Ngân hàng lên kế hoạch cho năm 2024: Nơi dè dặt lợi nhuận, nơi tăng hơn 90%

Minh Quang 07:44 | 13/03/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Nhiều ngân hàng lớn đưa ra kế hoạch lợi nhuận thận trọng trong khi có nhà băng lại đặt mục tiêu tăng trưởng gần gấp đôi trong năm 2024.

Trước khi Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên diễn ra, một số ngân hàng đã có những hé lộ về kế hoạch kinh doanh trong năm 2024. Hiện đã có 5 ngân hàng đưa ra mục tiêu lợi nhuận cụ thể. Nhìn chung, đa số các nhà băng lớn đều đặt kế hoạch có phần thận trọng hơn so với năm trước.

Lợi nhuận trước thuế hợp nhất.

Tại Hội nghị tổng kết năm 2023 và triển khai nhiệm vụ 2024, ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Vietcombank tiết lộ mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2024 tăng ít nhất 10%. Với việc lợi nhuận hợp nhất của Vietcombank đạt 41.244 vào năm 2023, có thể ước tính rằng ngân hàng phải thu về gần 45.400 tỷ đồng để đạt được mục tiêu trên.

Ngoài ra, Vietcombank cũng đề ra những nhiệm vụ như tổng tài sản tăng ít nhất 8%, tăng trưởng tín dụng ít nhất 12%, nằm trong hạn mức Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giao, nợ xấu dưới 1,5%.

MB, ngân hàng có lợi nhuận cao thứ ba toàn ngành, cũng đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 10% trong năm 2024, lên 28.800 tỷ đồng.

Tại Hội nghị Nhà đầu tư cập nhật kết quả kinh doanh và động lực tăng trưởng trong năm 2024 vừa tổ chức hôm 6/3, ông Lưu Hoài Sơn, Giám đốc Ban Kế hoạch & Marketing MB, cho biết trong năm 2024, ngân hàng kỳ vọng tăng trưởng tín dụng cao hơn mức 16% được NHNN giao. Trên cơ sở này, lợi nhuận trước thuế ước đạt 28.800 tỷ đồng, tăng 10% so với năm trước và tương ứng với số lượng khách hàng là 30 triệu.

Chia sẻ về kế hoạch lợi nhuận có phần khiêm tốn này, Chủ tịch MB Lưu Trung Thái cho biết những mục tiêu mà ngân hàng đề ra là phù hợp với tình hình kinh tế năm 2024 khi khó khăn vẫn còn hiện hữu. Nó phản ánh những lo ngại về nợ xấu ngân hàng, khả năng tăng trưởng tín dụng,...

"Biên lợi nhuận của ngành trong năm 2023 đang suy giảm. Chúng tôi dự báo nếu giữ được phương án đi ngang trong năm nay là tốt rồi... Chúng tôi dự định phương án kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận khoảng 10% và nếu điều kiện kinh tế tốt hơn vào giữa năm và cuối năm thì mục tiêu này có thể mở rộng thêm", Chủ tịch MB chia sẻ.

Trong Hội nghị nhà đầu tư cập nhật kết quả kinh doanh năm 2023, HDBank cũng đã công bố mục tiêu chiến lược giai đoạn 2021 - 2025, trong đó lợi nhuận năm 2025 dự kiến sẽ đạt trên 20.000 tỷ đồng. Riêng với năm 2024, ngân hàng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế sẽ tăng trên 20%.

Tín dụng năm nay được kỳ vọng sẽ tăng khoảng 20%, phù hợp với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng do NHNN. NIM được dự báo sẽ ổn định trong khoảng từ 5 đến 5,2% nhờ lãi suất cho vay giảm mạnh trong khi tăng trưởng tín dụng được duy trì tốt.

Khác với các ngân hàng quốc doanh và ngân hàng cổ phần lớn, Eximbank lại đặt ra mục tiêu lợi nhuận tham vọng hơn nhiều. Trong năm 2024, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế là 5.180 tỷ đồng, tăng 90,5% so với kết quả thực hiện năm 2023.

Tổng tài sản được kỳ vọng tăng thêm 11%, lên mức 223.500 tỷ đồng, huy động vốn tiến thêm 10,5%, lên 175.000 tỷ đồng. Eximbank đặt mục tiêu dư nợ tín dụng tăng 14,6%, lên 161.000 tỷ đồng, trong khi tỷ lệ nợ xấu được giảm về ngang với năm 2022, ở mức 1,8%.

 

Trong khi đó, “tân binh” trên sàn HOSE là Nam A Bank lại lựa chọn mốc lợi nhuận 4.000 tỷ đồng trong năm 2024 và 5.000 tỷ đồng cho năm 2025, tương ứng tăng hơn 20%/năm.

Quy mô tài sản của Nam A Bank dự kiến đạt 232.000 tỷ đồng trong năm nay và 260.000 tỷ đồng trong năm 2025. Huy động ở mức hơn 202.000 tỷ đồng vào năm 2025 trong khi cho vay khách hàng sẽ lên 181.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu được kỳ vọng duy trì quanh mức 2%, biên lãi thuần (NIM) khoảng trên 3,3%.

Một số ngân hàng khác như VietinBank hay MSB chưa công bố cột mốc lợi nhuận cụ thể, nhưng cũng đã có những định hướng về hoạt động trong năm 2024 và những năm sau đó.

Cụ thể, trong chiến lược phát triển VietinBank giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến 2030, ngân hàng đặt mục tiêu tổng tài sản tăng trung bình tối thiểu 5%, dư nợ tín dụng tăng tối thiểu từ 5-10%, phù hợp với quy định của NHNN.

Tỷ lệ nội xấu kỳ vọng dưới 2%, ROA trên 1% trong khi ROE bình quân hơn 14%. Ngoài ra, ngân hàng cũng đặt mục tiêu tỷ lệ thu nhập hoạt động phi tín dụng đến năm 2025 đạt 20 - 25%.

Trong cuộc họp với các chuyên viên phân tích, MSB cho biết mục tiêu tổng tài sản năm 2024 đạt 306.000 tỷ đồng, tăng 14,6% so với cuối 2023. Dư nợ tín dụng ở mức 178.200 tỷ đồng, tăng 18%, NIM ước đạt 3,5 - 4% và nợ xấu Theo chia sẻ từ phía ngân hàng, room tín dụng được giao từ đầu năm là 14,2%.

Về định hướng 2024 - 2027, MSB đặt mục tiêu chuyển dịch cơ cấu cho vay sang tập trung phân khúc ngân hàng bán lẻ (RB) và doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), với tỷ trọng dư nợ cho hai nhóm này trên 60%.