Một bức tranh về hai nước Mỹ
Kinh tế Mỹ liên tục đón nhận bất ngờ, khiến mọi tế bào - từ các nhà đầu tư thông thường đến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) - khó đánh giá chính xác những gì đang thực sự diễn ra.
Trong khi đó, sự mất kết nối ngày càng lớn giữa cuộc sống của những người có thu nhập cao và những người có thu nhập thấp có thể là nguyên nhân dẫn đến một số mâu thuẫn.
Những mâu thuẫn về số liệu…
Bằng nhiều thước đo truyền thống, có thể thấy kinh tế Mỹ rất mạnh, với thị trường lao động, nhà ở và chứng khoán mạnh mẽ, cũng như tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vững chắc.
Tuy nhiên, những dữ liệu này không phản ánh được sự bất an về tài chính của hàng triệu hộ gia đình đang lo lắng về tương lai và không thể tiết kiệm.
Bất ngờ mới nhất là việc Bộ Lao động Mỹ báo cáo nước này đã tạo thêm 272.000 việc làm trong tháng 5/2024, tăng từ mức 165.000 việc làm của tháng 4 và cao hơn nhiều so với kỳ vọng của các nhà kinh tế.
Dữ liệu tích cực này được cho là đặc biệt khó hiểu, vì nó xuất hiện sau một loạt báo cáo kinh tế yếu kém trong những tuần gần đây về nền kinh tế lớn nhất thế giới, bao gồm dữ liệu thu nhập và chi tiêu yếu của tháng 4 và chỉ số tâm lý sản xuất thấp hơn dự kiến trong tháng 5.
Và khi nói đến kinh tế Mỹ, vấn đề không chỉ tồn tại trong báo cáo của chính phủ. Các công ty đã cảnh báo trong nhiều tuần gần đây rằng người tiêu dùng đang chần chừ.
Lấy một trong số rất nhiều ví dụ. Campbell Soup, chủ sở hữu của Pepperidge Farm và các thương hiệu đồ ăn nhẹ khác, vừa hạ dự báo doanh số bán hàng vì cho rằng người mua hàng đang ngày càng tiết kiệm trong việc mua đồ ăn nhẹ và chuyển sang các lựa chọn thay thế khác.
Ngoài ra, báo cáo việc làm tháng 5 cũng có những điểm thiếu liên kết, khiến các nhà phân tích cảm thấy hỗn loạn. Ví dụ, trong khi tỷ lệ thất nghiệp chung vẫn khá thấp ở mức 4,0% (so với lịch sử) thì tỷ lệ thất nghiệp ở những người từ 20 đến 24 tuổi là 7,9%, tăng từ mức 6,3% của một năm trước đó. Thêm vào đó, đầu tuần này, cơ hội việc làm tại Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất của hơn ba năm.
Một điểm đáng chú ý khác, đó là trong khi lĩnh vực giải trí và khách sạn đã tạo thêm 42.000 việc làm (tăng từ 12.000 việc làm của tháng 4 và tốt hơn mức trung bình 36.000 việc làm của 12 tháng trước), thì toàn bộ lĩnh vực sản xuất hàng hóa của nền kinh tế chỉ tạo thêm 25.000 việc làm trong tháng 5.
Trong lĩnh vực giải trí và khách sạn, dịch vụ ăn uống và địa điểm ăn uống đã tạo thêm 24.600 việc làm, lĩnh vực “giải trí và cờ bạc” tạo thêm 10.200 việc làm.
Các chuyên gia cho rằng đây một phần là do sự tiếp nối của một mô hình đã tồn tại kể từ sau đại dịch, với việc chi tiêu dịch vụ vượt trội so với chi tiêu hàng hóa. Người dân dường như đang ưu tiên rút hầu bao để trải nghiệm, hơn là mua sắm thêm hàng hóa - vốn đã được chất đầy trong nhà trong thời gian diễn ra đại dịch.
Và xu hướng này dường như đang tăng tốc. Theo dữ liệu của Bộ Thương mại về chi tiêu cá nhân, chi tiêu cho lĩnh vực dịch vụ đã tăng 2,9% (số liệu đã được điều chỉnh theo lạm phát) trong tháng 4 so với một năm trước đó, tăng so với tốc độ trung bình 2,3% của năm ngoái. Chi tiêu hàng hóa tăng 1,9% trong tháng 4 từ với mức trung bình 2% của năm 2023.
Một vấn đề ngày càng trở nên nổi cộm là các công ty phục vụ nhóm khách hàng giàu có hơn gần đây có vẻ đã tự tin hơn nhiều. Trong khi các nhà sản xuất thực phẩm chứng kiến người tiêu dùng phải vật lộn với lạm phát thì các hãng du lịch lại bùng nổ.
Điều này cho thấy những người có thu nhập thấp hơn đang phải dành phần lớn thu nhập của mình để trang trải cho những nhu cầu thiết yếu. Trong khi đó, các hộ gia đình giàu có hơn vẫn đang chi tiêu.
Ông Mark Kempa, Giám đốc tài chính của công ty du lịch Norwegian Cruise Line Holdings, cho biết tại một sự kiện dành cho nhà đầu tư rằng: “Người tiêu dùng mà chúng tôi theo đuổi đặc biệt kiên cường và mạnh mẽ”.
Giới thượng lưu ở Mỹ chủ yếu sở hữu nhà, hoặc đã thực hiện những khoản vay thế chấp với lãi suất siêu thấp trước đó, họ cũng không phải vật lộn với những khoản vay bằng thẻ tín dụng hoặc ô tô… nên không chịu nhiều tác động từ môi trường lãi suất cao hiện nay.
Những người này cũng được hưởng lợi từ một thị trường chứng khoán sôi động, bao gồm cả những mức định giá đầy phấn khích đối với các lĩnh vực liên quan đến trí tuệ nhân tạo. Môi trường lãi suất cao cũng đang mang lại cho họ mức thu nhập đầu tư cao kỷ lục, như The Wall Street Journal đưa tin gần đây.
Và có một điều không phải ai cũng nhận ra, đó là những người này, cho dù bằng cách vung tiền cho các kỳ nghỉ hay đấu giá thêm cổ phiếu Nvidia, đang khiến Fed khó cắt giảm lãi suất một cách thoải mái.
… cho thấy một bức tranh khác biệt
Gần 2/3 số người Mỹ được coi là thuộc tầng lớp trung lưu cho biết, họ đang phải đối mặt với khó khăn kinh tế và sự bất định về tương lai, theo kết quả thăm dò do Liên minh về chi phí sinh hoạt quốc gia thực hiện.
65% trong số 2.500 người tham gia khảo sát cho biết, họ đang gặp khó khăn về tài chính. Đây là những người trong hộ gia đình kiếm được ít nhất 60.000 USD/năm (cho một gia đình 4 người).
Trong khi đó, phần lớn người Mỹ có thu nhập cao hơn cũng cảm thấy bất an về mặt tài chính. Cuộc khảo sát cho thấy 1/4 số người có thu nhập hàng năm hơn 150.000 USD (cho một gia đình 4 người) cũng tỏ ra lo lắng về khả năng thanh khoản của họ.
Nhìn chung, bất kể mức thu nhập như thế nào, có đến 6/10 người được hỏi cảm thấy rằng họ hiện đang gặp khó khăn về tài chính.
Bà Jennifer Jones Austin, Giám đốc điều hành của một tổ chức vận động chống nghèo đói, là thành viên của nhóm thực hiện cuộc thăm dò, cho biết: “Nền kinh tế đang bùng nổ nhưng nhiều người Mỹ vẫn đang gặp khó khăn về mặt tài chính”. Đơn giản là họ không có đủ thời gian để nhìn xa hơn nhu cầu chi tiêu hiện tại của mình.
Lãi suất tăng nhanh, cùng với mức nợ tồn đọng cao, là nguyên nhân lý giải sự không liên quan giữa các chỉ số kinh tế và mức độ cảm nhận về tài chính của nhiều người Mỹ. Khoảng 40% số người được hỏi cho biết họ không thể lập kế hoạch chi tiêu vượt quá kỳ lương tiếp theo và 46% cho biết họ không tiết kiệm được dù chỉ là 500 USD.