Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ điều chỉnh tăng lãi suất tối đa 0,5%
Theo ACBS, chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong năm 2022 sẽ không bị tác động lớn, được hỗ trợ bởi tỷ lệ lạm phát của Việt Nam duy trì ở mức 4%, chính sách tiền tệ của Việt Nam vẫn có xu hướng tiếp tục được mở rộng để hỗ trợ sự phục hồi kinh tế.
Các chuyên gia cho rằng tác động lớn chính của việc Fed tăng lãi suất chủ yếu ảnh hưởng đến dòng vốn nước ngoài. Trong ngắn hạn, với lịch sử của các đợt tăng lãi suất khác của Fed, dòng vốn vào các thị trường mới nổi sẽ luôn đảo chiều,
"Chúng tôi kỳ vọng dòng vốn ra khỏi thị trường Việt Nam sẽ chủ yếu đến từ thị trường tài chính. Và Việt Nam, với nền tảng kinh tế vĩ mô tốt và chừng nào lạm phát còn được duy trì ở mức dưới 4%, sẽ tiếp tục là điểm đến đầu tư của các doanh nghiệp FDI, đặc biệt là trong ngành công nghiệp sản xuất", báo cáo viết.
Ngoài ra, các hoạt động xuất khẩu, động lực tăng trưởng kinh tế chính của Việt Nam, tiếp tục duy trì đà tăng trưởng khi hoạt động sản xuất dần phục hồi và dự kiến sẽ tiếp tục đi lên trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu phục hồi.
Các chuyên gia của ACBS cũng cho rằng NHNN có thể sẽ điều chỉnh tăng lãi suất tối đa 0,5%. Bên cạnh đó, VND cũng sẽ giữ giá và ổn định cho tới cuối năm nhờ tỷ lệ lạm phát vẫn thấp và được kiểm soát dưới 4%. FDI giải ngân ổn định trong 5 tháng đầu năm và nguồn dự trữ ngoại hối dồi dào, ước lượng đạt 113 tỷ USD vào cuối năm 2021.
Theo các chuyên gia của ACBS, vấn đề lạm phát gần đây là do nguyên nhân từ tiền tệ với cung tiền của các quốc gia tăng liên tục trong giai đoạn 2020-2021, lạm phát cầu kéo do chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng trong thời gian đại dịch, lạm phát chi phí đẩy do cú sốc về nguồn cung và kỳ vọng lạm phát bở người dân và doanh nghiệp kỳ vọng giá cao hơn trong tương lai.
ACBS kỳ vọng những vấn đề trên sẽ được giải quyết khi các ngân hàng trung ương như Fed và Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) tăng lãi suất và thực hiện chương trình thắt chặt định lượng để chống lạm phát.