Những ngân hàng và tổng công ty lớn nào vào "tầm ngắm" kiểm toán năm 2022?

11:00 | 10/10/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong năm 2022, Kiểm toán Nhà nước sẽ tổ chức thực hiện 168 cuộc kiểm toán trên các lĩnh vực, dự kiến thực hiện 17 cuộc kiểm toán trong lĩnh vực doanh nghiệp và tổ chức tài chính ngân hàng, gồm Ngân hàng Nhà nước; 9 tập đoàn, tổng công ty nhà nước; 7 ngân hàng, các tổ chức tài chính, tín dụng và tổ chức khác.

Theo đó, cơ quan kiểm toán cho biết, trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động xấu đến mọi hoạt động của đời sống kinh tế - xã hội, tổng số cuộc kiểm toán năm 2022 không tăng so với năm 2021 (181 cuộc theo kế hoạch kiểm toán đầu năm).

Việc lựa chọn kiểm toán các chủ đề lớn gắn với việc quản lý, điều hành NSNN; những vấn đề dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; những vấn đề quan trọng của đất nước; phục vụ tích cực cho các hoạt động của Quốc hội về lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Có 4 ngân hàng lớn nằm trong diện kiểm toán năm 2022

Trong đó trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty nhà nước nhằm đánh giá thực trạng công tác quản lý tài chính và cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư của Nhà nước tại các đơn vị được kiểm toán; ưu tiên kiểm toán việc thực hiện các Nghị quyết Trung ương, Quốc hội về sắp xếp, cổ phần hóa và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; kiến nghị xử lý các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ; đầu tư ngoài ngành, đầu tư ra nước ngoài không hiệu quả…

Đối với lĩnh vực tài chính ngân hàng, Kiểm toán Nhà nước sẽ thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2021 của Ngân hàng nhà nước và một số ngân hàng, tổng công ty tài chính, bảo hiểm có quy mô lớn để đánh giá thực trạng tài chính của đơn vị và hiệu quả công tác quản lý, điều hành chính sách tiền tệ. 

Loạt doanh nghiệp này bao gồm Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam; Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam; Tổng công ty Hàng hải Việt Nam; Tổng công ty Lương thực miền Bắc; Tổng công ty Bưu điện Việt Nam; Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam…

Ngoài ra Kiểm toán Nhà nước cũng cho biết sẽ thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2021 của Ngân hàng nhà nước và một số ngân hàng, tổng công ty tài chính, bảo hiểm có quy mô lớn để đánh giá thực trạng tài chính của đơn vị và hiệu quả công tác quản lý, điều hành chính sách tiền tệ.

Theo kế hoạch, có 4 ngân hàng nằm trong trong kế hoạch kiểm toán năm 2022 của KTNN bao gồm Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank); Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng Chính sách xã hội. Ngoài ra, còn có những đơn vị khác như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba), Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost),...

Được biết trước đó, hồi tháng 7/2021, Kiểm toán Nhà nước chỉ ra ba ngân hàng trong nước và 4 ngân hàng ngoại đã tăng trưởng tín dụng vượt mức tối đa cho phép của NHNN năm 2019. Trong đó có ba ngân hàng nội (gồm PVcomBank, SCB và BaoVietBank) và 4 ngân hàng ngoại gồm: Shinhan Bank vượt 132 tỷ đồng, Ngân hàng Mizuho TP HCM vượt 192 tỷ đồng, Ngân hàng Busan - Chi nhánh TP HCM vượt 83 tỷ đồng, Ngân hàng Liên doanh Việt - Nga vượt 69 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, KTTN cũng chi ra một số đơn vị đầu tư tài chính không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp; hạch toán doanh thu, thu nhập, chi phí chưa phù hợp, chính xác. Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (Agribank) mức chia cổ tức, lợi nhuận chỉ bằng 1,17% vốn đầu tư. Nhiều khoản đầu tư của ngân hàng không hiệu quả phải trích lập dự phòng 100% vốn đầu tư gồm 294 tỷ đồng vào Công ty TNHH MTV Cho thuê tài chính II (ALC II) đã phá sản; 172 tỷ đồng vào ALC I 8,2 tỷ đồng vào Công ty TNHH Liên doanh Quản lý Đầu tư Agribank - VGFM.

Hơn nữa, Agribank còn phải chịu trách nhiệm về khoản tổn thất phải bồi thường cho BHXH Việt Nam theo phán quyết của tòa án 862,64 tỷ đồng do bảo lãnh cho ALC II; Cùng với đó, khoản đầu tư 1.251 tỷ đồng vào Công ty CP Chứng khoán Agribank phải trích lập dự phòng 92,34 tỷ đồng (lỗ lũy kế đến 31/12/2019 của công ty là 360,6 tỷ đồng). Đầu tư vào Bảo hiểm Bảo Minh có tỷ suất lợi nhuận/vốn đầu tư bằng 4,8%.

Trọng tâm là cải thiện và nâng cao năng lực tài chính, xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42; việc thực hiện cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí; vay không có tài sản bảo đảm để trả lương cho người lao động...