MAS bất ngờ nâng nhẹ dự báo GDP Việt Nam năm 2022

Nguyễn Thị Thùy Dung 06:00 | 07/04/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Chứng khoán Mirae Asset (MAS) vừa công bố báo cáo vĩ mô tháng 3 mang tên “Tạo nền bứt phá”, trong đó bất ngờ điều chỉnh tăng dự phóng tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 lên mức 5,9% trong kịch bản cơ sở.

MAS nâng nhẹ dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2022

Theo cập nhật vĩ mô mới nhất, các chuyên gia MAS điều chỉnh tăng dự phóng tăng trưởng GDP cả năm 2022 của Việt Nam lên mức 5,9% trong kịch bản cơ sở từ mức 5,7% trong những lần dự báo trước đó, do kỳ vọng ngành dịch vụ phục hồi mạnh mẽ hơn nhờ chính sách mở cửa biên giới và thúc đẩy du lịch.

Cụ thể, MAS chỉ ra rằng tăng trưởng GDP quý I đạt 5,03% là mức cao hơn đáng kể so với dự báo 4,6% mà cơ quan này đưa ra trước đó.

Dữ liệu vĩ mô do Tổng cục Thống kê công bố vào quý I cũng cho thấy sự phục hồi rõ rệt trong cả ba trụ cột kinh tế. Sản lượng công nghiệp cả quý tăng 7,1% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức tăng 6,4% của quý I/2021 khi các nhà máy tăng mạnh công suất để đáp ứng lượng đơn hàng tăng lên. Doanh thu dịch vụ tăng 4,6% khi du lịch phục hồi và khởi sắc giúp thúc đẩy tiêu dùng cũng như bán lẻ. Mặt khác, nông - lâm - ngư nghiệp vẫn duy trì được mức tăng trưởng 2,5%.

Trong những quý còn lại của năm, MAS nhận định sức mạnh nội tại của nền kinh tế vẫn được duy trì bởi một số động lực tăng trưởng chính.

Đầu tiên, kỳ vọng động lực từ dòng vốn FDI đăng ký tăng đáng kể khi hàng loạt quốc gia trên thế giới mở cửa biên giới trở lại tạo điều kiện thuận lợi cho việc khảo sát đầu tư và làm thủ tục đầu tư. Trong quý I, mặc dù vốn FDI đăng ký giảm hai con số nhưng vốn FDI giải ngân ước đạt 4,42 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Triển vọng FDI cả năm được giới chuyên gia đánh giá hết sức tích cực.

Đồng thời, đầu tư công tiếp tục được MAS kỳ vọng là một trong những động lực hồi phục kinh tế chính trong thời gian tới khi dự kiến chi đầu tư phát triển hạ tầng chiếm khoảng 1/3 tổng giá trị gói hỗ trợ kinh tế giai đoạn 2022-2023. Tính riêng quý I/2022, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội ước đạt 562,2 nghìn tỷ đồng, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh đó, xuất khẩu cũng được nhận định là điểm sáng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khi sản xuất trong nước quay trở lại và nhu cầu bên ngoài hồi phục. Trong tháng 3, cán cân thương mại chuyển thặng dư khoảng 1,39 tỷ USD từ mức thâm hụt 1,96 tỷ USD hồi tháng 2.

Tính chung cả quý I, xuất khẩu ước tính đạt 88,58 tỷ USD, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm ngoái và nhập khẩu ước 87,77 tỷ USD, tăng 15,9%; dẫn đến xuất siêu ước tính đạt 809 triệu USD. Một số mặt hàng có tăng trưởng xuất khẩu đột phá so với cùng kỳ năm ngoái có thể kể đến hóa chất (+67%), cà phê (+50,4%), thủy sản (+38,7%), sản phẩm từ sắt thép (+34%), sản phẩm từ chất dẻo (+30,2%), dệt may (+22,5%).

Động lực thứ tư đến từ tiêu dùng. MAS giữ quan điểm lạc quan về sự hồi phục của bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng trong năm 2022 do nhu cầu bật tăng sau thời gian bị dồn nén, người lao động cải thiện thu nhập khi quay trở lại thị trường lao động, từ đó thúc đẩy chi tiêu.

Hồi tháng 3, doanh thu bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng đã ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng 9,4% so với cùng kỳ năm ngoái từ mức hồi phục khiêm tốn 3,1% của tháng 2 và 1,3% của tháng 1. Tính chung quý I/2022, doanh thu bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng tăng 4,4%.

Việc MAS nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2022 lên từ 5,7% lên mức 5,9% là một diễn biến đáng chú ý trong bối cảnh hàng loạt tổ chức kinh tế gần đây liên tục có động thái hạ dự phóng tăng trưởng.

Chẳng hạn, mới đây nhất, World Bank hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 xuống 5,3% ở kịch bản cơ bản. Trong kịch bản xấu hơn, World Bank cho rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế có thể giảm xuống 4,4%. 

Dự báo lạm phát được kiểm soát dưới 4%

Theo Tổng cục Thống kê, lạm phát tháng 3 tăng vọt 2,41% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chủ yếu là do tác động của giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào và giá xăng dầu, giá gas tăng theo giá nhiên liệu thế giới.

Tính tới cuối tháng 3/2022, giá xăng trong nước đã tăng khoảng 50% so với cùng kỳ năm 2021, qua đó đưa chỉ số giá nhóm hàng giao thông - vốn chiếm 9,7% trong rổ tính CPI - tăng thêm 18,3%. Bù lại, nhóm thực phẩm - chiếm 21,3% trong rổ tính CPI - lại giảm 0,1% góp phần kiềm chế lạm phát.
Nhận định về lạm phát năm 2022, nhóm nghiên cứu MAS duy trì quan điểm lạm phát sẽ được kiểm soát ổn định dưới mức 4% trong cả năm.

Trong đó, 3 yếu tố chính góp phần ổn định thị trường giá có thể kể tới: chính sách đảm bảo cân đối cung cầu của Chính phủ, sự bình ổn giá cả các mặt hàng lương thực thực phẩm và cuối cùng là đà phục hồi vẫn còn chậm của một số lĩnh vực văn hóa, giải trí, du lịch.

Tuy nhiên, MAS cảnh báo rủi ro lạm phát đang ngày càng gia tăng khi sự tăng giá hàng hóa và nguyên vật liệu đầu vào có nguy cơ kéo dài do nhu cầu tiêu dùng hồi phục trong bối cảnh chuỗi cung ứng tiếp tục gián đoạn.
Quan điểm của MAS về cơ bản khá tương đồng với nhận định của đa số chuyên gia kinh tế, rằng lạm phát năm 2022 vẫn có thể được kiểm soát dưới ngưỡng mục tiêu 4% của Quốc hội.

Tại Đối thoại chuyên đề "Vòng xoáy lạm phát: Kiểm soát chi phí đẩy" gần đây, chuyên gia kinh tế - TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết theo nghiên cứu của ông, trong kịch bản giá xăng dầu tăng khoảng 10% thì lạm phát trong nền kinh tế tăng thêm 0,48%; giá xăng dầu tăng 30% thì lạm phát tăng thêm khoảng 1%. Thực tế đến nay, giá xăng dầu tại Việt Nam đã tăng khoảng 30% so với cuối năm ngoái nên riêng giá xăng dầu đã có thể làm cho lạm phát tăng thêm 1%.

"Nếu năm ngoái lạm phát khoảng 1,9%, chúng ta thấy năm nay lạm phát có thể lên tới 3-3,9% chỉ tính riêng tác động của giá xăng dầu. Ngoài ra còn có các tác động khác như giá vật liệu cơ bản, giá lương thực thực phẩm. Nhìn chung, chúng tôi dự báo lạm phát của Việt Nam năm nay khoảng 3,8 - 3,9%".

Tương tự, ông Nguyễn Đức Long, Vụ trưởng Vụ Dự báo Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cũng cho rằng với sự đồng bộ, linh hoạt trong điều hành chính sách, lạm phát toàn phần năm nay có thể được kiểm soát dưới 4% trong khi lạm phát cơ bản dao động trong 0,8-2%, mức hợp lý đối với nền kinh tế Việt Nam.

Một số dự báo kinh tế mà MAS đưa ra trong bản cập nhật vĩ mô mới nhất vào ngày 5/4