Ngân hàng công bố báo cáo tài chính: Lãi lớn
SHB ghi nhận lợi nhuận kỷ lục từ trước tới nay
Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB) vừa công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2021 với nhiều chỉ tiêu tài chính tăng trưởng bứt phá. Trong đó, lợi nhuận trước thuế của SHB đạt 5.055 tỷ đồng, tăng 93,9% so với cùng kỳ năm 2020 và hoàn thành 86% kế hoạch cả năm. Với kết quả kinh doanh ấn tượng thời gian qua, đặc biệt là hàng loạt sự kiện nổi bật tạo nên nhiều lợi thế cho SHB trong việc nâng cao năng lực tài chính, năng lực quản trị, tạo đà tăng trưởng bứt phá trong năm 2021 và các năm tiếp theo.
Theo đó, 9 tháng đầu năm, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của SHB đạt 5.055 tỷ đồng, tăng 93,9% so với cùng kỳ năm 2020. Với kết quả này, sau nhiều quý liên tục cải thiện, tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) là 1,5%; tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) của SHB đạt 25,6%, tương đương với chỉ số hiệu quả hàng đầu hệ thống các NHTM Việt Nam hiện nay.
Trong 9 tháng đầu năm, tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) của ngân hàng ở mức dưới 30%, mức tối ưu trong hệ thống, giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2020. Kết quả này đã phản ánh hiệu quả hơn trong tối ưu hóa vận hành với giá trị của chuyển đổi số, chất lượng nhân sự nâng cao năng suất và giảm thiểu các chi phí đầu tư theo mô hình ngân hàng truyền thống như trước đây.
Tính đến 30/09/2021, tổng tài sản SHB đạt 464 nghìn tỷ đồng, tăng 12,5% so với thời điểm đầu năm, vượt kế hoạch ĐHĐCĐ đã đề ra cho cả năm.
Vốn tự có của ngân hàng đạt hơn 43,3 nghìn tỷ đồng. Vốn điều lệ hiện đang là 19.260 tỷ đồng và dự kiến sẽ tăng lên 26.674 tỷ đồng trong năm nay theo phương án đã được NHNN chấp thuận. Trong đó, SHB sẽ chi trả cổ tức năm 2020 với tỷ lệ 10,5% bằng cổ phiếu và chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ thực hiện quyền 100:28, giá chào bán 12.500 đồng/cổ phiếu.
Mặc dù chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch Covid, song kết thúc quý III, tỷ lệ nợ xấu của SHB được kiểm soát ở mức 2,1%.
Vừa qua, SHB đã thoái vốn công ty tài chính tiêu dùng cho đối tác nước ngoài, mang lại nguồn thặng dư vốn đáng kể cho cổ đông và ngân hàng. Đồng thời mới đây, SHB được chấp thuận tạm khóa Tỷ lệ sở hữu nước ngoài ở mức 10% để chào bán, phát hành chứng khoán cho NĐT nước ngoài.
Đặc biệt đáng chú ý, sự kiện ngày 11/10, SHB chính thức chuyển giao dịch cổ phiếu sang HOSE, mở ra triển vọng tăng trưởng mới. Uy tín và năng lực tài chính của SHB cùng lợi thế của HOSE sẽ mang lại sức mạnh cộng hưởng, mở ra triển vọng mới, SHB sẽ gia tăng lựa chọn nhà đầu tư chiến lược lớn nước ngoài có chung tầm nhìn và chiến lược dài hạn, đưa ngân hàng tăng trưởng bứt phá trong thời gian tới.
Năm 2020 khép lại quá trình nhận sáp nhập Habubank, xử lý cơ bản các tồn đọng theo Đề án nhận sáp nhập, SHB mở ra một giai đoạn mới bứt phá mới cho năm 2021 và các năm tiếp theo. Ngân hàng tiếp tục nâng cao năng lực quản trị điều hành, cải cách, đối mới công tác phát triển nguồn nhân lực; Nâng cao công tác quản trị rủi ro nhằm đảm bảo hoạt động tăng trưởng tín dụng đi đôi với chất lượng tín dụng, hướng tới Basel III và chuẩn mực quốc tế IFRS 9.
NCB lợi nhuận trước thuế gấp 16 lần cùng kỳ
Theo báo cáo tài chính quý 3/2021 của Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB – mã: NVB), uối tháng 9, tổng tài sản của ngân hàng đạt hơn 81.100 tỷ đồng, giảm 9,6% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 2,6% lên hơn 41.300 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng giảm 3,7% xuống mức 69.501 tỷ đồng.
Trong quý 3, kết quả kinh doanh của NCB tăng trưởng mạnh. Cụ thể, thu nhập lãi thuần của NCB đạt 439 tỷ đồng, tăng 25,2% so với cùng kỳ. Ngoài ra, hoạt động dịch vụ có lãi 12,25 tỷ đồng, tăng 34,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư lãi tới 54,6 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần cùng kỳ.
Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh ngoại hối bị lỗ 860 triệu đồng. Hoạt động khác bất ngờ lỗ 43,8 tỷ trong khi cùng kỳ có lãi hơn 9 tỷ.
Tổng thu nhập hoạt động trong quý 3 của NCB đạt hơn 461 tỷ, tăng 20,7% so với cùng kỳ. Chi phí hoạt động tăng 21,7% lên 250 tỷ. Theo đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh (trước trích lập) đạt 211 tỷ đồng, tăng 19,5% so với cùng kỳ.
Chi phí dự phòng của ngân hàng trong quý 3 ở mức 132 tỷ đồng, gấp 66 lần so với cùng kỳ. Tuy nhiên, cùng kỳ năm ngoái, NCB phải trích lập 170 tỷ các khoản xử lý theo đề án tái cấu trúc.
Theo đó, ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý 3/2021 ở mức 80 tỷ đồng, cao gấp 16 lần quý 3/2020.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, lợi nhuận trước thuế của NCB đạt 204 tỷ đồng, cao gấp hơn 7 lần cùng kỳ.
Tại thời điểm cuối tháng 9, nợ xấu nội bảng của NCB là 800 tỷ, tăng 191 tỷ so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,51% lên 1,94%.
Bên cạnh kết quả kinh doanh tích cực, đáng chú ý, lương thưởng cán bộ nhân viên nhà băng này cũng tăng khá mạnh. Cụ thể, thu nhập bình quân nhân viên NCB trong 9 tháng đầu năm là 18,5 triệu đồng/tháng, tăng 3 triệu đồng/tháng so với cùng kỳ năm 2020.
Bên cạnh NCB, nhiều ngân hàng cũng đã công bố sơ bộ kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm như TPBank, SeABank, HDBank, SHB.
Cụ thể, tại TPBank, tính đến hết ngày 30/9/2021, tổng tài sản của ngân hàng đạt 260.328 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước và vượt hơn 4% kế hoạch cả năm. Tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng đạt 9.868 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ. Tăng trưởng tín dụng trong ba quý qua là 15%.
Về lợi nhuận TPBank cho biết, kết thúc 9 tháng, ngân hàng đã đạt 75,76% kế hoạch cả năm.
HDBank thì cho biết, tính đến hết ngày 30/9/2021, tổng tài sản của ngân hàng đạt hơn 346 nghìn tỷ đồng, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm trước. Dư nợ tăng 16,1% so với cùng kỳ. Tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ duy trì thấp dưới 1%, tỷ lệ nợ xấu hợp nhất ở mức 1,4%, đều thấp hơn cùng kỳ năm trước. Dư nợ các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao và nợ tái cơ cấu được kiểm soát tốt.