến trúc, nhà xưởng, trung tâm thương mại, chợ 6.858 tỷ đồng, chiếm 27% tổng thiệt hại; lâm nghiệp 6.481 tỷ đồng, chiếm 26%; thuỷ sản 6.029 tỷ đồng, chiếm 24%; văn hoá, du lịch 2.683 tỷ đồng, chiếm 10,1%; trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ lợi 1.528 tỷ đồng, chiếm 6,1%;...
Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, tỉnh Quảng Ninh vẫn cho thấy sự phục hồi và phát triển kinh tế ấn tượng qua nhiều chỉ số tăng trưởng tích cực.
GRDP tăng 8,02%
Theo báo cáo tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh diễn ra sáng ngày 4/10, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 9 tháng của tỉnh đạt mức tăng trưởng 8,02%.
Đại diện tỉnh Quảng Ninh cho biết, mặc dù mức tăng này thấp hơn 2,07 điểm % so với cùng kỳ và thấp hơn 1,61 điểm % so với kịch bản tăng trưởng 9 tháng đầu năm nhưng đây là sự nỗ lực của toàn tỉnh trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, nhất là ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão số 3 Yagi.
Chỉ số sản xuất ngành chế biến, chế tạo tăng 28,39%
Cục Thống kê tỉnh Quảng Ninh cho biết, trong ba khu vực tăng trưởng, khu vực công nghiệp - xây dựng ít bị thiệt hại về sản xuất nhất. Theo đó, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của tỉnh 9 tháng ước tăng 9,25% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chỉ số sản xuất ngành khai khoáng giảm 5,56%; phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí giảm 0,73%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 28,39%.
Du lịch đón 2,6 triệu lượt khách quốc tế
Theo Cục Thống kê tỉnh Quảng Ninh, ảnh hưởng của bão Yagi khiến các hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh bị ngưng trệ khoảng một tuần nhưng đã nhanh chóng phục hồi ngay sau đó. Một số cơ sở lưu trú, cơ sở du lịch đã hoạt động và đón khách trở lại. Cụ thể, từ ngày 8 - 16/9, vịnh Hạ Long đã đón 18.862 lượt khách du lịch tham quan vịnh, số khách lưu trú trên vịnh là 4.169 khách.
Tính chung 9 tháng đầu năm nay, tổng khách du lịch đến Quảng Ninh ước đạt trên 15,6 triệu lượt, tăng 20% so với cùng kỳ. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 2,59 triệu lượt, chủ yếu đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Mỹ, Ấn Độ, Pháp… Tổng thu từ du lịch ước đạt 36.856 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2023.
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng gần 13%
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của tỉnh Quảng Ninh trong 9 tháng ước tăng 12,97% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hoá tăng 14%, dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 27%, dịch vụ lữ hành tăng 21% và dịch vụ khác giảm 20%.
Cục Thống kê tỉnh Quảng Ninh cho biết, do chịu ảnh hưởng nặng nề của bão số 3, giá cả hàng hoá có biến động tăng nhẹ nhưng nguồn cung hàng hoá vẫn đầy đủ, đáp ứng nhu cầu của người dân. Hiện tại, hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh đã trở lại, các chợ, siêu thị, cửa hàng mở của bình thường.
“Toàn tỉnh không có hiện tượng đầu cơ hàng hoá, tạo khan hiếm hàng hoá nhằm nâng giá, trục lợi bất hợp pháp, lợi dụng tình hình khó khăn để gây bất ổn thị trường”, Cục Thống kê Quảng Ninh khẳng định.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 5,3 triệu USD
Theo báo cáo, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp trong tỉnh ước đạt 2,57 triệu USD trong 9 tháng, tăng 13,8% so với cùng kỳ, với các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu gồm: xi măng, xơ, sợi bông, quần áo, đất hiếm,… Kim ngạch nhập khẩu đạt 2,76 triệu USD, với các sản phẩm nhập khẩu chủ yếu là: xơ, sợi các loại; máy móc thiết bị và các loại linh kiện; lúa mỳ;…
Hơn 1.300 doanh nghiệp thành lập mới
Tính chung 9 tháng năm nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 1.342 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 7,6% so với cùng kỳ và xếp thứ 6 vùng đồng bằng sông Hồng, nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh lên 11.669 doanh nghiệp. Tổng vốn đăng ký ước đạt 15.672 tỷ đồng, giảm 5,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Bên cạnh đó, trong 9 tháng qua, Quảng Ninh có 581 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trở lại, 1.461 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng và 206 doanh nghiệp giải thể.
Thu hút FDI đạt gần 1,8 tỷ USD
Tổng vốn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên địa bàn tỉnh ước đạt 1,774 tỷ USD, bằng 59,2% kế hoạch năm (kế hoạch năm đặt mục tiêu thu hút 3 tỷ USD). Trong đó, có 26 dự án đăng ký cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, đạt 1,575 tỷ USD; 17 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn, đạt 199,4 triệu USD.
Ngân sách bội thu 26.481 tỷ đồng
Trong 9 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách Nhà nước tại tỉnh Quảng Ninh ước đạt 40.417 tỷ đồng, giảm 3% so với cùng kỳ và bằng 73% dự toán tỉnh giao. Trong đó, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 13.800 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ và bằng 106% dự toán tỉnh giao; thu nội địa ước đạt 26.332 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ và bằng 62% dự toán tỉnh giao.
Tổng chi ngân sách địa phương 9 tháng ước đạt 13.935 tỷ đồng, bằng 48% dự toán. Trong đó, chi thường xuyên ước đạt 8.635 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ và bằng 58% dự toán.
Dư nợ tín dụng tăng 8,4%
Về các hoạt động tín dụng, tỉnh Quảng Ninh dự kiến đến ngày 30/9, vốn huy động tín dụng trên địa bàn đạt 215.000 tỷ đồng, tăng 4,5% so với thời điểm 31/12/2023.
Dư nợ tín dụng đến 30/9 dự kiến đạt 192.000 tỷ đồng, tăng 8,4% so với thời điểm 31/12/2023, trong đó, dư nợ cho vay thành phần kinh tế nhà nước đạt 22.815 tỷ đồng, chiếm 12%; dư nợ cho vay thành phần kinh tế ngoài nhà nước đạt 167.313 tỷ đồng, chiếm 88%.