Ngân hàng Nhà nước sẽ giám sát chặt chương trình hỗ trợ lãi suất 2%

Đông Bắc 16:42 | 20/06/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết, phía ngân hàng sẽ tích cực triển khai và giám sát chặt chẽ việc thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất 2%.

Ngày 18/6/2022, tại TP HCM, NHNN tổ chức họp báo để thông tin kết quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và định hướng điều hành những tháng cuối năm 2022.

Phát biểu tại buổi họp báo, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, đồng thời sẵn sàng cung ứng đủ nguồn vốn cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế.

Theo đó, NHNN điều hành nghiệp vụ thị trường mở chủ động, linh hoạt nhằm đảm bảo thanh khoản cho các tổ chức tín dụng (TCTD), góp phần ổn định thị trường tiền tệ.

Về điều hành lãi suất, NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành mặc dù chịu áp lực từ xu hướng nới lỏng tiền tệ, tăng lãi suất trên toàn cầu, nhằm tạo điều kiện để TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp, qua đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất - kinh doanh.

Thông tin thêm tại cuộc họp, ông Phạm Chí Quang Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ NHNN cho biết, sau khi Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) điều chỉnh lãi suất ngày 15/6 với mức điều chỉnh lớn nhất kể từ 1994 trở lại đây, thị trường trong nước biến động rất nhẹ, lãi suất huy động và cho vay được duy trì ổn định.

Đây là một sự nỗ lực rất lớn trong điều hành và NHNN đã thực hiện đúng tôn chỉ bám sát điều hành tỷ giá chủ động, linh hoạt phù hợp với tình hình thị trường trong và ngoài nước, các cân đối vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu chính sách tiền tệ; qua đó, góp phần hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế và ổn định lạm phát.

Trả lời các nội dung liên quan đến điều hành tỷ giá, lãi suất, tín dụng, giá vàng và xử lý nợ xấu, Phó Thống đốc khẳng định: “NHNN sẽ tiếp tục kiên định mục tiêu điều hành linh hoạt kiểm soát lạm phát góp phần ổn định kinh tế vĩ mô”.

Thông tin thêm về điều hành chính sách tiền tệ, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, định hướng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 là 14% nhưng sẽ có điều chỉnh tùy theo nhu cầu thực tế của nền kinh tế. Đồng thời, ngành Ngân hàng tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu vốn tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ tại các TCTD theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 và các Thông tư sửa đổi, bổ sung; chính sách giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng; chương trình cho vay trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất; các giải pháp về miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán...

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, triển khai Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ, NHNN đã: Ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng triển khai Nghị quyết 11; trình Chính phủ ban hành Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Hoàn thiện trình Chính phủ ban hành Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; đồng thời, ban hành Thông tư 03/2022/TT-NHNN hướng dẫn các NHTM thực hiện hỗ trợ lãi suất theo Nghị định của Chính phủ. Ngày 27/5/2022, NHNN đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn Ngành triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn Ngân sách nhà nước 40.000 tỷ đồng theo Nghị định 31/2022/NDD-CP của Chính phủ và Thông tư 03/2022/TT-NHNN của NHNN.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh: “NHNN sẽ triển khai tích cực các chính sách mới và có các cơ chế cụ thể để giám sát chặt chẽ việc triển khai thực hiện của các ngân hàng”.

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú chủ trì họp báo.

Thông tin thêm tại cuộc họp, ông Phạm Chí Quang Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ NHNN cho biết, sau khi Fed điều chỉnh lãi suất ngày 15/6 với mức điều chỉnh lớn nhất kể từ 1994 trở lại đây, thị trường trong nước biến động rất nhẹ, lãi suất huy động và cho vay được duy trì ổn định. Đây là một sự nỗ lực rất lớn trong điều hành và NHNN đã thực hiện đúng tôn chỉ bám sát điều hành tỷ giá chủ động, linh hoạt phù hợp với tình hình thị trường trong và ngoài nước, các cân đối vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu chính sách tiền tệ; qua đó, góp phần hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế và ổn định lạm phát.

Về điều hành tín dụng, bà Hà Thu Giang Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, ngay từ đầu năm 2022, NHNN đã có chỉ đạo, định hướng tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; kết quả, đến ngày 9/6/2022, tín dụng tăng 8,15% so với cuối năm 2021, tăng 17,09% so với cùng kỳ năm 2021, phù hợp với diễn biến tích cực hơn của nền kinh tế. Nhờ đó, đã góp phần kích hoạt mạnh mẽ các hoạt động kinh tế, tạo đà phục hồi các chỉ số vĩ mô, từ đó giúp nền kinh tế dần khôi phục và tăng trưởng.

Nhiều ngân hàng thương mại gần cạn room tín dụng

Theo VTV.VN, hiện nay nhu cầu vay vốn tăng nhưng khá nhiều ngân hàng thương mại đã gần cạn room tín dụng. Nếu như hết room đồng nghĩa với việc các ngân hàng dù có tiền trong tay cũng không thể giải ngân cho vay. Vì vậy không ít ngân hàng đã đề xuất được nới hạn mức tín dụng.

Chuyên cho vay nông nghiệp nông thôn, tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) đến cuối tháng 5 đã cao gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là thực trạng chung của nhiều ngân hàng thương mại.

"Về tăng trưởng tín dụng đến thời điểm hiện tại chúng tôi tăng trưởng khoảng gần 5%. Tuy nhiên, chúng tôi cũng dự báo đến từ nay đến 31/12 cũng sẽ thiếu hụt. Chúng tôi dự kiến sẽ báo cáo Ngân hàng Nhà nước nới room hoảng 3 - 4% nữa", ông Phạm Toàn Vượng - Phó tổng Giám đốc Agribank cho hay.

Ông Nguyễn Việt Cường - Phó tổng Giám đốc Vietcombank nói: "Nhu cầu vốn giờ đang tăng cao, ngay cả Vietcobank 4 tháng đầu năm tăng trưởng gần 9%. Đề nghị Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng phù hợp cho các ngân hàng để chung tay với nền kinh tế trong việc trong việc hỗ trợ tăng trưởng năm nay".

Chính phủ mới đây thông qua Nghị định về hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách Nhà nước ước tính sẽ có khoảng 2 triệu tỷ đồng dư nợ tín dụng sẽ được hưởng lợi. Do đó các ngân hàng cho biết cần được mở room tín dụng mới có điều kiện giải ngân gói hỗ trợ này.

Trong phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết dư nợ tín dụng trên GDP của Việt Nam đang ở mức tương đối cao là 124% GDP. Khi nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào tín dụng thì mỗi khi có các cú sốc lớn như đại dịch COVID-19, hay biến động của tình hình kinh tế thế giới sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nền kinh tế. Vì vậy, công cụ cấp hạn mức tín dụng vẫn phát huy những hiệu quả nhất định.

Bà Nguyễn Thị Hồng - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết: "Trước đây các ngân hàng có nhiều năm tăng tín dụng 30%/1 năm - mức rất cao, cá biệt có những năm tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống lên đến 53,8%. Như vậy nó tạo ra những cuộc đua lãi suất để huy động nguồn tiền… Chính vì vậy, chúng tôi thấy đât là giải pháp hiệu quả thời gian qua và hiện nay đang áp dụng".

Như người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước có lý giải, từ khi áp dụng công cụ cấp hạn mức tín dụng đã góp phần kiểm soát cuộc đua tăng lãi suất của các ngân hàng. Điều này cũng hết sức quan trọng trong bối cảnh hiện nay, khi Chính phủ đang cố gắng thực hiện các giải pháp giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch.