Một biến thể nCoV hoàn toàn mới lây nhanh hơn được Mỹ phát hiện ở California

11:24 | 19/01/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Bộ Y tế California cảnh báo về một biến thể nCoV dần trở nên phổ biến hơn trên khắp bang kể từ tháng 12/2020 gây lo ngại về khả năng lây nhiễm và giảm tác dụng của vaccine.
Biến thể tên gọi L452R, có những điểm khác biệt so với biến thể tìm thấy ở Anh, được phát hiện lần đầu ở Đan Mạch vào tháng 3/2020 và xuất hiện ở California vào tháng 5/2020.
 
Phát hiện về biến thể không thu hút được nhiều sự chú ý vào thời điểm đó vì virus biến đổi là điều bình thường.

Tháng 12/2020, các nhà nghiên cứu tại Đại học California, San Francisco, đã giải trình tự gene của virus trong các mẫu bệnh phẩm ở California và nhận thấy biến thể L452R chỉ chiếm 3,8%. Đến tháng 1, con số đã tăng lên 25,2%.
 
Một biến thể nCoV hoàn toàn mới lây nhanh hơn tại Mỹ
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 ở Los Angeles. Ảnh: New York Times
 
Charles Chiu, dẫn đầu nhóm nghiên cứu, cho biết số mẫu bệnh phẩm còn nhỏ, vì vậy chưa thể kết luận chắc chắn biến thể này có dễ lây lan hay không. Ông cũng bày tỏ lo ngại về khả năng kháng vaccine của biến thể L452R, vì đột biến xảy ra ở protein gai - phần quan trọng mà kháng thể vaccine nhắm đến.

Giới chức kêu gọi người dân tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch để giảm thiểu nguy cơ nhiễm virus. Hiện tại, số ca mắc mới hàng ngày tại California là hơn 38.000, số ca tử vong mỗi ngày khoảng 515. Erica Pan, nhà dịch tễ học, bang California, cho biết: "Còn quá sớm để khẳng định tốc độ lây nhiễm của biến thể, nhưng tất cả người dân phải đeo khẩu trang và tránh tụ tập để làm chậm sự lây lan của virus".

Giải trình tự gene của virus vẫn còn hạn chế ở Mỹ, khiến giới chức trách khó nắm được bức tranh toàn cảnh về tất cả biến thể trên khắp đất nước và tỷ lệ lây nhiễm của chúng. Dữ liệu sơ bộ của California chỉ được phân tích dựa trên khoảng 400 mẫu bệnh phẩm, chủ yếu đến từ phía bắc của bang.

Biến thể L452R ở California gióng lên hồi chuông báo động vì liên quan đến một số đợt bùng phát lớn ở Hạt Santa Clara. Trong đó, phải kể đến vụ việc xảy ra ở Trung tâm Y tế Kaiser, khiến ít nhất 90 người mắc COVID-19 và một nhân viên y tế tử vong. Theo lãnh đạo trung tâm, một nhân viên mặc bộ đồ bơm hơi để cổ vũ tinh thần bệnh nhân dịp Giáng sinh có thể là nguồn lây nhiễm.

Sara Cody, quan chức y tế công cộng hàng đầu Santa Clara, cho rằng đó là đợt bùng phát rất bất thường với nhiều ca bệnh và tốc độ lây lan nhanh chóng. Hạt đang phối hợp với các nhà chức trách của bang California và CDC để điều tra làm rõ vụ việc. Bà Cody cho biết không loại trừ khả năng sự bùng phát có thể được châm ngòi bởi các yếu tố không liên quan đến biến thể.

Theo Carlos del Rio, giáo sư y khoa và sức khỏe toàn cầu tại Đại học Emory, dấu hiệu gia tăng của L452R đặt ra nhu cầu cấp thiết về việc giải trình tự gene ở Mỹ và chấp hành tốt hơn các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang và tránh đám đông.
 
Một biến thể nCoV hoàn toàn mới lây nhanh hơn tại Mỹ
Các nhà khoa học đang đặt dấu hỏi về khả năng vaccine COVID-19 có thể ngăn chặn biến thể mới tại Nam Phi. Ảnh: Washington Post

Trước đó, hôm 13/1, Mỹ công bố phát hiện hai biến thể nCoV hoàn toàn mới tại Ohio, dễ lây lan hơn, khác với các biến thể tại Anh hay Nam Phi. Ước tính các chủng nCoV mới xuất hiện tại hơn 20 bang trên toàn nước Mỹ, trong đó biến thể từ Anh gây ra nhiều ca COVID-19 nhất, với 72 người.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 13/1 cũng công bố báo cáo hàng tuần cho thấy 50 nước và vùng lãnh thổ đã ghi nhận chủng nCoV mới từ Anh, trong khi chủng từ Nam Phi xuất hiện ở 20 nước và vùng lãnh thổ.

"nCoV càng lây lan thì càng có nhiều cơ hội để nó biến đổi. Mức độ lây nhiễm cao đồng nghĩa với việc sẽ xuất hiện nhiều biến thể hơn", WHO ghi nhận.
 
Theo VnExpress