Lùi thời điểm cải cách tiền lương đến năm 2022: sẽ có nhiều thay đối bởi dịch COVID-19

15:19 | 12/10/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Nghị quyết 27/NQ-TW, Ban Chấp hành Trung ương đã quyết định lùi thời điểm cải cách tiền lương đến 1-7-2022 đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.
Theo Nghị quyết 27 ngày 21/5/2018 được Ban Chấp hành Trung ương ban hành tại Hội nghị trung ương 7 khóa XII, thời điểm thực hiện chính sách cải cách tiền lương là 1/7/2021. Nhưng tại Hội nghị Trung ương lần thứ 13, diễn ra từ ngày 5 đến 9/10/2020, Ban Chấp hành Trung ương đã tán thành với kiến nghị của Ban cán sự Đảng Chính phủ về lùi thời điểm thực hiện chế độ tiền lương mới với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp là 1/7/2022, chậm một năm so với mục tiêu nêu trong Nghị quyết 27.
 

Lùi cải cách tiền lương đến 1/7/2022

 
Trước bối cảnh tình hình thế giới, trong nước có nhiều biến động lớn, đột xuất, phức tạp, đại dịch Covid-19 diễn biến nhanh, khó lường, tác động nghiêm trọng đến tất cả các lĩnh vực trên toàn cầu.  Năm 2020 được nhận định sẽ là năm kinh tế - xã hội nước ta bị ảnh hưởng rất lớn, khó có thể hoàn thành được toàn bộ các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu đã đề ra cho năm 2020 và 5 năm 2016-2020, mặc dù 4 năm trước đó luôn hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra, năm sau tốt hơn năm trước.
 
Lùi thời điểm cải cách tiền lương đến năm 2022: sẽ có nhiều thay đối bởi dịch COVID-19 - ảnh 1
 
Hội nghị Trung ương lần thứ 13 quyết định lùi cải cách tiền lương đến năm 2022
 
Trung ương tán thành với kiến nghị của Ban cán sự đảng Chính phủ về thời điểm thực hiện chế độ tiền lương mới kể từ ngày 1/7/2022 đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 21/5/2018 của Hội nghị Trung ương 7 khoá XII; giao Bộ Chính trị chỉ đạo Ban cán sự đảng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chế độ tiền lương mới, bảo đảm phù hợp với tình hình kinh tế, khả năng ngân sách và theo đúng quan điểm, định hướng của Nghị quyết số 27-NQ/TW.
 
Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, Trung ương cho rằng trước mắt cần tăng cường công tác phân tích, dự báo tình hình dịch bệnh và triển vọng kinh tế - xã hội thế giới, trong nước từ nay đến hết năm 2020 và các năm 2021-2022; tiếp tục rà soát thật kỹ, xác định đúng các chỉ tiêu chủ yếu, các cân đối lớn của nền kinh tế, định hướng phát triển một số ngành, lĩnh vực quan trọng và những nhiệm vụ trọng tâm, những giải pháp có tính đột phá, khả thi cao...
 

Lương công chức năm 2021 sẽ thế nào khi lùi cải cách?

Mỗi năm, mức lương cơ sở của công chức thông thường đều thay đổi theo hướng tăng dần. Trước đó, dự kiến từ 01/7/2020, lương cơ sở sẽ tăng từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,6 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, do dịch bệnh Covid-19 diễn ra phức tạp từ đầu năm 2020 khiến tình hình kinh tế, xã hội nước ta gặp khá nhiều khó khăn, thử thách.

 

Lùi thời điểm cải cách tiền lương đến năm 2022: sẽ có nhiều thay đối bởi dịch COVID-19 - ảnh 2

phương án tiền lương dự kiến áp dụng từ năm 2021

Quốc hội đã thông qua đề nghị chưa tăng lương cơ sở lên 1,6 triệu đồng/tháng mà vẫn áp dụng mức lương cơ sở 1,49 triệu đồng/tháng. Do đó, nếu năm 2021 không có thông báo mới thì rất có thể công chức vẫn áp dụng mức lương cơ sở là 1,49 triệu đồng/tháng như hiện nay. Khi đó, lương và phụ cấp tính theo lương, theo mức lương cơ sở cũng như các khoản thu nhập khác của công chức vẫn được giữ nguyên như hiện nay. 

Dự kiến năm 2021 sẽ là năm hiếm hoi lương tối thiểu vùng được giữ nguyên. Do những tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19. Hầu hết các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh, việc tăng lương tối thiểu vùng kéo theo tăng mức đóng bảo hiểm xã hội và nhiều chi phí liên quan tạo nên sức ép lớn đối với các doanh nghiệp
 
Lương theo vị trí việc làm có thể chưa áp dụng: Nghị quyết 27 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức nhấn mạnh, từ năm 2021, áp dụng chế độ tiền lương mới thống nhất với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trong toàn bộ hệ thống chính trị. Mức lương cơ sở và hệ số lương sẽ bị bãi bỏ, xây dựng hệ thống bảng lương theo vị trí việc làm. Việc cải cách chính sách tiền lương này đem đến kỳ vọng tiền lương được trả theo đúng năng lực thực chất, khả năng đáp ứng công việc của cán bộ, công chức, viên chức, thay vì phụ thuộc vào bằng cấp, thâm niên như hiện nay.
 
Tuy nhiên đề án cải cách tiền lương theo vị trí việc làm đang gặp khó do ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19. Nhiều khả năng, đề án chưa thể thực hiện trong năm 2021 như tinh thần của Nghị quyết 27, mà sẽ phải giãn lùi. Hàng triệu cán bộ, công chức, viên chức đã không được tăng lương, phụ cấp ở thời điểm này.

Nghị quyết 27 về cải cách chính sách tiền lương được Hội nghị Trung ương 7 khoá XII thông qua ngày 21/5/2018. Mục tiêu đề ra là, từ năm 2021, áp dụng chế độ tiền lương mới thống nhất đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, trong đó tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp. Với khu vực doanh nghiệp, từ năm 2021, Nhà nước định kỳ điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương quốc gia.

Nguyễn Dung