Quyết tâm ghìm đà tăng lạm phát, ngân hàng trung ương Anh tăng lãi suất mạnh nhất 27 năm

Phương Lê (theo Reuters) 09:48 | 05/08/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Ngày 4/8, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã tăng lãi suất 0,5%, mức cao nhất trong 27 năm trong nỗ lực kiểm soát lạm phát bất chấp cảnh báo về một cuộc suy thoái kéo dài.

Đối phó với tình trạng gia tăng giá năng lượng sau khi xung đột Nga - Ukraine bùng nổ gây áp lực lên nguồn cung, Ủy ban Chính sách Tiền tệ (MPC) của BoE đã bỏ phiếu tán thành mức tăng lãi suất nửa điểm phần trăm từ 1,25% lên 1,75%. Mức lãi suất 1,75% cũng là mức lãi suất cơ bản cao nhất của BoE kể từ năm 2008 đến nay.

Hầu hết các nhà kinh tế trước đó đã dự đoán BoE có thể tiến hành mức tăng lãi suất 50 điểm cơ bản theo kết quả một cuộc thăm dò của Reuters trong bối cảnh các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đang cố gắng kiềm chế sự gia tăng giá cả.

Thống đốc BoE Andrew Bailey cho biết tất cả phương án đã được đưa ra bàn bạc cho cuộc họp tiếp theo của BoE vào tháng 9. Ông Bailey nói tại một cuộc họp báo: "Đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2% vẫn là ưu tiên tuyệt đối của chúng tôi. Tôi không thấy có bất kỳ vấn đề gì về điều đó".

BoE cũng cảnh báo nguy cơ nền kinh tế sẽ bắt đầu suy thoái vào quý cuối cùng của năm 2022 và diễn biến trong suốt cả năm 2023, và rằng đây có thể là đợt suy thoái kéo dài nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hồi năm 2008.

Mức tăng lãi suất lên tới 0,5% được đưa ra trong bối cảnh lạm phát giá tiêu dùng tại Anh dự báo có khả năng đạt đỉnh 13,3% vào tháng 10 - mức cao nhất kể từ năm 1980 - phần lớn là do giá năng lượng tăng cao sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine. Cơn "bão giá" năng lượng có khả năng khiến các hộ gia đình Anh phải đối mặt với hai năm liên tiếp giảm thu nhập khả dụng, mức giảm lớn nhất kể từ khi kỷ lục này bắt đầu vào năm 1964.

Sau quyết sách mới nhất của BoE, đồng bảng Anh mất giá, trong khi thị trường chứng khoán Anh lại lên điểm do kỳ vọng vào cam kết của ngân hàng trung ương về việc kiểm soát lạm phát. Đồng nội tệ của Anh giảm 0,2% trong phiên 4/8, xuống mức 1,2122 USD đổi 1 bảng Anh. 

Ông Hussain Mehdi, chiến lược gia vĩ mô và đầu tư tại HSBC Asset Management cho biết: “Quyết định hôm nay khẳng định quan điểm của ngân hàng trung ương Anh trong quyết tâm đánh bại lạm phát khi đối mặt với những thách thức liên tục từ phía cung, bao gồm thị trường lao động rất thắt chặt và hóa đơn năng lượng tăng cao”.

Lạm phát giá tiêu dùng của Anh đã đạt mức cao nhất trong 40 năm là 9,4% vào tháng 6, gấp hơn 4 lần so với mục tiêu 2% của BoE, gây ra áp lực lên người sẽ kế nhiệm ông Boris Johnson trong vai trò là Thủ tướng tiếp theo của Anh. BoE trước đó đã dự báo lạm phát sẽ đạt đỉnh trên 11% và nền kinh tế Anh hầu như không tăng trưởng, sớm nhất trước năm 2025. Trong các dự báo mới của mình, BoE kỳ vọng ​​lạm phát giảm trở lại mức mục tiêu 2% trong thời gian hai năm do các thách thức từ phía cung đối với nền kinh tế.

Ngân hàng trung ương Anh hiện đã thực hiện tăng lãi suất 6 lần kể từ tháng 12/2021 nhưng động thái tăng lãi suất 0,5% hôm 4/8 là quyết liệt nhất kể từ năm 1995. Áp lực buộc ông Bailey và các đồng nghiệp của ông phải đưa ra những nỗ lực mạnh mẽ hơn. Động thái càng cứng rắn hơn sau các đợt tăng lãi suất gần đây của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ, Ngân hàng Trung ương châu Âu và các ngân hàng trung ương khác.  

BoE lặp lại rằng họ sẵn sàng hành động mạnh mẽ nếu cần để ngăn chặn áp lực lạm phát dai dẳng hơn. Nhưng điều đó cũng nhấn mạnh rằng có những bất ổn "cực kỳ lớn" về nền kinh tế có thể làm cho suy thoái trầm trọng hơn hoặc ít nghiêm trọng hơn các dự báo, đồng thời quyết định những hành động tiếp theo của BoE khi các sự kiện diễn ra.

BoE cho biết: “Chính sách không theo một lộ trình định sẵn. Quy mô, tốc độ và thời gian của bất kỳ thay đổi nào nữa trong điều hành lãi suất sẽ phản ánh đánh giá của Ủy ban về triển vọng kinh tế và áp lực lạm phát."

Trong khi đó, bà Liz Truss, ứng cử viên hàng đầu cho chiếc ghế Thủ tướng Anh, đã tỏ ra nghi vẫn về nỗ lực chống lạm phát của BoE. Bà muốn thiết lập "một hướng đi rõ ràng" cho chính sách tiền tệ và xem xét lại nhiệm vụ của BoE. 

BoE cho biết ngay sau cuộc họp tiếp theo vào tháng 9, họ dự kiến ​​sẽ bắt đầu bán tài sản (cụ thể là trái phiếu Chính phủ) để hút tiền về, một nghiệp vụ còn được gọi là thu hẹp bảng cân đối kế toán của ngân hàng trung ương, với quy mô khoảng 10 tỷ bảng Anh mỗi quý. Đây là một nỗ lực mới nhằm chống lại lạm phát tăng nóng. Lượng trái phiếu Chính phủ mà BoE nắm giữ đã đạt đỉnh 875 tỷ bảng Anh vào tháng 12/2021 và từ đó đã giảm xuống còn 844 tỷ bảng Anh sau khi BoE ngừng tái đầu tư số tiền thu được từ trái phiếu đáo hạn vào tháng 2.