Muôn kiểu trục lợi từ dịch bệnh Covid-19

07:41 | 31/08/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Cơ quan chức năng vừa phát hiện vụ nhập lậu gần 1.500 hộp thuốc kháng virus Favipiravir Tablets do Ấn Độ sản xuất nhập về Việt Nam.

 Trong khi trên danh mục Bộ Y tế không cấp phép lưu hành và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn cho biết chưa có loại thuốc nào được chính thức khẳng định điều trị hiệu quả COVID-19 thì tại một số quốc gia trong đó có Việt Nam lại xuất hiện thông tin về các loại thuốc đặc hiệu, coi như “thần dược” có thể chữa trị COVID-19. Những thông tin này chủ yếu lan tràn trên các mạng xã hội.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã xuất hiện gần hai năm và hiện vẫn diễn biến phức tạp với nhiều biến thể mới phát sinh khó đoán định, thì bên cạnh vaccine, hiện nhiều nước trên thế giới cũng đang nỗ lực, chạy đua để phát triển các loại thuốc điều trị COVID-19. Thuốc điều trị COVID-19 được đánh giá là sự bổ sung quan trọng để hỗ trợ điều trị bệnh nhân COVID-19 tự cách ly tại nhà hoặc điều trị tại bệnh viện. Bên cạnh đó, theo các chuyên gia dịch tễ học, SARS-CoV-2 và các biến chủng của loại virus này sẽ không biến mất hoàn toàn mà tồn tại giống như cúm mùa. Chính vì vậy, việc phát triển các loại thuốc uống điều trị COVID-19 lại càng trở nên cần thiết để người mắc có thể tự điều trị tại nhà, giảm thiểu khả năng phải nhập viện.

Việc phát triển một loại thuốc điều trị COVID-19 là sứ mệnh mà các nhà khoa học phải thực hiện để sớm đẩy lùi đại dịch. Các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, vì thế, đang chịu áp lực đáng kể trong "cuộc chạy đua" tìm ra phương pháp chữa trị COVID-19

Phát hiện "thần dược" chữa COVID-19 nhập lậu về Việt Nam

Chiều (30/8), Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Bắc (Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan) sau nhiều ngày xác minh, đã làm rõ vụ nhập lậu gần 1.500 hộp thuốc kháng virus Favipiravir Tablets do Ấn Độ sản xuất nhập về Việt Nam.

Số thuốc kháng virus Favipiravir Tablets nhập lậu về Việt Nam với số lượng lớn, hàng này được nhập về qua sân bay Nội Bài ngày 13/8 và ngày 15/8, được chuyển về kho hàng tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Muôn kiểu trục lợi từ dịch bệnh Covid-19 - ảnh 1

Favipiravir chỉ có khả năng ngăn chặn quá trình sao chép vật chất di truyền của virus chứ không phải "thần dược" đặc trị COVID-19 như được quảng cáo trên mạng

Trên tờ khai, doanh nghiệp nhập khẩu đứng tên vận đơn khai nhập hàng mẫu và thực phẩm bổ sung (thực phẩm chức năng). Để né kiểm tra của cơ quan hải quan, một tờ khai của doanh nghiệp nói trên được mở theo loại hình phi mậu dịch, một tờ khai mở theo loại hình nhập kinh doanh tiêu dùng.

Tuy nhiên, kết quả hàng là thuốc tân dược có tên Favipiravir Tablets do Ấn Độ sản xuất, tại thời điểm kiểm tra công ty này không có giấy tờ nhập khẩu theo quy định.

Danh tính doanh nghiệp nhập khẩu là Công ty TNHH thương mại và Dược phẩm Nhất Quang (MST: 0601219188), thành lập 7 do Sở KH&ĐT Nam Định cấp.

Công ty này mở 2 tờ khai nhập khẩu lô thuốc nói trên, tờ khai số 1 theo loại hình H11 (nhập hàng mẫu) khai báo là thực phẩm bổ sung (thực phẩm chức năng). Tờ số 2, công ty này mở tờ khai loại hình A11 (nhập kinh doanh tiêu dùng) khai báo là thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Khi kiểm tra thực tế, Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Bắc (Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan) xác định hàng hóa là thuốc "Favipiravir Tablets hàm lượng 400 mg" xuất xứ Ấn Độ.

Về chất lượng lô hàng, trao đổi nhanh với phóng viên, đại diện Cục Điều tra Chống buôn lậu cho biết đang phối hợp với các cơ quan chức năng thuộc Bộ Y tế, Cục Quản lý Dược, kết quả sẽ sớm được công bố.

Muôn kiểu trục lợi từ COVID-19

Ban đầu được phát triển để trị bệnh cúm và có cơ chế tương tự như Remdesivir, Favipiravir có khả năng ngăn chặn quá trình sao chép vật chất di truyền của virus. Một số nghiên cứu quy mô nhỏ cho thấy loại thuốc này có thể giúp loại bỏ virus SARS-CoV-2 khỏi đường thở của bệnh nhân. Từ năm 2020, Trung Quốc là nước đầu tiên cấp phép sử dụng Favipiravir để điều trị COVID-19, sau đó các nước như Nga, Nhật Bản, Ấn Độ, Italy… cũng có quyết định tương tự.

Cuối tháng 6 vừa qua, Viện Hóa học – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã nghiên cứu thành công phương pháp mới trong việc tổng hợp thuốc Favipiravir trong phòng thí nghiệm. Kết quả nghiên cứu này của Viện góp phần vào nỗ lực chung của các nhà khoa học Việt Nam trong nghiên cứu thuốc, vaccine và sinh phẩm phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 và được xem là tín hiệu đáng mừng mà các nhà khoa học Việt Nam mang lại.

Có thể thấy rõ ràng rằng với số lượng ca mắc COVID-19 vẫn không ngừng tăng lên, và việc xuất hiện các biến thể mới khó lường, thì việc tìm ra được một loại thuốc giúp điều trị hiệu quả căn bệnh này được xem là giải pháp bền vững. Tuy nhiên, các nghiên cứu thuốc điều trị COVID-19 hiện vẫn còn nhiều thách thức.

Gần đây, tại Việt Nam, trên mạng xã hội cũng xuất hiện một số thông tin rao bán các loại thuốc trị sốt rét, thuốc kháng sinh có thể uống để phòng, điều trị COVID-19 tại nhà, khiến người dân hiểu lầm về tác dụng của các loại thuốc này. Sau cơn sốt thuốc chloroquin, aspirin hồi năm ngoái, thì sang năm thứ hai chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, người ta lại đua nhau tìm mua lo tích trữ Xuyên tâm liên, Corticoid, rồi đến Tylenol, Favipiravir… được thổi bùng lên thành "thần dược". Sở dĩ có hiện tượng này là do những thông tin thiếu chính xác trên mạng xã hội, cùng với sự hoảng sợ về dịch bệnh, hoặc là với tâm lý tích trữ để dự phòng khi dịch bùng phát thì “không có mà mua”.

Không những thế, trên mạng xã hội cũng đã xuất hiện một bài thuốc Đông Tây y kết hợp điều trị nhiễm COVID-19 kết hợp Paracetamol và xông trong 7 ngày liên tục. Hay lợi dụng tâm lý lo lắng của người dân về các tác dụng phụ có thể có của vaccine, trên mạng xã hội cũng xuất hiện một bản hướng dẫn tiêm vaccine và thuốc tự điều trị COVID-19, trong đó cổ vũ dùng một số loại thuốc như Telfast (một thuốc chống dị ứng) trước tiêm. Đáng chú ý, trên một số tài khoản mạng xã hội còn nhận định, việc điều trị COVID-19 tương tự với bệnh hen hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và đưa ra những hướng dẫn về bài thuốc trị COVID-19...

Muôn kiểu trục lợi từ dịch bệnh Covid-19 - ảnh 2

Vaccine vẫn giữ vị trí trung tâm trong chiến lược chống lại COVID-19

Có thể khẳng định, cho đến nay, thế giới vẫn chưa tìm ra thuốc đặc trị đối với COVID-19, nó tấn công mọi ngõ ngách trên hành tinh, ảnh hưởng tới mọi mặt cuộc sống của người dân, thì những thông tin sai lệnh, chưa được kiểm chứng liên quan đến dịch bệnh và phương pháp điều trị tràn lan trên các mạng xã hội chắc chắn sẽ gây khó khăn thêm cho công tác phòng, chống đại dịch.

Hiện tại, việc điều trị COVID-19 tại Việt Nam đã có hướng dẫn điều trị của Bộ Y tế. Việc áp dụng các phác đồ điều trị bệnh nói chung, và COVID-19 nói riêng cần có sự tư vấn của các bác sỹ, chuyên gia y tế. Việc người dân tự tìm hiểu các thông tin, kiến thức liên quan đến dịch bệnh là đáng khuyến khích, tuy nhiên không nên tùy tiện áp dụng. Đặc biệt không nên thu gom, tích trữ thuốc tại nhà dẫn đến thiếu hụt thuốc tại các cơ sở y tế để điều trị cho các bệnh khác; đồng thời tạo cơ hội cho các gian thương đầu cơ, tăng giá thuốc. Không chỉ là người từ vùng dịch về mà bất kỳ ai khi có triệu chứng ho, sốt... nên liên hệ ngay với cơ sở y tế để được hướng dẫn kịp thời. Mỗi người dân cần cẩn trọng trước các bài thuốc lan truyền không rõ nguồn gốc trên các mạng xã hội, trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào cần xin ý kiến bác sĩ, không được tự ý sử dụng. Để công tác phòng, chống đại dịch COVID-19 của chúng ta tiếp tục phát huy hiệu quả, mỗi người dân cần chủ động trang bị kiến thức, kỹ năng chống dịch hiệu quả, không chủ quan nhưng cũng không tin “mù quáng” vào những thông tin không chính thống, chưa được kiểm chứng.

Rõ ràng hiện nay, vaccine vẫn giữ vị trí trung tâm trong chiến lược của chúng ta chống lại COVID-19. Chính vì vậy, bên cạnh việc nhanh chóng nghiên cứu và điều chế thuốc điều trị COVID-19, các quốc gia cần tiếp tục thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách khi ra nơi công cộng, vệ sinh tay và cải thiện hệ thống thông gió cho các không gian trong nhà. Tại Việt Nam đề nghị người dân thực hiện nghiêm túc chỉ thị 16 của Chính phủ.

Ly Na

Từ khóa: #COVID-19