Ngành công nghiệp tăng trưởng cao nhất trong 4 năm qua
Trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo giữ vai trò chủ chốt dẫn dắt mức tăng trưởng chung của ngành công nghiệp và toàn nền kinh tế; sản xuất và phân phối điện bảo đảm cung cấp đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng của nhân dân; khai khoáng bước đầu có mức tăng nhẹ 2,68% sau nhiều năm liên tiếp giảm.
Ngành khai khoáng khai thác đã vượt mục tiêu đề ra tại kịch bản tăng trưởng nhờ khai thác than, kim loại tăng cao, bù đắp cho sự sụt giảm của khai thác dầu thô. (Quý III tăng 4,5% và 9 tháng tăng 2,68%, trong khi mục tiêu đặt ra là quý III giảm 5,2% và 9 tháng giảm 4,05%).
Ngành điện sản xuất, cung ứng và phân phối điện theo kế hoạch, vận hành hệ thống điện an toàn, linh hoạt, kịp thời, về mức tăng trưởng vượt mục tiêu đề ra, tăng trưởng 10,7% trong 9 tháng đầu năm 2019 (mục tiêu là 10,23%).
Ngành công nghiệp chế biến chế tạo đạt thấp hơn mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP, chỉ tăng 11,37% trong 9 tháng đầu năm (mục tiêu là 12,63%) và thấp hơn so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 12,9%). Tuy nhiên vẫn là điểm sáng, đóng góp chính vào tăng trưởng của khu vực công nghiệp và tăng trưởng của toàn nền kinh tế.
Đối với nhóm hàng dệt may, 9 tháng đầu năm 2019, vải dệt từ sợi tự nhiên ước đạt 475,6 triệu m2, tăng 12,8%; sản xuất vải dệt từ sợi tổng hợp và sợi nhân tạo ước đạt 881,2 triệu m2, tăng 7,6%; quần áo mặc thường ước đạt 3.791,4 triệu cái, tăng 8,8% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc 8 tháng ước đạt 24,77 tỷ USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ.
Sản xuất của ngành da tiếp tục tăng trưởng tốt chủ yếu nhờ cơ hội và triển vọng phát triển, mở rộng thị trường từ hiệu ứng của các Hiệp định thương mại tự do mang lại. Chỉ số sản xuất da và các sản phẩm có liên quan 9 tháng đầu năm 2019 tăng 8,9% so với cùng kỳ. Sản lượng giầy, dép da 9 tháng đầu năm 2019 ước đạt 210 triệu đôi, tăng 5,3% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu giầy, dép các loại ước đạt 13,33 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ.
Về nhóm hàng linh kiện, điện tử, thiết bị điện bắt đầu phục hồi từ giữa quý II/2019 và đang lấy lại đà tăng trưởng. Chỉ riêng trong tháng 8 và tháng 9, tăng trưởng IIP của ngành này lần lượt đạt 20,1% và 14,6% so với tháng trước và tăng 6,3% so với 9 tháng cùng kỳ năm trước. Đây là dấu hiệu tích cực của ngành này sau khi liên tục tăng trưởng âm so với cùng kỳ của năm trước trong 6 tháng đầu năm. Nguyên nhân chủ yếu là do hãng điện thoại Samsung cho ra mắt dòng sản phẩm điện thoại cao cấp Galaxy Note 10 và đẩy mạnh sản xuất để xuất khẩu.
Tháng 9 và 9 tháng năm 2018, sản xuất kinh doanh của ngành đồ uống cơ bản ổn định. Tính chung 9 tháng đầu năm 2019, chỉ số sản xuất duy trì mức tăng trưởng tốt tăng 11% so với cùng kỳ; sản lượng bia các loại ước đạt 3,75 tỷ lít; tăng 11% so với cùng kỳ năm 2018.
Về sản xuất ô tô, sản lượng sản xuất ô tô tháng 9 năm 2019 đạt 28.200 chiếc, giảm 5,8% so với tháng trước và giảm 5,2% so với cùng kỳ năm 2018. Tính chung 9 tháng năm 2019, sản lượng sản xuất ô tô ước đạt 243.300 chiếc, tăng 8,3% so với cùng kỳ.
Hiện nay, thị trường ô tô đang ở giai đoạn cạnh tranh khốc liệt, giá giảm đối với tất cả các phân khúc do nguồn cung từ nhập khẩu, cũng như sản xuất trong nước đang dồi dào. Ô tô nhập khẩu thuế 0% sẽ không chỉ là ô tô các nước ASEAN như Thái Lan, Indonesia hiện nay mà còn là ô tô từ các quốc gia thành viên của Hiệp định CPTPP và EVFTA như Nhật Bản, Canada, hay Đức, Anh, Pháp trong 7-10 năm tới. Sự cạnh tranh gay gắt từ ô tô nhập khẩu đang ngày càng gia tăng và ảnh hưởng tới ngành sản xuất ô tô nội địa.
Sản xuất trong nước cũng đang tăng nhanh khi Nhà máy sản xuất ô tô VinFast đã hoàn tất quá trình đầu tư và cho ra những sản phẩm đầu tiên; Thaco và Thành Công ngày một củng cố vị trí dẫn đầu với hàng loạt sản phẩm mới lắp ráp trong nước ra mắt với dải sản phẩm phong phú, mức giá ngày một cạnh tranh.