Ngân hàng Nhà nước bàn kế sách cứu lúa gạo hè thu

18:00 | 26/08/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, trong thời gian tới ngành Ngân hàng sẽ triển khai loạt giải pháp để “cứu” hoạt động sản xuất, tiêu thụ lúa gạo.

Ngân hàng Nhà nước bàn kế sách cứu lúa gạo hè thu - ảnh 1

Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước, ông Đào Minh Tú.

Theo ông Đào Minh Tú, thời gian qua, ngành ngân hàng đã triển khai thực hiện nhiều chính sách để hỗ trợ ngành lúa gạo. Trong đó, chủ yếu là các chính sách hỗ trợ tín dụng đối với ngành lúa gạo hiện nay.

Điển hình là chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015, Nghị định 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2015/NĐ-CP.

Bên cạnh đó là các chương trình tín dụng đặc thù theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như: Cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, tăng cường cơ giới hóa và giảm tổn thất trong nông nghiệp.

Ngân hàng Nhà nước cũng quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên (trong đó có lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, bao gồm ngành lúa gạo) thấp hơn so với lãi suất cho vay các lĩnh vực thông thường khác, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn tín dụng (hiện nay là 4,5%/năm).

Ngoài ra, theo Ngân hàng nhà nước, các tổ chức tín dụng đã kịp thời thực hiện các giải pháp theo thẩm quyền và khả năng tài chính để hỗ trợ cho một số doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo gặp khó khăn trong quan hệ tín dụng. Biện pháp chủ yếu là cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, tăng hạn mức tín dụng, tăng cường cho vay không có tài sản bảo đảm trên cơ sở đánh giá khả năng tài chính và tín nhiệm của khách hàng.

Với những giải pháp này, dư nợ tín dụng đối với ngành lúa gạo đã tăng trưởng đột biến. Cụ thể, trên toàn quốc, đến cuối tháng 7/2021, dư nợ ngành lúa gạo đạt 144.657 tỷ đồng, tăng 11,33% so với cuối năm 2020. Trong đó theo mục đích vay vốn: Dư nợ trồng, sản xuất lúa đạt 34.819 tỷ, chiếm 24,07%; Dư nợ phục vụ thu mua, tiêu thụ lúa gạo đạt 97.402 tỷ đồng, chiếm 67,33%, tăng 15,77% so với 2020; Dư nợ chế biến, bảo quản lúa gạo đạt 12.435 tỷ đồng, chiếm 8,6%.

Riêng với vùng lúa gạo trọng điểm là ĐBSCL, dư nợ ngành lúa gạo đạt 74.139 tỷ đồng, tăng 15,45%, chiếm tới 51,25% dư nợ lúa gạo toàn quốc. Từ đầu năm 2021 tới nay, các tổ chức tín dụng tại ĐBSCL đã cấp hạn mức tín dụng khoảng 56.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp, thương nhân thu mua, tạm trữ lúa gạo, đã giải ngân với tổng doanh số lũy kế 93.000 tỷ đồng để thu mua gần 7,3 triệu tấn gạo. Dư nợ thu mua, tiêu thụ đến cuối tháng 8/2021 ước đạt 51.500 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2020, chiếm 92% hạn mức được cấp.

Ngân hàng Nhà nước bàn kế sách cứu lúa gạo hè thu - ảnh 2

Hiện còn khoảng gần 600 nghìn ha lúa hè thu đã chín chờ thu hoạch tại ĐBSCL. Ảnh: Báo NNVN.

Ngân hàng Nhà nước nhận định, dịch bệnh COVID-19 đã và đang gây ảnh hưởng tiêu cực, gây ách tắc và làm đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, phân phối, lưu thông, tiêu thụ, xuất khẩu thóc, gạo, đặc biệt tại Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Do nhiều tỉnh đang áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, các doanh nghiệp ngành lúa gạo gặp khó khăn trong việc thu hoạch, lưu thông, sản xuất, chế biến và xuất khẩu gạo.

Cụ thể, các thương lái và phương tiện gặt đập liên hợp ngoài tỉnh bị hạn chế vào địa bàn, trong khi vụ lúa hè thu đã và đang vào thu hoạch, người dân tạm dừng hoặc không mạnh dạn đầu tư vào sản xuất, trồng trọt.

Các hộ nông dân thu hoạch thì không tiêu thụ được do không tiếp xúc được với thương lái mua. Thiếu hụt nghiêm trọng tài xế xe tải/container, tài công ghe/sà lan vận chuyển gạo, lúa. Khó khăn nhất về thu mua lúa cho nông dân lúc này là khâu vận chuyển lúa từ ruộng về nhà máy.

Việc các địa phương áp dụng thời gian hiệu lực của xét nghiệm COVID khác nhau, gây khó khăn cho các phương tiện vận chuyển.

Chính vì vậy, tình hình xuất khẩu gạo rất khó khăn, các doanh nghiệp chỉ xuất khẩu cầm chừng vì không có nhiều đơn hàng. Chuỗi sản xuất, cung ứng của nhiều doanh nghiệp bị đứt gãy. Hàng hóa tồn kho với số lượng lớn, doanh nghiệp khó khăn trong việc tiếp cận khách hàng. Trong khi, giá lúa gạo đang ở mức thấp hơn cùng kỳ hằng năm.

Chia sẻ với báo chí, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, trong thời gian tới, ngành ngân hàng sẽ triển khai các giải pháp, phối hợp các địa phương tháo gỡ nút thắt cho ngành lúa gạo.

Trong đó, sẽ tiếp tục tập trung nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của thương nhân kinh doanh, đầu tư, chế biến thóc, gạo, người sản xuất lúa với thời hạn và lãi suất hợp lý.

Mở rộng, tăng hạn mức tín dụng cho các doanh nghiệp để đảm bảo đủ nguồn vốn thu mua, tạm trữ thóc, gạo cho người nông dân trong vụ hè thu, tới đây là vụ thu đông nhằm góp phần ổn định giá thóc gạo, đảm bảo lợi nhuận cho người trồng lúa.

Thực hiện nghiêm túc quy định về trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, trong đó có ngành lúa gạo.

Linh hoạt áp dụng các hình thức bảo đảm tiền vay, xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm trên cơ sở quản lý dòng tiền. Tiếp tục cải tiến quy trình, thủ tục cho vay, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay, đa dạng hóa các loại sản phẩm tín dụng để tạo thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận vốn tín dụng.

Cũng theo ông Tú, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan truyền thông và chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức chính trị xã hội thực hiện các chương trình truyền thông mạnh mẽ, toàn diện để người dân, doanh nghiệp nắm bắt đầy đủ các chính sách, sản phẩm tín dụng ngân hàng và chủ động tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ngân hàng.

Như Doanh nhân Việt Nam đã thông tin, hiện nay, riêng tại ĐBSCL, vẫn còn khoảng gần 600 nghìn ha lúa hè thu chưa thể thu hoạch do ảnh hưởng của việc giãn cách xã hội. ĐBSCL là vùng sản xuất lúa gạo trong điểm của Việt Nam, với điện tích trên 1,5 triệu ha. Vụ hè thu 2021, sản lượng lúa tại đây dự kiến khoảng xấp xỉ 5,2 triệu tấn, năng suất trung bình đạt gần 57 tấn/ha. Không chỉ khó khăn về thu hoạch, tiêu thụ, giá lúa tại ĐBSCL còn liên tiếp rớt giá khiến người dân, doanh nghiệp như ngồi trên đống lửa.

Nhiều ý kiến cho rằng, có thể tới đây, việc dự trữ quốc gia tiến hành thu mua lúa gạo để hoàn lại số lượng đã xuất cấp miễn phí cho các tỉnh phía Nam sẽ “cứu cánh” cho vụ hè thu tại đây nói chung.

Trong khi chờ đợi, ngành NN-PTNT cũng đưa ra nhiều giải pháp nhằm ổn định sản xuất, lưu thông. Từ đó, xây dựng phương án đảm bảo kế hoạch, tiến độ gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch, lưu thông, phân phối nông sản trong trường hợp địa phương bị giãn cách xã hội do dịch COVID-19.

THU QUỲNH

Xem thêm: Dự trữ lúa gạo sẽ “cứu cánh” cho vụ hè thu các tỉnh phía Nam?