Môi trường lao động KCN thế hệ mới đem lại giá trị không thể ‘cân đong đo đếm được’
TS. Nguyễn Cao Lãnh: Khu công nghiệp trước đây được xây dựng cách đây gần 30 năm, mục tiêu mà chúng ta đặt ra là đem lại giá trị kinh tế, hiệu quả kinh tế và chúng ta đã có những bước thành công rất lớn trong việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu lao động.
Bước sang năm 2020, đặc biệt là chúng ta đang bước sang một giai đoạn mới - giai đoạn hậu COVID-19 với bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế đang chuyển biến mạnh, làn sóng đầu tư từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản cũng như làn sóng đầu tư dịch chuyển từ châu Âu, châu Mỹ sẽ sang Việt Nam. Các nước châu Âu, châu Mỹ phát triển hơn chúng ta rất nhiều, đến giai đoạn này sự phát triển nền kinh tế thông minh của các nước phát triển đó không chỉ là giá trị kinh tế như trước mà là hướng tới phát triển bền vững (mục tiêu về xã hội, môi trường, con người) và khi đầu tư sang Việt Nam, họ vẫn muốn giữ nguyên, thậm chí phát triển mục tiêu đó. Mô hình cũ của chúng ta chưa đáp ứng được mục tiêu đó. Vì thế chúng ta cần phải có mô hình khu công nghiệp thế hệ mới phù hợp với thế kỷ 21-thế kỷ của phát triển bền vững.
Điểm khác biệt giữa mô hình khu công nghiệp cũ và mô hình khu công nghiệp thế hệ mới được nhìn nhận như sau:
Thứ nhất là sự thay đổi về chức năng, một bên là chức năng sản xuất, một bên là chức năng phục vụ cuộc sống con người. Mô hình cũ của chúng ta được quy định rất rõ ràng-sản xuất là chủ yếu. Các nước phát triển họ trải qua giai đoạn đó từ lâu rồi, từ những năm 50, 60 của thế kỷ trước họ đã xây dựng mô hình hỗn hợp không chỉ có làm việc, sản xuất mà còn tích hợp các yếu tố cộng đồng, nghỉ dưỡng, giải trí, phục vụ các tiện ích công cộng và hướng tới người lao động. Đó là môi trường sống của con người. Đây là sự khác biệt rõ nhất về mô hình khu công nghiệp cũ và khu công nghiệp mới mà chúng tôi đang đề xuất hiện nay.
Sự khác biệt thứ hai giữa khu công nghiệp theo mô hình cũ và theo mô hình thế hệ mới: Một bên là độc lập, một bên là kết nối. Ở mô hình thế hệ mới, hệ thống hạ tầng công cộng sẽ kết nối bên trong và bên ngoài khu công nghiệp với nhau, phục vụ cuộc sống của người lao động. Ví dụ, Khu công nghiệp Bắc Thăng Long chẳng hạn, rất to đẹp, hạ tầng rất tốt, tiêu chuẩn môi trường rất tốt nhưng người lao động lại sống ở khu Kim Chung, Đông Anh bên cạnh – nơi hệ thống công cộng, dịch vụ kém.
Sự khác biệt thứ ba là giá trị kinh tế và giá trị môi trường. Trước đây, khu công nghiệp quy định phải có đất sản xuất, đất cây xanh, đất giao thông, đất hạ tầng kỹ thuật. Tỉ lệ đất chiếm nhiều nhất ở trong khu công nghiệp hiện nay là đất sản xuất. Đối với mô hình khu công nghiệp nếu chỉ phục vụ nhu cầu sản xuất thì chức năng ở trong khu công nghiệp sẽ khác, còn mô hình phục vụ mục đích của cộng đồng, phát triển bền vững sẽ khác. Lúc đó đòi hỏi trong khu công nghiệp đó phải có công viên, rạp chiếu phim, hồ nước, đáp ứng được các nhu cầu về thể thao, giải trí… phục vụ cho cuộc sống người lao động.
Thứ tư là về giá trị tổng thể kinh tế của sự phát triển hỗn hợp trong mô hình khu công nghiệp thế hệ mới. Lợi ích của nó có thể lớn hơn cả sự phát triển đơn lẻ như trước. Ở khu công nghiệp thế hệ mới, tiêu chuẩn chất lượng lao động cũng khác. Tiêu chuẩn này phụ hợp với yêu cầu của của các nhà đầu tư của các nước phát triển.
Cuộc CMCN 4.0 đòi hỏi mô hình quản lý cũng đổi khác. Mô hình các khu công nghiệp thông minh sẽ rất phát triển với sự sử dụng hệ thống công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo. Người lao động tương ứng với môi trường như vậy thì cũng sẽ khác. Cái này phù hợp với xu hướng phát triển của các nước châu Âu và châu Mỹ.
Thưa ông, trong chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu, Việt Nam được ghi nhận sẽ trở thành một cứ điểm sản xuất quan trọng trong 5 năm tới, giúp thị trường BĐS công nghiệp phát triển. Vingroup cũng đang có động thái tham gia vào BĐS công nghiệp. Ông đánh giá thế nào về thuận lợi cũng như những khó khăn đối với thị trường đầy này?
TS. Nguyễn Cao Lãnh: Theo tôi được biết, Tập đoàn Vingroup cam kết 10.000 tỷ đồng để phát triển thị trường BĐS công nghiệp ở Việt Nam. Đây là một tín hiệu tốt, một dấu hiệu mới cho thị trường BĐS công nghiệp ở một tiêu chuẩn mới bởi vì Tập đoàn này đều làm những vấn đề rất cập nhật theo sự phát triển. Những năm 91,92 thế kỷ trước, khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính, Linh Đàm được xây dựng thành một khu đô thị kiểu mẫu nhưng tới thời điểm 2015 thì những đô thị này so với đô thị khác thì đã lạc hậu lắm rồi. Khu công nghiệp cũng như vậy, khi mức sống và trình độ người lao động phát triển thì mô hình phải thay đổi. Tôi nghĩ, hiện là thời điểm thích hợp nhất để thay đổi. Nếu không thay đổi, chúng ta không thể đón được làn sóng đầu tư từ các nước phát triển như châu Âu và Mỹ vào Việt Nam.
Về thuận lợi cho thị trường BĐS công nghiệp cũng như cho mô hình khu công nghiệp thế hệ mới, sau Nghị định 82/2018/NĐ-CP quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế cho phép quy hoạch và phát triển khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ đã mở ra một hướng đi cho thị trường BĐS công nghiệp. Đây là một dấu hiệu cho thấy các nhà quản lý đã thấy được vấn đề bất cập khi phát triển độc lập khu công nghiệp với dịch vụ công cộng cho người lao động. Bắt đầu có sự kết nối giữa khu công nghiệp và dịch vụ công cộng. Mô hình khu công nghiệp thế hệ mới đã làm thay đổi cách nhìn nhận về một chức năng sản xuất độc lập với sự phát triển hỗn hợp giữa sản xuất và cuộc sống của con người.
Bắt đầu từ năm nay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt một loạt các nhiệm vụ quy hoạch của các tỉnh, trong đó đã tích hợp tất cả các yếu tố đó vào trong quy hoạch và cũng có tính đến việc quy hoạch tổng thể hệ thống nguyên vật liệu, hệ thống logistics, kết nối với hệ thống cảng biển, sân bay quốc tế. Tôi nghĩ trong thời gian tới chúng ta sẽ có quy hoạch phát triển cho thị trường BĐS khu công nghiệp cho Việt Nam.
Mô hình cho khu công nghiệp thế hệ mới đem lại lợi ích cho xã hội rất là lâu dài, nó sẽ được ủng hộ. Quan trọng là cả Đảng, Nhà nước, Chính phủ đều đang quyết tâm vào cuộc thực hiện.
Nói về khó khăn đối với thị trường BĐS công nghiệp khi thực hiện theo mô hình thế hệ mới, theo tôi, khó khăn đầu tiên một mô hình mới cần có người tiên phong. Giống như khu công nghiệp đầu tiên được hình thành tại Việt Nam là khu chế xuất Tân Thuận, Tập đoàn Tân Thuận được coi là tiên phong. Bước đầu họ cũng gặp khó khăn, họ phải vận động ủng hộ, phải mày mò, phải có tư vấn chuyên sâu… Tuy nhiên, ở thời điểm này, rất nhiều mô hình đem về Việt Nam đều đã thành công. Để thay đổi được những cơ chế cố hữu, đặc biệt là tại các địa phương là cả một vấn đề cần có chính sách đặc thù ngay lập tức.
Bên cạnh đó, cái yếu nhất của Việt Nam hiện nay là hệ thống vận chuyển hàng hóa và logistics cũng như công nghệ quản lý cho thị trường BĐS công nghiệp. Sản xuất công nghiệp không thể thiếu chuỗi cung ứng nhưng điều này lại là điểm yếu của hạ tầng BĐS công nghiệp. Ví dụ như ở các nước, chỉ cần lên mạng là sẽ biết khu công nghiệp này như thế nào, còn lô đất nào trống, hệ thống vận chuyển hàng hóa ở khu vực ấy như thế nào, có thể thuê được những ai … Làm sao phải mở cửa để chuỗi cung ứng nguyên vật liệu vào, chuỗi vận chuyển hàng hóa từ nơi sản xuất tới nơi tiêu thụ tốt nhất.
Đối với doanh nghiệp khi đầu tư vào thị trường BĐS công nghiệp, họ phải tính toán thực tế về lợi nhuận kỹ càng. Nếu nhà đầu tư nhận thấy lợi ích lâu dài thì họ sẽ đầu tư và thậm chí là đầu tư vào thị trường này có lãi nhiều hơn là BĐS thế hệ cũ. Khi chúng ta phát triển hỗn hợp thì nhiều lợi ích đi kèm hơn như nhà ở, công trình công cộng, dịch vụ.
Việc tạo lập cho môi trường tốt hơn cho người lao động theo mô hình khu công nghiệp thế hệ mới đồng nghĩa với việc tăng năng suất lao động, tăng giá trị của sản phẩm cũng như tăng thương hiệu của doanh nghiệp. Giá trị một môi trường lao động tốt sẽ đem lại giá trị không thể cân đong đo đếm được.