Nền kinh tế Mỹ chịu được một cú sốc nhưng liệu có trụ vững trước 4 mối đe doạ cùng lúc?

Yên Khê 11:41 | 25/09/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Fed tăng mạnh lãi suất để chống lạm phát, nền kinh tế Mỹ vẫn có thể trụ vững. Song, với 4 cú sốc diễn ra cùng lúc, liệu siêu cường số một thế giới có thể chống chịu được?

Công nhân ô tô Mỹ đình công. (Ảnh: Getty Images).

Bất chấp một số khó khăn từ đầu năm, nền kinh tế Mỹ vẫn trụ vững. Song ngay lúc này, siêu cường số một thế giới đang phải đối mặt với một loạt thách thức có nguy cơ gây ra nhiều bất ổn hơn.

Mỹ đang phải đương đầu với ít nhất 4 thử thách, gồm công nhân ngành tô tô đình công trên quy mô lớn hơn, chính phủ có khả năng sẽ đóng cửa kéo dài, chương trình thanh toán nợ vay sinh viên được khôi phục và giá dầu bật tăng.

Mỗi thách thức riêng lẻ sẽ không gây hại quá lớn. Tuy nhiên, khi kết hợp cùng nhau, chúng có thể gây thiệt hại nghiêm trọng hơn, đặc biệt là khi nền kinh tế đang hạ nhiệt do lãi suất cao.

Ông Gregory Daco, nhà kinh tế trưởng tại EY-Parthenon, cảnh báo: “4 mối đe doạ này có thể làm gián đoạn hoạt động kinh tế”.

Theo Wall Street Journal, nhiều nhà phân tích dự đoán nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng chậm hơn trong mùa thu năm nay nhưng sẽ không suy thoái.

Ông Daco ước tính tăng trưởng kinh tế sẽ tụt mạnh từ mức 3,5% trong quý III (tốc độ chuẩn hoá theo năm) xuống 0,6% vào quý IV. Goldman Sachs dự đoán tăng trưởng sẽ giảm tốc từ 3,1% trong quý III xuống 1,3% trong quý cuối năm.

Cho đến nay, chi tiêu tiêu dùng vẫn mạnh mẽ và tỷ lệ thất nghiệp thấp đã hỗ trợ tích cực cho nền kinh tế Mỹ, bất chấp việc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) nâng lãi suất lên mức cao nhất trong 22 năm để chống lạm phát. Trong khi đó, tăng trưởng tại châu Âu và Trung Quốc đã chững lại đáng kể.

 

Mối hoạ đầu tiên

Mối đe doạ đầu tiên với nền kinh tế lớn nhất thế giới là nguy cơ cuộc đình công của Nghiệp đoàn Công nhân Ô tô Mỹ (UAW) mở rộng quy mô và kéo dài lâu hơn. 

Gần 13.000 công nhân tại ba nhà máy củaFord, General Motors và Stellantis đã bắt đầu đình công từ ngày 15/9. Hồi cuối tuần trước, Chủ tịch UAW Shawn Fain cho biết cuộc đình công sẽ mở rộng sang 38 trung tâm phân phối phụ tùng của General Motors và Stellantis ở 20 bang.

Tác động ban đầu của cuộc đình công là không lớn, nhưng khi sự việc diễn ra trên phạm vi rộng hơn, sản lượng ô tô của Mỹ có thể đi xuống và kéo giá xe đi lên. Công nhân tại các nhà cung cấp phụ tùng cũng có thể mất việc.

Theo Goldman Sachs, cứ mỗi tuần trôi qua, cuộc đình công trên diện rộng sẽ khiến tăng trưởng kinh tế sụt khoảng 0,05 đến 0,1 điểm %.

Khi các nhà máy ngừng hoạt động, quá trình phục hồi của ngành công nghiệp ô tô sau đợt gián đoạn thời đại dịch sẽ bị đình trệ. Xe khan hiếm tại các đại lý trong suốt năm ngoái do sản lượng xuống thấp vì thiếu phụ tùng.

Ông Gabe Ehrlich, nhà kinh tế tại Đại học Michigan, cho biết: “Tôi không nghĩ cuộc đình công sẽ đẩy Mỹ vào suy thoái, nhưng có những mối hoạ khác... Gộp chung tất cả lại và có vẻ quý IV sẽ rất gập ghềnh”.

 

Mối hoạ thứ hai

Rủi ro tiếp theo có thể là việc chính phủ Mỹ phải đóng cửa một phần. Quốc hội có thời gian từ đây đến hết tháng 9 để thống nhất chi tiêu ngân sách của chính phủ. Hiện tại, các nhà lập pháp vẫn còn bất đồng quan điểm với nhau.

Nếu họ không đạt được thoả thuận, khoảng 800.000 công chức nhà nước sẽ phải tạm thời nghỉ việc. Họ có thể sẽ chi tiêu ít hơn trong thời gian chính phủ đóng cửa và Washington cũng sẽ tạm thời mua ít hàng hoá và dịch vụ hơn.

Hồi tháng 12/2018, bế tắc tương tự đã khiến một phần chính phủ phải đóng cửa trong 5 tuần. Khoảng 300.000 nhân viên liên bang phải tạm thời nghỉ việc.

Theo Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO), sự việc đã làm sản lượng kinh tế quý IV/2018 sụt khoảng 0,1% và quý I/2019 mất 0,2%.

CBO cho biết phần lớn sản lượng kinh tế bị mất đã được bù đắp về sau, khi chính phủ mở cửa trở lại và các công chức liên bang nhận được tiền lương.

Mối hoạ thứ ba

Một rủi ro khác là việc chính phủ khôi phục chương trình thanh toán nợ vay sinh viên vào ngày 1/10. Theo ước tính từ nhà kinh tế Tim Quinlan của Wells Fargo, túi tiền của người Mỹ có thể hao hụt khoảng 100 tỷ USD trong năm tới.

Hồi tháng 3/2020, Bộ Giáo dục Mỹ đã tạm dừng việc thanh toán để giảm bớt tác động tài chính của đại dịch. Nhờ đó, người dân có thể dùng tiền để chi tiêu cho những hàng hoá và dịch vụ khác, giúp thúc đẩy tăng trưởng.

Khi chương trình thanh toán nợ vay sinh viên khôi phục lại, mỗi người đi vay sẽ mất trung bình từ 200 đến 300 USD mỗi tháng.

Mặc dù chúng chỉ chiếm một phần tương đối nhỏ trong tổng chi tiêu tiêu dùng hàng năm của Mỹ là 18.000 tỷ USD, đây vẫn là mối lo ngại đối với Walmart, Target và các nhà bán lẻ lớn khác.

 

Mối hoạ cuối cùng

Giá xăng tăng cao hơn sẽ gây thêm áp lực cho nền kinh tế Mỹ. Giá dầu Brent chuẩn quốc tế đã dao động trên mức 90 USD/thùng trong vài ngày qua, nhảy vọt so với mức hơn 70 USD vào mùa hè.

Theo dữ liệu của Bộ Lao động Mỹ, giá xăng trong tháng 8 cao hơn tháng liền trước 10,6%. Đây là mức tăng hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 6/2022, khiến lạm phát tiêu dùng đi lên tháng thứ hai liên tiếp.

Trong tháng 9, giá xăng nhìn chung vẫn duy trì ở mức cao. Dữ liệu từ nền tảng OPIS cho thấy, giá xăng trung bình vào ngày 22/9 là 3,86 USD/gallon.

Chi phí năng lượng tăng cao, tương tự như chương trình thanh toán nợ vay sinh viên, cũng lậm vào khoản ngân sách mà người Mỹ dành cho việc đi ăn nhà hàng, mua quà tặng và chi tiêu tuỳ ý khác.

Giá xăng còn tác động đến giá hàng hoá và dịch vụ. Giá vé máy bay đã tăng gần 5% vào tháng trước. Lạm phát dai dẳng có thể gây áp lực buộc Fed phải giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian dài hơn.

Tại cuộc họp chính sách tháng 9, khi được hỏi về các yếu tố bên ngoài có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết: “Đó là cuộc đình công, nguy cơ chính phủ đóng cửa, chương trình thanh toán nợ vay sinh viên, việc lãi suất dài hạn cao hơn và cú sốc giá dầu”.