Luật thuế thu nhập cá nhân: Mức giảm trừ gia cảnh ở đô thị phải cao hơn nông thôn

Vi Văn Di 07:15 | 30/03/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Mức thuế thu nhập cá nhân (TNCN) như hiện nay đang cho thấy nhiều điểm bất hợp lý, quá nhiều bậc, rắc rối và chưa tương xứng với mặt bằng chung thu nhập của người dân. Chuyên gia đã đưa ra ý kiến đóng góp, đặc biệt là mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế.

Bộ Tài chính đã có công văn gửi các bộ, ngành, UBND các tỉnh/thành phố lấy ý kiến về việc sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Theo đó, Bộ Tài chính yêu cầu đánh giá, góp ý theo từng nhóm vấn đề gồm: Đối tượng nộp thuế, thu nhập chịu thuế, cơ sở tính thuế, giảm trừ gia cảnh... Đây là điều mà người dân hết sức quan tâm, bởi sau hơn 10 năm có hiệu lực, Luật Thuế TNCN đã bộc lộ những bất cập cần phải thay đổi, sửa đổi bổ sung cho hợp lý.

Mức giảm trừ gia cảnh được điều chỉnh từ 9 triệu đồng lên 11 triệu đồng và mức giảm trừ cho người phụ thuộc được nâng từ 3,6 triệu đồng/người lên 4,4 triệu đồng/người từ tháng 7/2020 nhưng vẫn bị xem là lạc hậu trong bối cảnh kinh tế liên tục tăng trưởng; giá cả hàng hóa, dịch vụ tăng cao; người nộp thuế và người phụ thuộc phải trang trải rất nhiều chi phí cuộc sống.

Hơn hai năm qua, do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 khiến thu nhập của nhiều người làm công ăn lương sụt giảm mạnh, thậm chí thất nghiệp. Tuy nhiên, theo báo cáo của Tổng cục Thuế, số thuế TNCN vẫn tăng mạnh. Số thu từ thuế TNCN năm 2021 đạt khoảng 123.000 tỷ đồng, đạt 114% dự toán và tăng 6,6% so với cùng kỳ.

Nhiều ý kiến cho rằng, số thu từ thuế TNCN tăng trong bối cảnh người dân đang gặp nhiều khó khăn là rất nghịch lý. Do đó, Nhà nước cần xem xét giảm thuế TNCN cho người lao động để giúp kích cầu tiêu dùng nội địa, tạo động lực cho phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Từ những kiến nghị của Bộ Tài chính về Luật thuế TNCN sửa đổi, luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch công ty Luật SB Law nêu quan điểm, Luật Thuế thu nhập cá nhân được Quốc hội ban hành năm 2007 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2009, sau đó được sửa đổi, bổ sung năm 2012. Bên cạnh những kết quả đạt được, luật cũng bộc lộ những bất cập chưa phù hợp với thực tiễn.

Thứ nhất, theo quy định tại Điều 22 Luật Thuế thu nhập cá nhân, biểu thuế lũy tiến từng phần có tới 07 bậc với mức thuế cao nhất lên tới 35%, cao gần gấp đôi với thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp. Quy định này khiến gánh nặng thuế đối với người lao động ngày càng tăng.

Với thực tế xã hội hiện nay nhu cầu cần lực lượng lao động chuyên môn cao thì có ý kiến cho rằng thuế suất cao (30% và 35%) sẽ không khuyến khích người có trình độ kỹ thuật cao, năng lực điều hành giỏi ra sức lao động. Mức thuế cao sẽ làm giảm tính cạnh tranh nội bộ quốc gia và quốc tế trong thu hút các nhà quản lý, nhà khoa học, nhân lực, lao động có tay nghề cao vào Việt Nam làm việc.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch công ty Luật SB Law

Thứ hai, từ 01/07/2020, theo quy định tại Điều 1 Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14, mức giảm trừ gia cảnh điều chỉnh từ 9 triệu đồng lên 11 triệu đồng. Tuy nhiên, mức giảm trừ gia cảnh 11 triệu đồng trong bối cảnh, kinh tế hiện nay đã không còn phù hợp.

Đó là chưa kể mức chi tiêu ở các vùng khác nhau, chẳng hạn ở Hà Nội và TP.HCM có mức chi tiêu cao hơn hẳn khu vực nông thôn nhưng mức giảm trừ gia cảnh như nhau khiến cho người có thu nhập tại các thành phố lớn bị sức ép từ giá cả cao hơn.

Bản chất của Luật thuế thu nhập cá nhân là điều tiết những người có thu nhập cao để hạn chế tối đa sự chênh lệch giàu nghèo, củng cố nguồn thu ngân sách. Tuy nhiên, quy định hiện tại của Luật thuế thu nhập cá nhân chưa đảm bảo được điều này.

 

PGS. TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả: “Mức thuế TNCN như hiện nay không hợp lý, quá nhiều bậc, rắc rối và cao so với mặt bằng chung thu nhập của người dân. Có thể nghiên cứu giảm bậc thuế thu nhập cá nhân xuống còn 3 - 5 bậc và hạ thuế suất của các bậc xuống. Bởi quy định biểu thuế thu nhập cá nhân lũy tiến như hiện nay với 7 bậc và khoảng cách giữa các bậc thuế quá dày cộng với thuế suất cao khiến gánh nặng, áp lực lớn đối với người nộp thuế”.

Chủ tịch công ty Luật SB Law cho rằng với những bất cập về thuế thu nhập cá nhân như hiện nay, cần có một số giải pháp để sửa đổi cũng như hoàn thiện pháp luật liên quan đến vấn đề này như:

Tăng mức giảm trừ gia cảnh sao cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Hiện nay, thuế TNCN đã được giảm trừ gia cảnh, giảm trừ gia cảnh 11 triệu đồng/tháng đối với người nộp thuế và 4,4 triệu đồng/người/tháng đối với người phụ thuộc là không đủ để đảm bảo đời sống cho những gia đình có thu nhập trung bình.

Mức giảm trừ cần phải tăng lên theo tỷ lệ gia tăng của thu nhập bình quân, hoặc tỷ lệ tăng của tổng thu nhập quốc dân. Đồng thời, mức giảm trừ người phụ thuộc cũng cần nâng lên gần tương đương với người đóng thuế. Việc nâng cao mức giảm trừ gia cảnh là cơ sở quan trọng để người lao động giảm bớt gánh nặng tài chính, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Nên xây dựng luật theo hướng mở, cho phép Chính phủ được quyết tăng mức giảm trừ gia cảnh khi CPI có biến động chứ không nên đợi CPI có mức biến động quá lớn rồi mới trình Chính phủ xem xét. Quy trình này khiến quyết định được đưa vào cuộc sống có độ trễ lớn, gây thiệt thòi cho người đóng thuế.

Tăng các khoản chi được tính vào giảm trừ thu nhập chịu thuế. Số lượng các khoản chi được giảm trừ vào thu nhập chịu thuế quá ít. Người lao động chỉ có bốn khoản giảm trừ là giảm trừ gia cảnh, giảm trừ các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, giảm trừ đóng bảo hiểm bắt buộc và đóng góp quỹ hưu trí. Điều này thực tế gây ra rất nhiều gánh nặng cho người lao động.

Tình hình kinh tế xã hội hiện nay so với thời điểm ra đời Luật Thuế TNCN đã có nhiều thay đổi, trong đó có sự gia tăng về mặt bằng lương của người lao động do yếu tố trượt giá cũng như sự gia tăng quy mô của nền kinh tế, và từ đó dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng về số lượng của người dân thuộc tầng lớp trung.

Nhóm đối tượng này có xu hướng lựa chọn giáo dục và y tế tư nhân (hoặc y tế dịch vụ nằm ngoài phạm vi chi trả của bảo hiểm y tế), tham gia bảo hiểm tự nguyện… với chi phí lớn.

Đây vốn là xu hướng tất yếu của người dân để nâng cao chất lượng cuộc sống, đồng thời giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước trong việc cung cấp các dịch vụ công. Tuy nhiên, các khoản chi tiêu này hiện nay không được tính khấu trừ và tạo áp lực lên thu nhập của người dân.

 
PGS. TS Đinh Trọng Thịnh.

PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính: "Mức thấp nhất phải đóng thuế hay còn gọi là mức giảm trừ gia cảnh nên được xem xét lại cho phù hợp với tình hình thực tế. Mức 11 triệu đồng/tháng hiện nay không đủ sống ở đô thị, nên không thể coi đó là mức thu nhập cao phải đóng thuế. Theo tôi Bộ Tài chính cần tính toán nâng lên để việc đóng thuế thu nhập thực sự trở thành công cụ kiểm soát người có thu nhập cao. Mức thu nhập tối thiểu phải đóng thuế nên để ở 15-20 triệu đồng/tháng".

Theo luật sư Nguyễn Thanh Hà, Luật thuế TNCS sửa đổi cần đảm bảo được 3 yếu tố:

Thứ nhất, nâng mức giảm trừ gia cảnh lên mức phù hợp (có thể là từ mức 11 triệu đồng/tháng hiện nay lên mức 20 triệu đồng/tháng) do thời gian qua vật giá tăng quá nhanh nên mức 11 triệu đồng/tháng không còn phù hợp trong bối cảnh hiện nay nữa. Song song đó, nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc lên tương ứng bằng 40% mức giảm trừ của người lao động.

Thứ hai, cùng với việc sửa đổi các bất cập chính sách thuế thu nhập cá nhân, cũng cần rà soát, xem xét mức tính thuế đối với khoản thu nhập và có điều chỉnh phù hợp. Như thu nhập từ trúng thưởng xổ số, các trường hợp trúng giải với giá trị tiền thưởng hơn 10 triệu đồng thì mới phải đóng thuế. Sau khi trừ đi 10 triệu đồng, số thuế phải nộp bằng 10% số tiền thưởng còn lại.

Như vậy, có nhiều người may mắn trúng cả 100 tỉ đồng nhưng số tiền thuế thu nhập cá nhân phải nộp chỉ gần 10 tỉ đồng thôi. Trong khi với thu nhập từ tiền công và tiền lương, người nộp thuế phải bỏ công sức, thời gian, trí óc lao động vất vả cực nhọc nhưng phải nộp mức cao nhất tới 35%. Theo đó, thiết nghĩ nên giảm bậc thuế thu nhập cá nhân xuống còn 3 - 5 bậc và hạ thuế suất của các bậc xuống.

Mặt khác, mức quy định khấu trừ thuế với các khoản thu nhập vãng lai cũng cần điều chỉnh vì mức 2 triệu đồng áp dụng hơn 10 năm qua từ khi áp dụng Luật thuế thu nhập cá nhân và chính Bộ Tài chính, một số cục thuế cũng đề xuất nâng lên mức 5 triệu đồng từ năm 2017 nhưng đến nay vẫn chưa điều chỉnh.

Thứ ba, mức giảm trừ gia cảnh ở đô thị phải cao hơn nông thôn: Mức chi tiêu thực tế và vật giá tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM cao hơn rất nhiều so với ở nông thôn.

Do đó, mức giảm trừ gia cảnh của lao động ở Hà Nội, TP.HCM (các thành phố lớn) nên được quy định cao hơn so với mức giảm trừ của lao động ở khu vực khác (như các vùng nông thôn, vùng núi, vùng sâu vùng xa).

 

Hơn hai năm qua, do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 khiến thu nhập của nhiều người làm công ăn lương sụt giảm mạnh, thậm chí thất nghiệp. Tuy nhiên, theo báo cáo của Tổng cục Thuế, số thuế TNCN vẫn tăng mạnh. Số thu từ thuế TNCN năm 2021 đạt khoảng 123.000 tỷ đồng, đạt 114% dự toán và tăng 6,6% so với cùng kỳ.

Nhiều ý kiến cho rằng, số thu từ thuế TNCN tăng trong bối cảnh người dân đang gặp nhiều khó khăn là rất nghịch lý. Do đó, Nhà nước cần xem xét giảm thuế TNCN cho người lao động để giúp kích cầu tiêu dùng nội địa, tạo động lực cho phục hồi sản xuất, kinh doanh.