Mỹ có thêm hơn 300.000 việc làm trong tháng 8, chứng tỏ thị trường lao động vẫn rất mạnh mẽ
Số liệu việc làm tích cực
Theo dữ liệu mới nhất từ Cục Thống kê Lao động Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tạo thêm 315.000 việc làm trong tháng 8.
Kết quả này thấp hơn ước tính trước đó của Dow Jones là 318.000 và cũng thấp hơn đáng kể so với mức 526.000 của tháng 7. Đây cũng là mức tăng hàng tháng thấp nhất kể từ tháng 4 năm ngoái.
Tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức 3,7% - cao hơn hai phần mười điểm % so với dự đoán. Nguyên nhân chủ yếu là do tỷ lệ tham gia lực lượng lao động đi lên. Một thước đo rộng hơn về tỷ lệ thất nghiệp đã nhích từ mức 6,7% của tháng trước lên 7%.
Tiền lương cũng tiếp tục tăng, dù thấp hơn một chút so với kỳ vọng. Thu nhập trung bình hàng giờ cao hơn tháng trước khoảng 0,3% và cao hơn cùng kỳ năm ngoái 5,2%. Dù vậy, cả hai đều thấp hơn dự đoán khoảng 0,1 điểm %.
Các dịch vụ chuyên nghiệp và kinh doanh dẫn đầu mức tăng về biên chế với 68.000 việc làm mới, tiếp theo chăm sóc sức khoẻ với 48.000 và bán lẻ với 44.000.
Giải trí và khách sạn - từng là hai lĩnh vực đi đầu trong cuộc phục hồi của thị trường việc làm hậu đại dịch, chỉ tạo thêm 31.000 việc làm mới. Trong 7 tháng đầu năm 2022, hai ngành này tạo thêm trung bình 90.000 việc làm.
Lĩnh vực sản xuất, tài chính và bán buôn thương mại lần lượt đóng góp thêm 22.000, 17.000 và 15.000 việc làm mới, theo dữ liệu của Cục Thống kê Lao động Mỹ.
Fed phải làm sao?
Các số liệu việc làm mới đang đặt ra một bài toán khó cho Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) - cơ quan đang cố gắng khống chế lạm phát.
Tại Mỹ, lạm phát đã leo lên mức cao nhất trong hơn 40 năm do tình trạng mất cân bằng cung cầu, các gói kích thích lớn từ Fed và Quốc hội, cũng như cuộc chiến tại Ukraine khiến chi phí sinh hoạt tăng vọt.
Tuy nhiên, thị trường lao động vẫn hoạt động mạnh mẽ ngay cả khi các khía cạnh khác của nền kinh tế suy yếu. Thị trường nhà ở đang có nguy cơ rơi vào suy thoái.
Bà Liz Ann Sonders - chiến lược gia đầu tư tại Charles Schwab, bình luận: “Đây là một giai đoạn kỳ lạ, khi thị trường lao động vẫn còn thắt chặt, tăng trưởng việc làm vẫn tiếp tục nhưng nhiều doanh nghiệp đã thông báo ngừng tuyển dụng, một số khác thì quyết định sa thải nhân sự”.
“Chúng ta rất có thể đang ở trong một cuộc suy thoái mà thị trường lao động không bị vùi dập thương tiếc như trong hầu hết các cuộc suy thoái trước đây”, vị chiến lược gia bày tỏ với CNBC.
Việc làm và tiền lương vẫn tăng trưởng trong bối cảnh lạm phát nhảy vọt và nhiều chuyên gia lo ngại rằng nền kinh tế đang chững lại. Trong liên tiếp hai quý đầu năm nay, GDP đã tăng trưởng âm - thoả điều kiện suy thoái.
Fed đã phải chiến đấu với lạm phát bằng một loạt các đợt tăng lãi suất từ đầu năm nay, tổng cộng là 2,25 điểm %. Dự kiến việc tăng lãi suất này sẽ tiếp tục cho tới năm sau.
Trong vài ngày gần đây, các tên tuổi hàng đầu ngân hàng trung ương Mỹ nhấn mạnh rằng họ không có ý định từ bỏ các biện pháp thắt chặt chính sách tiền tệ. Một số bày tỏ dẫu cho Fed ngừng tăng lãi suất, thì lãi suất vẫn sẽ duy trì ở mức cao “trong một thời gian”.
Trên thị trường tương lai, các nhà đầu tư đã hạ bớt kỳ vọng về một đợt tăng lãi suất 75 điểm cơ bản lần thứ ba liên tiếp vào tháng 9 tới. Xác suất cho khả năng này là 62% vào khoảng 10h sáng (theo giờ Mỹ), giảm từ mức 75% của ngày 1/9.
Một khía cạnh quan trọng mà Fed muốn sử dụng để điều chỉnh lạm phát là thị trường việc làm. Ngoài hoạt động tuyển dụng mạnh mẽ, các bản tin tuyển dụng hiện đang cao hơn nhiều so với lượng lao động sẵn có, tỷ lệ gần 2 ăn 1.
Điều đó đang gây áp lực lên tiền lương và tạo ra một vòng xoáy “giá - lương” luẩn quẩn, khiến không chỉ giá xăng và hàng tạp hoá mà cả chi phí chỗ ở càng dễ tăng cao hơn.
Báo cáo việc làm “không đủ mạnh để khiến Fed quyết liệt hơn nữa trong việc tăng lãi suất, và cũng không đủ yếu để họ giảm tốc độ tăng lãi suất”, ông Michael Arone - chiến lược gia trưởng tại State Street Global Advisors cho hay.
“Tôi không nghĩ báo cáo việc làm mới đây sẽ thay đổi bất cứ điều gì trên con đường chính sách mà Fed đã chọn”, vị chuyên gia nhấn mạnh.