Mỹ siết chặt nguồn vốn đầu tư của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ
(DNVN) - Bên cạnh việc vẫn đang bị phía Mỹ đe dọa tiếp tục có những biện pháp thuế quan mạnh mẽ hơn đối với hàng hóa của mình, Trung Quốc đang gặp rất nhiều khó khăn khi đầu tư vào các công ty của Mỹ cũng như tìm cách sở hữu các công nghệ Mỹ, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ hiện đại.
Dự kiến trong tuần này, Tổng thống Donald Trump sẽ ký một đạo luật nhằm tăng cường sự kiểm soát, giám sát của chính phủ Mỹ đối với các nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài cũng như việc xuất khẩu các công nghệ nhạy cảm.
Đạo luật này đã được Quốc hội Mỹ thông qua với sự nhất trí hiếm thấy của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa. Mặc dù không nêu đích danh Trung Quốc, nhưng rõ ràng không thể phủ nhận mục đích của nó là nhằm vào Bắc Kinh. Chính quyền Tổng thống Trump đã liên tục cáo buộc Trung Quốc sử dụng những “chiến thuật cướp bóc” để đánh cắp công nghệ Mỹ. Trước đây, ông Trump đã yêu cầu Bộ Tài chính soạn thảo dự luật quy định hạn chế đầu tư chỉ nhằm vào Trung Quốc.
Tuy vậy, cuối tháng Sáu vừa qua, ông Trump đã quyết định ủng hộ Quốc hội trong việc thắt chặt các quy định hạn chế đầu tư và kiểm soát xuất khẩu hiện hành đối với tất cả các quốc gia trên thế giới, không riêng gì Trung Quốc.
Đạo luật mới này sẽ tăng cường quyền hạn cho Ủy ban về Đầu tư nước ngoài (CFIUS) do Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đứng đầu trong việc xem xét, đánh giá hoạt động đầu tư nước ngoài.
Ủy ban này hiện tại có thể xem xét, đánh giá bất kỳ một dự án đầu tư nào trong đó cho phép người nước ngoài được tiếp cận các bí mật thương mại do các công ty công nghệ cao của Mỹ sở hữu.
Trước đây, việc này chỉ được thực hiện khi có một cá nhân nước ngoài giành được quyền kiểm soát một công ty của Mỹ.
Ủy ban này cũng sẽ được được giám sát các thỏa thuận về bất động sản có thể gây ra nguy cơ về an ninh quốc gia khi cho phép người nước ngoài được “ở trong phạm vi gần” đối với các nhân viên chính phủ và căn cứ quân sự.
Đạo luật cũng có các điều khoản quy định cho phép hủy bỏ các thỏa thuận được tiến hành với mục đích xâm phạm sự giám sát nói trên.
Hiện tại, Quốc hội Mỹ cũng đang chỉ đạo CFIUS tìm hiểu, điều tra sâu hơn đối với những trường hợp cụ thể nhằm xác định các thành phần trong đầu tư nước ngoài (ví dụ như trường hợp các công ty Trung Quốc tìm cách sở hữu một công nghệ cụ thể), đồng thời phối hợp với các đồng minh của Mỹ có cùng mối lo ngại về tham vọng sở hữu công nghệ cao của Bắc Kinh để đối phó với vấn đề này.
Đạo luật mới cũng tăng cường việc giám sát của Bộ Thương mại Mỹ đối với các hàng hóa công nghệ cao xuất khẩu của Mỹ. Theo đó, những công nghệ “mới và nền tảng” có tính nhạy cảm sẽ được các cơ quan chính phủ xác định và đưa vào danh mục kiểm soát xuất khẩu.
Theo cựu cố vấn kinh tế của Nhà Trắng Rod Hunter, việc thắt chặt hơn nữa hoạt động giám sát các mặt hàng công nghệ hiện đại xuất khẩu sẽ gây ra tác động mạnh hơn nhiều đối với Trung Quốc so với việc chính quyền Tổng thống Trump sử dụng các biện pháp thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu từ nước này.
Tuy vậy, các biện pháp mới nói trên có thể gây ra những gánh nặng đối với công ty của Mỹ do sẽ ngày càng khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn đầu tư từ Bắc Kinh.
Họ cũng sẽ không thể dễ dàng chia sẻ với đối tác hoặc khách hàng Trung Quốc các công nghệ mà chính quyền Mỹ cho rằng có tính nhạy cảm.
Rõ ràng, các động thái thắt chặt nói trên phản ánh sự thay đổi thái độ mạnh mẽ của Mỹ đối với các nguồn vốn đầu tư từ Trung Quốc.
Theo hãng nghiên cứu Rhodium Group, từ con số không đáng kể vào năm 2000, đến năm 2016, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Mỹ (bao gồm xây dựng các nhà máy, trụ sở văn phòng, cũng như việc mua lại các công ty Mỹ) đã đạt con số kỷ lục 46 tỷ USD.
Các nhà đầu tư Trung Quốc đổ vốn vào các công ty Mỹ liên quan đến trí tuệ nhân tạo, chế tạo người máy và công nghệ blockchain (công nghệ chuỗi khối).
Các nhà hoạch định chính sách của Mỹ đã bắt đầu lo ngại về những gì mà Trung Quốc định tiến hành, nhất là sau khi nước này thể hiện rõ tham vọng “nuôi dưỡng các công ty Trung Quốc trong nước phát triển thành các tập đoàn chiếm ưu thế vượt trội toàn cầu” trong các lĩnh vực như ô tô điện, người máy và các thiết bị y tế.
Thời gian gần đây, việc xem xét, kiểm soát của Mỹ đối với các nguồn vốn đầu tư từ Trung Quốc cũng đã trở nên chặt chẽ và nghiêm ngặt hơn.
Tháng Một vừa qua, chính phủ Mỹ đã ngăn chặn việc mua lại chi nhánh dịch vụ chuyển tiền của MoneyGram (có trụ sở tại Dallas) của công ty Ant Financial (Trung Quốc).
Lý do chính xuất phát từ mối lo ngại thỏa thuận này sẽ tạo cơ hội cho Trung Quốc tiếp cận dữ liệu tài chính của hàng triệu người dân Mỹ, kể cả các binh sỹ quân đội.
Việc thay đổi chính sách nói trên của Mỹ đã ảnh hưởng tới nguồn vốn đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào nước này.
Năm ngoái, nguồn vốn đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Mỹ đã giảm tới 36% xuống 29 tỷ USD.
Còn trong nửa đầu năm nay, theo hãng Rhodium Group, nguồn vốn đầu tư từ Bắc Kinh đã xuống mức thấp nhất trong 7 năm qua, chỉ đạt 1,8 tỷ USD, sụt tới 90% so với cùng kỳ năm ngoái./.