Miền Bắc chính thức có trạm trung chuyển thịt lợn đầu tiên

16:00 | 21/12/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trạm trung chuyển thịt lợn đầu tiên tại miền Bắc nằm tại chợ thôn 2 và 3, xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì (Hà Nội), giáp ranh với Hưng Yên, một trong những nơi trọng điểm nuôi lợn tại miền Bắc
Dịch tả lợn châu Phi khiến ngành chăn nuôi điêu đứng thời gian qua, ảnh hưởng rất lớn nguồn cung thịt lợn cho người tiêu dùng trong nước. Đặc biệt, sức ép do nhu cầu tiêu thụ thịt lớn trong dịp Tết sắp tới tăng cao.

Trong nhiều năm qua, Bộ NN&PTNT khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với nông dân trong chuỗi chăn nuôi an toàn ở nhiều địa phương nhằm giúp các hộ, trang trại chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, đáp ứng yêu cầu chất lượng, an toàn thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và tăng cường xuất khẩu.
 
Miền Bắc chính thức có trạm trung chuyển thịt lợn đầu tiên - ảnh 1
Dự báo cầu thịt lợn cho dịp Tết sắp tới sẽ tăng cao

Sau thành công mô hình trạm trung chuyển thịt lợn ở phía Nam (tại Đồng Nai năm 2017), mới đây, MM Mega Market Việt Nam (MM) đã khai trương trạm trung chuyển thịt lợn đầu tiên tại miền Bắc với sự hợp tác của Công ty Cổ phần Thực phẩm Song Đạt, đơn vị sản xuất thịt lợn với nhiều năm kinh nghiệm tại Hà Nội.

Trạm trung chuyển thịt lợn đầu tiên tại miền Bắc nằm tại chợ thôn 2 và 3, xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì (Hà Nội), giáp ranh với Hưng Yên, một trong những nơi trọng điểm nuôi lợn tại miền Bắc.

Sự hợp tác giữa MM với doanh nghiệp địa phương (Cty Song Đạt), nhằm liên kết trực tiếp với các hộ nuôi lợn tại đây, mang đến cơ hội cho các hộ nông dân được tham gia vào chuỗi sản xuất và cung ứng thịt lợn VietGAP.

Theo ông Nguyễn Đức Toàn, Giám đốc điều hành của MM Mega Việt Nam, với sự hỗ trợ từ Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, các sở ban ngành của Hà Nội và UBND Huyện Thanh Trì, cũng như sự hợp tác ba bên giữa MM, Cty Song Đạt và HTX, các hộ nông dân, MM cam kết tham gia vào việc phát triển chuỗi cung ứng thịt lợn an toàn của Hà Nội nói chung và Huyện Thanh Trì cùng các vùng phụ cận nói riêng. Mô hình hợp tác này là tiền đề của thành công và là mô hình hợp tác điển hình cần được nhân rộng trong tương lai.

Trạm trung chuyển của MM được vận hành tuân theo tiêu chuẩn VietGAP với sự kiểm soát nghiêm ngặt theo quy trình khép kín từ trang trại đến bàn ăn. Đội ngũ quản lý chất lượng kiểm tra toàn diện từ khâu chọn lựa nông hộ/trại tiềm năng đến việc kiểm soát chất lượng thành phẩm sau cùng để đảm bảo chất lượng sản phẩm an toàn như mong đợi.

Từng lô lợn hơi được kiểm tra và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật bởi cơ quan thú y địa phương. Từng cá thể lợn được đeo vòng truy xuất nguồn gốc và sẽ là cơ sở cho truy xuất nguồn gốc trên từng đơn vị sản phẩm hoàn chỉnh khi bày bán tại MM.
 
Miền Bắc chính thức có trạm trung chuyển thịt lợn đầu tiên - ảnh 2Trạm trung chuyển của MM được vận hành tuân theo tiêu chuẩn VietGAP với sự kiểm soát nghiêm ngặt theo quy trình khép kín từ trang trại đến bàn ăn

Trạm trung chuyển của MM được vận hành tuân theo tiêu chuẩn VietGAP với sự kiểm soát nghiêm ngặt theo quy trình khép kín từ trang trại đến bàn ăn.

Quá trình vận chuyển thịt lợn bằng xe lạnh chuyên dụng có gắn thiết bị theo dõi nhiệt độ suốt hành trình để đảm bảo sản phẩm thịt được vận chuyển trong điều kiện dưới 4 độ C. Thịt lợn được sơ chế, đóng gói và trưng bày trong điều kiện nhiệt độ phù hợp, đảm bảo chuỗi cung ứng lạnh xuyên suốt các quá trình, đảm bảo chất lượng thịt an toàn.

Thịt thành phẩm được đóng gói hoàn chỉnh theo từng đơn vị với tem truy xuất nguồn gốc (QR code) đến tận nông hộ, trang trại.

Công ty Song Đạt sẽ chịu trách nhiệm chính điều phối nhân lực trong hoạt động sản xuất tại trạm. MM sẽ chịu trách nhiệm tìm kiếm và kết nối các hộ, trại nuôi lợn tiềm năng, đồng thời áp dụng quy trình sản xuất và cung ứng theo chuẩn an toàn thực phẩm của MM vào trạm, điều phối đội ngũ kỹ sư và chuyên viên kiểm định, giám sát thường xuyên tại các hộ chăn nuôi và tại trạm.
Bên cạnh đó, phía MM cũng chịu trách nhiệm về việc đưa các sản phẩm vào tiêu thụ trong chuỗi cung ứng của MM nhằm đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm.

Theo Bộ NN&PTNT, trong chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045, mục tiêu sẽ đưa ngành chăn nuôi Việt Nam phải có trình độ và năng lực sản xuất thuộc nhóm quốc gia tiên tiến và dẫn đầu trong khu vực Đông Nam Á.

Tuy nhiên, trong những năm qua, ngành chăn nuôi lợn vẫn tồn tại nhiều vấn đề: Thiếu ổn định trong cung – cầu; khả năng cạnh tranh của sản phẩm còn yếu, dịch bệnh thường xuyên xảy ra và dễ tái phát; các hộ chăn nuôi chưa đủ điều kiện để đảm bảo được chăn nuôi an toàn sinh học, vấn đề ô nhiễm môi trường từ chất thải chăn nuôi thường xuyên xảy ra...

Đứng trước nguy cơ thiếu nguồn cung thịt lợn và nhằm tháo gỡ được những thách thức trong ngành chăn nuôi, Bộ NN&PTNT đề xuất và khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với nông dân trong chuỗi chăn nuôi an toàn ở nhiều địa phương nhằm giúp các hộ, trang rại chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, đáp ứng yêu cầu chất lượng, an toàn thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và tăng cường xuất khẩu.
 
Theo Tiền Phong