Nếu nền kinh tế Mỹ hạ cánh mềm, nhiều quốc gia sẽ lao đao

Giang 19:38 | 16/10/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Mỹ rơi vào suy thoái chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Nhưng nền kinh tế Mỹ mạnh mẽ bất ngờ cũng sẽ gây rắc rối cho phần còn lại của thế giới, đặc biệt là các thị trường mới nổi.

(Hình minh họa: Getty Images).

Nền kinh tế Mỹ có khả năng sẽ hạ cánh mềm, nhưng phần còn lại của thế giới đang có nguy cơ tiếp đất theo cách không mấy dễ chịu.

Theo tờ Wall Street Jounal (WSJ), đà tăng trưởng nóng của Mỹ có thể buộc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) phải duy trì lãi suất ở mức cao trong lâu hơn, khiến đồng USD tăng giá và gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế của những nước khác.

Đà tăng mạnh của dầu thô kể từ mùa hè vừa qua cũng đe dọa sẽ kích thích lạm phát đi lên lần nữa, đúng lúc nhiều ngân hàng trung ương nghĩ rằng họ đã đi đến cuối chu kỳ thắt chặt chính sách.

 

Bà Kristalina Georgieva, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đã cảnh báo về “sự khác biệt ngày càng lớn giữa vận mệnh kinh tế của các nước” trong cuộc họp thường niên giữa IMF và World Bank hồi tuần trước.

Xung đột giữa Israel và Hamas đe dọa sẽ gây biến động mạnh trên thị trường năng lượng, tương tự như những gì từng xảy ra sau khi Nga tấn công Ukraine hồi năm ngoái.

Ông Bruno Le Maire, Bộ trưởng Bộ Tài chính Pháp, phát biểu: “Hiện tại, căng thẳng địa chính trị là rủi ro kinh tế đáng ngại và chúng ta đều biết điều này. Bất kỳ động thái leo thang xung đột nào tại Trung Đông cũng đều gây ảnh hưởng đáng kể lên tăng trưởng toàn cầu”.

Chia rẽ

Dữ liệu kinh tế mạnh mẽ đã giúp lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ vọt lên mức cao nhất trong 16 năm trong bối cảnh giới đầu tư cược rằng Fed sẽ giữ lãi suất cao trong lâu hơn.

Tuần trước, IMF đã nâng dự báo tăng trưởng của Mỹ lên 2,1% trong năm nay và 1,5% vào năm sau. Đây là dấu hiệu cho thấy IMF tin tưởng nền kinh tế Mỹ sẽ hạ cánh “nhẹ nhàng hơn” so với dự kiến trước đó.

Tuy nhiên, dự báo của IMF dành cho phần còn lại của thế giới lại ảm đạm hơn. Nền kinh tế Trung Quốc đang bị đè nặng khi thị trường bất động sản lao dốc, xuất khẩu sa sút và nhu cầu tiêu dùng sụt giảm. Khó khăn của Trung Quốc tác động tiêu cực lên Đức và biến châu Âu thành điểm yếu trong nền kinh tế toàn cầu.

 

IMF dự kiến tổng thương mại toàn cầu sẽ chỉ tăng trưởng 0,9% trong năm nay, thấp hơn hẳn mức 5,1% vào năm ngoái. Cơ quan này lo ngại rằng sự giảm tốc của hoạt động thương mại toàn cầu có thể là điểm khởi đầu của hiện tương phi toàn cầu hóa.

Khi hoạch định chính sách kinh tế, nhiều quốc gia đang chuyển sang ưu tiên cho an ninh thay vì tăng trưởng. Các cuộc xung đột địa chính trị như chiến sự Nga - Ukraine và căng thẳng Mỹ - Trung đã làm đảo lộn chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tình trạng gián đoạn của chuỗi cung ứng đã cản trở tăng trưởng và khiến các nhà đầu tư phải gánh chịu nhiều rủi ro hơn từ những cú sốc địa chính trị tiềm ẩn, khiến họ đòi hỏi lợi nhuận cao hơn, kéo lãi suất đi lên.

Rủi ro lãi suất

Lạm phát cao dai dẳng là yếu tố tiếp tục gây bất ngờ cho nhà đầu tư và các ngân hàng trung ương trên thế giới. IMF đã nâng dự báo lạm phát năm 2024 lên 5,8%, cao hơn 0,6 điểm % so với ước tính trước đó. Cơ quan này dự đoán hầu hết các nước sẽ đưa lạm phát quay về mức mục tiêu sau năm 2025.

Ngoài Mỹ, các quốc gia khác còn phải đối mặt với rủi ro lạm phát từ đà tăng của đồng USD. Khi USD tăng giá, các nước sẽ phải tốn kém nhiều hơn để mua hàng hóa và sản phẩm nước ngoài, bởi giá của chúng hầu hết được niêm yết bằng USD.

Ông Abdellatif Jouahri, Thống đốc ngân hàng trung ương Morocco, phát biểu: “Các ngân hàng trung ương không thích thú gì với việc duy trì lãi suất cao hơn, trong thời gian dài hơn. Nhưng vì lạm phát dai dẳng hơn những gì chúng tôi tưởng, chúng tôi sẽ phải làm vậy”.

Đó là lý do một số ngân hàng trung ương muốn Fed tập trung kiểm soát lạm phát dù lãi suất của Mỹ gây rắc rối cho các thị trường mới nổi. Ông Jouahri nói việc Mỹ kiểm soát được lạm phát sẽ giúp ích cho Morocco.

Nỗi khổ của các thị trường mới nổi

Theo tờ WSJ, các quan chức tài chính toàn cầu lo sợ rằng việc lãi suất gia tăng và đồng USD mạnh lên có thể khiến vấn đề nợ nần của một số nước đang phát triển trở nên nghiêm trọng hơn.

Sức mạnh của đồng USD đang khiến cho việc thanh toán nợ vay bằng đồng tiền này trở nên tốn kém hơn, đặc biệt là tại các thị trường mới nổi. Lãi suất đi lên sẽ càng khiến chính phủ khó phát hành nợ mới để tự tài trợ và tái cấp vốn cho trái phiếu sắp đến hạn.

Theo IMF, gần 60% các quốc gia thu nhập thấp đang hoặc có nguy cơ rơi vào tình trạng căng thẳng nợ nần. Một quốc gia bị xếp vào nhóm này khi họ không thể đáp ứng các nghĩa vụ nợ.

Những quốc gia đã vỡ nợ trái phiếu nước ngoài như Zambia và Sri Lanka vẫn phải phải đối mặt với nhiều khó khăn nhằm được miễn, giảm nợ.

Trung Quốc hiện là bên cho vay lớn nhất tại các nước đang phát triển và đây là một trong những thách thức trong quá trình giải quyết bài toán nợ nần. Trong suốt nhiều thập kỷ, Câu lạc bộ Paris dưới sự dẫn dắt của các quốc gia phương Tây là bên đi đầu các nỗ lực tái cấu trúc nợ.