Mặc COVID-19 VinCommerce "lột xác" sau một năm về với Masan
Sau tròn một năm về tay Masan Group với việc tái cấu trúc theo hai chiều đã giúp VinCommerce nhanh chóng đạt được mục tiêu mà ban lãnh đạo Masan Group đề ra, điều mà không nhiều người tin có thể thực hiện.
Trước thời điểm Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang tiếp quản từ tay tỷ phú Phạm Nhật Vượng, chuỗi siêu thị Vinmart /Vinmart+ đang bị thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng/năm, vậy nên không ít quan điểm cho rằng "ông chủ mới" khó có thể vực dậy hệ thống bán lẻ này. Tuy nhiên sau 1 năm, Masan đã trả lời bằng chính kết quả "lột xác" bất chấp dịch Covid-19 ập tới ngay sau khi chuyển giao.
Báo cáo tài chính quý IV/2020 vừa công bố cho thấy, doanh thu thuần hợp nhất đạt 77.218 tỷ đồng, tăng 107% so với mức 37.354 tỷ đồng trong năm 2019. Lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông của Masan đạt 265 tỷ đồng trong quý IV/2020 và 1.234 tỷ đồng trong năm 2020.
Kết quả kinh doanh năm 2020 của Masan Group
Đáng chú ý, doanh thu của Masan tăng mạnh do việc hợp nhất hệ thống bán lẻ VinCommerce. Cụ thể, VinCommerce ("VCM")- đơn vị vận hành hệ thống siêu thị Vinmart, Vinmart+ được sáp nhập từ Vingroup vào Masan hồi đầu tháng 12/2019 đạt doanh thu thuần gần 31.000 tỷ đồng, chiếm 40% tổng doanh thu thuần của Masan.
Doanh thu của VinCommerce trong năm ghi nhận gần 31.000 tỷ đồng, biên lãi gộp 16,9% không phải là mức thấp, nhất là so sánh trong ngành bán lẻ. Số này đang ngang với mảng kinh doanh thịt mát và thức ăn chăn nuôi của Masan Group – Masan MEATLife.
Riêng quý IV/2020, đơn vị vận hành hệ thống siêu thị Vinmart đạt 7.300 tỷ đồng. Điểm đáng chú ý nhất của Masan Group trong quý IV/2020 có lẽ đến từ việc công ty con VinCommerce đã đạt EBITDA dương 16 tỷ đồng, tương ứng tỷ suất 0,2%. Tuy chưa phải là con số cao, nhưng nó đánh dấu một cột mốc quan trọng đối với mảng bán lẻ của Masan Group, tạo tiền đề cho công cuộc chuyển đổi của năm 2021.
Ngay từ đầu, ban lãnh đạo Masan Group đã đặt một mục tiêu xuyên suốt là phải đưa VinCommerce hòa vốn EBITDA trong quý IV. Kế hoạch này vấp phải rào cản lớn nhất là đại dịch COVID-19 khiến lệnh cách ly xã hội được thực hiện trong quý II. Trên thực tế, các nghiên cứu chỉ ra thói quen mua sắm của người tiêu dùng đã thay đổi nhiều do tác động của đại dịch, người dân giảm số lần đi mua sắm, thay vào đó mua những giỏ hàng lớn hơn.
Trước đó, quý I/2020, đạt hơn 8.700 tỷ đồng, tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm 2019. Quý II/2020, ghi nhận doanh thu 7.104 tỷ đồng, tương đương so với cùng kỳ năm trước trong bối cảnh cách ly xã hội do dịch bệnh Covid-19. 9 tháng đầu năm, doanh thu của VinCommerce đạt 23.678 tỷ đồng, chiếm 42,5% tổng doanh thu của toàn hệ thống Masan.
Cùng với mức tăng trưởng doanh thu "ngoài sức tưởng tượng" theo lời lãnh đạo của Masan, biên EBITDA cũng được cải thiện từ -4,8% trong quý I/2020, -8,5% trong quý II/2020 (trong bối cảnh giãn cách xã hội do Covid-19), lên -2,8% trong quý III/2020 và chính thức dương 0,2% trong quý IV/2020.
Theo Masan, biên EBITDA được cải thiện nhờ vào tăng trưởng doanh thu (đóng góp 60%), cải thiện biên lợi nhuận gộp (đóng góp 10%) và hợp lý hóa chi phí hoạt động cửa hàng (đóng góp 30%). Tính chung cả năm 2020, hệ thống VinCommerce đã mang về cho Masan Group 30.978 tỷ đồng, đóng góp hơn 40% tổng doanh thu toàn tập đoàn.
Trong đó, các cửa hàng mini VinMart+ là động lực tăng trưởng chính, có doanh thu/m2 tăng trưởng hai chữ số, đạt mức 10,7% trong năm 2020.
Trong năm qua, Masan Group đã tiến hành những thay đổi trong hệ thống VinCommerce thông qua 3 chiến lược chính đó là: đóng cửa các điểm bán không đạt mục tiêu lợi nhuận, cải thiện danh mục sản phẩm và chính sách giá…. Các chính sách này đã cho thấy hiệu quả với biên lợi nhuận gộp của VinCommerce cải thiện 16,9%.
Sau bước một thành công, mục tiêu của VinCommerce trong năm 2021 là chuyển từ điểm mua sắm thuần túy thành nền tảng phục vụ các nhu cầu thiết yếu, cho người tiêu dùng trải nghiệm xuyên suốt từ online to offline.
Ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch Masan Group gọi đây là Point of Life: nền tảng cung cấp các sản phẩm và dịch vụ thiết yếu chiếm hơn 50% chi tiêu tiêu dùng bao gồm hàng FMCG, thực phẩm tươi sống, các sản phẩm, dịch vụ tài chính, và các dịch vụ giá trị gia tăng. Đây chính là đích đến khi Masan quyết định mở rộng sang lĩnh vực bán lẻ.
Với tham vọng lọt Top 50 công ty được ngưỡng mộ nhất thế giới, Masan Group thành lập ra The CrownX là hợp nhất giữa VinCommerce và Masan Consumer Holdings.
Hai công ty hàng đầu lĩnh vực này được kỳ vọng sẽ cộng hưởng tạo nên sự bứt phá cho kết quả kinh doanh của Masan Group. Năm 2020, The CrownX đạt doanh thu thuần 54.277 tỷ đồng, xấp xỉ 2,5 tỷ USD, trở thành công ty lớn thứ hai Việt Nam trong lĩnh vực tiêu dùng.
Masan Consumer Holdings lần đầu tiên đạt doanh thu 1 tỷ USD, tăng trưởng 27% so với năm trước đó; EBITDA tăng 22%. Công ty tăng trưởng hơn 20% trong 4 quý liên tiếp nhờ khả năng đổi mới sáng tạo và đầu tư vào thương hiệu. Các phát kiến mới đóng góp 43% vào tăng trưởng doanh thu của MCH trong năm 2020. Năm vừa rồi, công ty bổ sung thêm ngành hàng chăm sóc cá nhân và gia đình thông qua thương vụ thâu tóm Netco.
Theo Masan Group, chính hệ thống bán lẻ hiện đại VinCommerce giúp MCH nhanh chóng thu thập được phản hồi khách hàng đối với các sản phẩm mới, qua đó đưa ra các điều chỉnh phủ hợp. Bên cạnh đó, VinCommerce cũng có thể phát triển cho mình các sản phẩm nhãn riêng, tạo nên lợi thế cạnh tranh so với các nhà bán lẻ khác.
Năm 2021, VinCommerce có kế hoạch sẽ tăng tốc mở mới 300 - 500 siêu thị mini VinMart+, đồng thời thí điểm mô hình mới nhằm đảm bảo đạt lợi nhuận vào năm 2021 sau khi đã hoà vốn trong năm 2020.
Đối với mô hình siêu thị VinMart, Masan cho biết công ty hiện đang cải tiến mô hình siêu thị và định vị đây là thành tố quan trọng trong nền tảng tích hợp online cho hàng tươi sống.
Xem thêm: Masan Group hoàn thành mục tiêu tài chính năm 2020 với doanh thu hợp nhất đạt gần 80.000 tỷ đồng
Nguyễn Dung