'Khát' nhà ở xã hội vì đâu?

Đông Bắc 14:59 | 20/06/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tình trạng bán chênh, nhượng suất mua, cho thuê lại... khiến người có thu nhập thấp khó tiếp cận nhà ở xã hội. Do đó, cần có biện pháp tăng cường giám sát mua bán nhà ở xã hội để tạo được tính minh bạch.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở công nhân: đến nay mới đạt 7,3 triệu m2/12,5 triệu m2 theo kế hoạch. Trong đó, nhà ở công nhân là 2,7 triệu m2 tương đương 54 ngàn căn hộ. Nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp đô thị là 4,6 triệu m2 với 92.500 căn hộ.

Hiện nay, cả nước đang tiếp tục triển khai 339 dự án nhà ở xã hội, nhưng tốc độ triển khai rất chậm, trong đó nhà ở công nhân là 7,6 triệu m2 với hơn 152 nghìn căn hộ; nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp đô thị là 10,96 triệu m2 với 219 nghìn căn hộ. Các dự án này đang triển khai rất chậm và mới chỉ khởi động lại thời gian gần đây sau gói hỗ trợ tín dụng theo Nghị quyết 11 của Chính phủ được công bố.

Trong đó, Hà Nội hiện có 25 dự án nhà ở xã hội được đưa vào sử dụng với gần 12.909 căn hộ. Dự kiến, trong quý III và IV/2022, khi 2 dự án mới được khởi công cũng chỉ bổ sung thêm 1.860 căn. Trước đó, kế hoạch phát triển nhà ở xã hội tại Hà Nội giai đoạn 2016-2020 mới đạt 26,24%. Trong khi đó, người dân lao động có nhu cầu về phân khúc này rất lớn, chiếm đến 70-80%.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng, thiếu quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân là nguyên nhân dẫn đến tình trạng "khát" nhà ở xã hội của người dân. Điều đáng nói, theo quy định, mỗi dự án nhà ở thương mại, khu đô thị đều phải dành 20% quỹ đất để xây nhà ở xã hội, nhưng tại Hà Nội, nhiều dự án không chấp hành nghiêm túc quy định này.

Không chỉ do quỹ đất hạn hẹp, hiện nay, ở nhiều khu đô thị, doanh nghiệp dường như có xu hướng không muốn triển khai nhà ở xã hội. Nguyên nhân là do sản phẩm này có lợi nhuận thấp, trong khi đó phải đầu tư nhiều vốn. Cá biệt có những trường hợp chây ỳ, không có trách nhiệm với cộng đồng dù cơ quan chức năng đã nhiều lần nhắc nhở.

Điều này dẫn đến việc thiếu nhà ở xã hội do các dự án không được hoàn thành, có dự án chuyển mục tiêu đầu tư sang nhà ở thương mại trái quy định; thậm chí có nhiều dự án bỏ hoang trong thời gian dài hay có một số dự án xây xong rồi nhưng lại xa trung tâm nên rất khó bán.

Mới đây, Vinhomes công bố các dự án nhà ở xã hội sẽ mang thương hiệu Happy Home, quy mô mỗi dự án từ 50-60 ha. Dự kiến giá bán căn hộ sẽ dao động từ 300-950 triệu đồng mỗi căn. Vinhomes hứa hẹn sẽ giúp "nâng tầm" nhà ở xã hội với hệ sinh thái đầy đủ tiện ích.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc các doanh nghiệp lớn, có tên tuổi tham gia làm nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội sẽ giúp người mua yên tâm hơn về chất lượng của dự án. Bởi những doanh nghiệp lớn đã có uy tín trên thị trường với nhiều dự án cao cấp thì khi làm nhà bình dân cũng sẽ chỉn chu và bài bản hơn.

Tăng cường giám sát mua bán nhà ở xã hội

Tuy các doanh nghiệp lớn đang đâu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội nhưng cơ hội để các hộ dân có thu nhập thấp, công nhân sở hữu được một căn hộ vẫn là điều khá xa vời. Tình trạng bán chênh, nhượng suất mua, cho thuê lại...vẫn còn diễn ra khiến người có thu nhập thấp khó tiếp cận nhà ở xã hội. Điều này đặt ra yêu cầu cần tăng cường giám sát hơn nữa trong mua bán loại hình này.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SB Law.

Trước thực trạng trên, Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SB Law cho biết: Thực tế, những nguyên tắc cho thuê, cho thuê mua, bán nhà ở xã hội được quy định tại Điều 62 Luật Nhà ở năm 2014. Tuy nhiên, trong một báo cáo trước đó của Sở Xây dựng Hà Nội, giai đoạn 2016 - 2020, trên địa bàn thành phố đã có 12.659 căn hộ nhà ở xã hội tại 23 dự án được xét duyệt bán, cho thuê, tương đương khoảng hơn 1,2 triệu m2 sàn nhà ở.

Song, qua kiểm tra, giám sát việc sử dụng nhà ở xã hội, Sở Xây dựng và UBND các quận, huyện đã phát hiện và xử lý một số trường hợp mua, thuê nhà ở xã hội sử dụng không đúng mục đích như cải tạo đập thông 2 căn hộ để mở rộng diện tích, cho ở nhờ, cho thuê lại hoặc không sử dụng.

Gần đây, việc mua bán các căn hộ nhà ở xã hội trái quy định đang diễn ra hàng ngày và công khai qua nhiều website bán bất động sản, lượng thông tin rao bán nhà ở xã hội rất lớn. Những người đủ điều kiện, làm thủ tục mua nhà ở xã hội nhưng không có nhu cầu để ở mà mục đích là bán lại, trong khi người có nhu cầu ở thực, lại phải mua lại với giá chênh lệch rất cao.

Đặc biệt, việc lách luật bằng hình thức hợp đồng ủy quyền, di chúc hay hợp đồng hứa mua hứa bán, lập vi bằng… người mua lại nhà ở xã hội có thể gặp nhiều rủi ro về sau. Trường hợp 1 trong 2 bên mua bán xảy ra tranh chấp thì người mua luôn bị thiệt thòi vì đây không phải là giao dịch bảo đảm.

Còn với việc lập di chúc, lại càng rủi ro, vì di chúc thể hiện ý chí của người lập, việc này có thể thay đổi. Do đó, không có gì là chắc chắn nếu bên bán thay đổi nội dung di chúc.

Trong bối cảnh giá nhà liên tục tăng cao vượt xa mức thu nhập của người dân, nhà ở xã hội càng trở nên cấp thiết để đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia. Do đó, bên cạnh thúc đẩy các chính sách, cơ chế ưu đãi để thu hút đầu tư, việc giám sát để nhà ở xã hội được sử dụng đúng mục đích, đến đúng đối tượng là vô cùng cần thiết.

Bên cạnh đó, nếu phát hiện trường hợp sai phạm, vi phạm quy định của pháp luật thì sẽ chấm dứt hợp đồng mua bán, thu hồi lại căn hộ, răn đe các trưởng hợp làm sai như hiện nay.