'Ngấm đòn' COVID-19, nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ giải thể
Hoạt động của nền kinh tế đã dần trở lại bình thường sau khi chấm dứt giãn cách xã hội sau đợt bùng phát dịch COVID-19 lần 2 kể từ cuối tháng 7/2020 nhưng khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn gặp rất nhiều khó khăn.
TTXVN đưa tin, theo kết quả khảo sát của Vietnam Report, có tới 60% doanh nghiệp cho biết, doanh thu trong nửa đầu năm 2020 đã giảm so với cùng kỳ năm 2019.
Trong số đó, gần 15% doanh nghiệp có doanh thu bị sụt giảm mạnh. Song song đó, có 54% doanh nghiệp cho biết lợi nhuận trước thuế trong nửa đầu năm 2020 giảm so với cùng kỳ năm 2019; trong đó, có 31% doanh nghiệp bị sụt giảm mạnh về lợi nhuận, thậm chí thua lỗ nghiêm trọng.
Tổng cục Thống kê cũng vừa công bố số liệu, 8 tháng năm 2020. Theo đó, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là gần 34,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 70,8% so với cùng kỳ năm 2019; có 24,2 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và 10,4 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.
Trong số các doanh nghiệp giải thể, có 9,2 nghìn doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng và 168 doanh nghiệp có quy mô vốn trên 100 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy với gần 3,8 nghìn doanh nghiệp; công nghiệp chế biến, chế tạo có 1.175 doanh nghiệp; xây dựng có 897 doanh nghiệp; kinh doanh bất động sản có 620 doanh nghiệp; dịch vụ lưu trú và ăn uống có 589 doanh nghiệp…
Nhận thức rõ được những khó khăn từ tác động của đại dịch cũng như sự bất ổn tình hình kinh tế - chính trị thế giới, một số doanh nghiệp đã tiến hành điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2020 để phù hợp và sát với thực tế hơn.
Cụ thể, có 77,1% doanh nghiệp trả lời khảo sát cho biết đã hoàn thành trên 50% kế hoạch doanh thu năm 2020; trong đó, 36,1% doanh nghiệp đã hoàn thành trên 80% kế hoạch cả năm.
Về mức độ hoàn thành lợi nhuận năm 2020, có 68,9% doanh nghiệp cho biết đã hoàn thành trên 50% kế hoạch, 31,1% trong số đó đã hoàn thành trên 80% kế hoạch của cả năm 2020. Tuy nhiên, đó chưa phải là những vùng sáng chủ đạo trên bức tranh tổng thể của nền kinh tế quốc gia.
Trước đó, trao đổi với báo Đầu tư, TS. Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp (Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng lo ngại trước tình trạng doanh nghiệp nhỏ và vừa ồ ạt đóng cửa do thiếu vốn.
Theo ông Thúy, doanh nghiệp lớn có quy mô vốn lớn, nhiều kinh nghiệm, thị trường lớn và thị trường chỉ tạm thời bị gián đoạn do dịch bệnh, nên khi dịch bệnh đi qua, khu vực doanh nghiệp này sẽ sớm phục hồi.
Trong khi đó, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, chủ yếu mới thành lập, vốn ít, chưa có kinh nghiệm, nên dễ phải đóng cửa khi bị tác động tiêu cực như đại dịch Covid-19.
TS. Phạm Đình Thúy cho rằng, để giải cứu doanh nghiệp, bên cạnh được hưởng các chính sách giảm 50% các loại thuế, phí, lệ phí; được gia hạn tiền thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng và tiền sử dụng đất như các doanh nghiệp khác, doanh nghiệp nhỏ và vừa, siêu nhỏ còn được giảm 30% thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 theo Nghị quyết của Quốc hội.
Cần thực hiện tất cả các chính sách hỗ trợ theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; sử dụng có hiệu quả Quỹ Hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ để giải quyết bài toán thế chấp tài sản khi khu vực doanh nghiệp này vay vốn ngân hàng.
Còn để giải quyết vấn đề hoạt động làm sao có hiệu quả, thì doanh nghiệp phải tự làm, không ai có thể làm thay.
Ở tầm vĩ mô, Chính phủ phải quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư, ban quản lý dự án đẩy mạnh hơn nữa tiến độ đầu tư công. Khi vốn đầu tư công được giải phóng sẽ trở thành lực kéo doanh nghiệp tham gia đầu tư vào nền kinh tế.
Lệ Vỹ