Ngân hàng nhà nước đề xuất về vay vốn trong các dự án NƠXH

15:48 | 12/09/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 25/2015 về hướng dẫn cho vay vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội.

Đáng chú ý trong dự thảo sửa đổi lần này Ngân hàng nhà nước đã đề xuất sửa đổi, bổ sung nhiều quy định mới.

Thứ nhất, sửa đổi về hạn mức cho vay, cụ thể đối với khách hàng vay vốn ưu đãi để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở của mình thì mức vốn cho vay tối đa bằng 70% giá trị dự toán hoặc phương án vay, tối đa không quá 500 triệu đồng và không vượt quá 70% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay.

Quy định hiện hành chỉ cho phép vay tối đa không quá 70% giá trị dự toán hoặc phương án vay và không vượt quá 70% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay.

Thứ hai, về lãi suất cho vay ưu đãi dự thảo cũng quy định không vượt quá 50% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng thương mại trong cùng thời kỳ. Lãi suất này sẽ  do Ngân hàng Nhà nước xác định và công bố trong từng thời kỳ.

Thứ ba, Thông tư 25 hiện hành đang được áp dụng cho bốn đối tượng được vay vốn ưu đãi ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội, đó là: 

Đối tượng vay vốn để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

Đối tượng vay vốn mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở (Người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị; Người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp...)

Các tổ chức tín dụng được chỉ định triển khai cho vay vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội.

Các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc vay vốn tại các tổ chức tín dụng được chỉ định.

Trong dự thảo đã đề xuất không vào thông tư đối tượng vay vốn để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội. Lý do là các đối tượng này đã được quy định trong Luật Nhà ở.

Nhiều sửa đổi về chính sách tiếp cận nguồn vay nhà ở xã hội

Theo đánh giá về tình hình thị trường Quý II/2021 Bộ Xây dựng cho rằng, hầu hết dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp tại các thành phố trọng điểm được đầu tư xây dựng để bán, diện tích căn hộ từ 50-70 m2 với mức giá bán dao động trên dưới 20 triệu đồng/m2.

Tại TP. Hà Nội, một số ít dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội có mức giá bán bình quân từ 13,5-16 triệu đồng/m2 như: Nhà ở xã hội IEC Thanh Trì (1.167 căn hộ, có giá bán 15,8 triệu đồng/m2); Ecohome tại Bắc Cổ Nhuế - Chèm (3.040 căn hộ, có giá bán 16 triệu đồng/m2); Dự án nhà ở xã hội CT4 Kim Chung, Đông Anh (484 căn hộ, có giá bán 13,5 triệu đồng/m2).

Còn tại TP. Hồ Chí Minh: Một số ít dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội có mức giá bán bình quân từ 13-25 triệu đồng/m2 như: Dự án nhà ở xã hội An Phú Tây (311 căn hộ, có giá bán 13 triệu đồng/m2); Dự án Phú Thọ DMC đường Lý Thường Kiệt, phường 14, quận 10 (1.088 căn hộ, có giá bán 25 triệu đồng/m2).

Ở một số địa phương khác như TP. Đà Nẵng, một số ít dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội với mức giá bán bình quân từ 7,2-12,7 triệu đồng/m2; giá cho thuê (đã bao gồm chi phí bảo trì) dao động từ 48.000-63.000 đồng/m2/tháng hay TP. Cần Thơ, mức giá bán bình quân từ 12-18 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm kinh phí bảo trì), giá cho thuê (đã bao gồm kinh phí bảo trì) dao động từ 280.000-330.000 đồng/m2/tháng. Tại TP. Hải Phòng có mức giá bán bình quân từ 7,3-14,5 triệu đồng/m2; giá cho thuê (đã bao gồm chi phí bảo trì) dao động từ 50.000-94.000 đồng/m2/tháng như: Khu chung cư 03 tầng từ lô L18 đến lô L24 thuộc Dự án Khu nhà ở dành cho người có thu nhập thấp tại xã An Đồng, huyện An Dương (tầng 1 (diện tích căn hộ 61,6 m2), có giá bán khoảng 10,6 triệu đồng/m2, giá cho thuê (không thuế VAT) khoảng 73.000 đồng/m2/tháng,….

Có thể nhận thấy giá bán và cho thuê dự án nhà ở xã hội gần như không giảm so với Quý I/2021. Trước tác động của dịch Covid 19 đang ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế của Việt Nam, thì việc tiếp cận người dân đến với sản phẩm nhà ở xã hội càng trở nên khó khăn hơn.

Box

Theo ông Hà Quang Hưng, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường nhận định, sau 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia (đến năm 2020), tuy nhiên mới xây dựng được hơn 5,2 triệu m2 đạt 41,7%. Đến nay có thể khẳng định, kết quả phát triển nhà ở xã hội chưa đạt mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia.

Theo ông Hưng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên do một số địa phương, trong quy hoạch đô thị, khu công nghiệp chưa xác định rõ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội, chưa thực hiện nghiêm quy định dành 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại để phát triển nhà ở xã hội hoặc có bố trí nhưng ở tại các vị trí không thuận lợi hoặc chưa giải phóng xong mặt bằng,... dẫn đến thiếu quỹ đất sạch để triển khai các dự án nhà ở xã hội.

Bên cạnh đó, do ngân sách bố trí cho Ngân hàng Chính sách xã hội trong giai đoạn 2016 - 2020 đạt mức thấp, khoảng 2.163/9.000 tỉ đồng (chỉ đáp ứng khoảng 24% so với nhu cầu của Ngân hàng Chính sách xã hội).

Đồng thời, nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho các tổ chức tín dụng để cho vay thực hiện chính sách nhà ở xã hội đến nay vẫn chưa được bố trí nên nhiều dự án nhà ở xã hội không thể triển khai thực hiện.

Hải Đăng